Nhiều trang báo quốc tế gọi Evegrande là một sự kiện "thiên nga đen" mới của thị trường tài chính - ám chỉ các sự vụ bất ngờ có hậu quả nghiêm trọng. Nhưng trên thực tế các chuyên cho rằng, Evergrande lại chỉ là một sự kiện "tê giác xám"- ám chỉ các rủi ro lớn nhưng đã bị phớt lờ.
Lý do bởi các chính sách quản lý bất động sản mới của Trung Quốc trong đó có quy định 3 lằn ranh đỏ đã được áp dụng từ tháng 8/2020 đến nay, khiến Evergrande cạn kiệt dần thanh khoản về tín dụng. Vậy tác động của vụ việc lần này tới thị trường bất động sản và hệ thống tài chính Trung Quốc tới đâu?
Tháng 8/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo, việc tiếp cận vốn từ ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tín dụng của các công ty địa ốc chỉ có thể tiến hành sau khi được xếp hạng.
Một quy định về ba lằn ranh đỏ đã được đưa ra. Lần lượt là tỷ lệ tiền mặt/nợ ngắn hạn phải lớn hơn 1; nợ/tổng tài sản phải nhỏ hơn 70% và nợ/vốn chủ sở hữu phải nhỏ hơn 100%.
Evergrande vi phạm cả 3 tiêu chí và bị xếp vào nhóm đỏ, không còn được vay nợ dù chỉ 1 đồng.
"Tiêu chí tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn lớn hơn 1 là một hệ số rất khắt khe và nó cho thấy thông điệp thật sự là PBoC và các cơ quan quản lý Nhà nước Trung Quốc muốn các tập đoàn bất động sản tập trung xử lý các tài sản tồn đọng của mình, các khoản tồn kho và danh mục phải thu trước khi tiếp cận các khoản vay mới để đầu tư cho các dự án mới. Đây là mục đích thực sự của ba lằn ranh đỏ", Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc cho hay.
Một dự án bất động sản còn chưa hoàn thiện của Evergrande ở Lạc Dương, Trung Quốc, tháng 9/2021 - Ảnh: Reuters.
Hệ quả là Evergrande sau 1 năm ôm quả "bom nợ" lên tới 300 tỷ USD. Trong khi đó, lượng tiền mặt mà sở hữu chỉ khoảng 24 tỷ USD.
Ngày 23/9, Evergrande chính thức lỡ hạn thanh toán khoản lãi trái phiếu phát hàng bằng đồng bạc xanh trị giá 83,5 triệu USD. Ngày 29/9, sẽ tiếp tục là hạn trả một khoản lãi trái phiếu khác trị giá 47,5 triệu USD.
Nguy cơ vỡ nợ đến rất gần nhưng các chuyên gia đánh giá, quả "bom nợ" 300 tỷ USD của Evergrande vỡ cũng không tác động quá lớn tới thị trường bất động sản và tài chính Trung Quốc.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành cho hay: "Xét về cơ cấu nợ cũng như trình tự phá sản, hoạt động phá sản của Evergrande có thể diễn ra và nhà đầu tư phải chịu tổn thất ở mức nào đấy nhưng chỉ cần Chính phủ can thiệp đúng cách nó sẽ trở về dạng phá sản kinh tế thông thường.
Evergrande là con nợ của rất nhiều ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tín dụng, để đảm bảo nhất cần tập trung giữ ổn định thanh khoản để tất cả những người gửi tiền vào ngân hàng không bị các cú sốc liên đới từ Evergrande".
Thực tế là trong tuần qua, PBoC đã có 4 phiên bơm vốn ngắn hạn liên tiếp vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc, với tổng lượng vốn bơm khoảng 71 tỷ USD. Đây là đợt bơm ròng thanh khoản ngắn hạn lớn nhất mà PBoC thực hiện trong vòng 8 tháng qua.
Lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng nhờ đó giảm còn 1,68%, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7. Cũng cần nhìn vào khối tài sản của Evergrande, chủ yếu là đất đai và các dự án phát triển nhà hiện có trị giá khoảng 220 tỷ USD. Do vậy, đây vẫn là một dạng tài sản đảm bảo đủ tốt.
Chưa kể dù là doanh nghiệp bất động sản lớn nhất nhì Trung Quốc, song doanh thu của Evergrande năm ngoái cũng chỉ chiếm 3 - 4% doanh số cả thị trường. Do vậy tác động của vụ việc này nếu có vỡ là không quá lớn.
Và sẽ không thể gọi Evergrande là một cú nổ giống như sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers kéo theo khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
VTV.vn - Evergrande là cái tên "chiếm sóng" nhiều nhất trên thị trường tài chính tuần qua không chỉ tại Trung Quốc mà cả thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.28545456172901202-couq-gnurt-gnourt-iht-nel-oan-eht-gnod-cat-ednargeve-on-mob/et-hnik/nv.vtv