Bộ Quốc phòng Lithuania hồi tuần trước đã kêu gọi người tiêu dùng tránh mua hoặc vứt bỏ điện thoại Trung Quốc sau khi một báo cáo của Trung tâm An ninh mạng Quốc gia thuộc cơ quan này cáo buộc điện thoại Xiaomi có khả năng kiểm duyệt tích hợp.
Sau báo cáo của Lithuania, Văn phòng An ninh Thông tin Liên bang Đức (BSI) đã xác nhận với truyền thông địa phương rằng cơ quan này đang mở một cuộc điều tra nhằm vào một số sản phẩm điện thoại di động do Trung Quốc sản xuất.
Xiaomi đã phản bác báo cáo của Lithuania nhưng chưa phản hồi thông tin về cuộc điều tra ở Đức, theo tờ Thời báo Hoàn cầu.
Một cửa hàng điện thoại Xiaomi ở Trung Quốc. Ảnh: GLOBAL TIMES
Theo hãng tin Reuters, trong tuyên bố đưa ra hôm 27-9, một phát ngôn viên của Xiaomi cho biết: “Trong khi chúng tôi tranh caĩ về đặc điểm của một số phát hiện nhất định, chúng tôi đang mời một chuyên gia độc lập của bên thứ ba để đánh giá các điểm được nêu ra trong báo cáo (của Lithuania)”.
Xiaomi không nêu rõ tổ chức bên thứ ba nào mà họ tiếp cận để đánh giá, mặc dù một người phát ngôn nói với Reuters rằng tổ chức này có trụ sở tại châu Âu.
Công ty Trung Quốc cho biết họ sử dụng phần mềm quảng cáo để bảo vệ người dùng khỏi những nội dung như phim ảnh khiêu dâm và các tài liệu tham khảo xúc phạm người dùng địa phương, điều mà họ cho là tiêu chuẩn trong ngành.
Thứ trưởng Quốc phòng Lithuania Margiris Abukevicius cho biết Xiaomi thông qua tuyên bố rằng họ vận hành một danh sách đen để lọc nội dung bất hợp pháp, “đang thừa nhận điện thoại (của họ) có khả năng lọc nội dung”.
“Cuộc điều tra của chúng tôi phát hiện ra rằng danh sách đen cho các bộ lọc chỉ chứa các cụm từ có động cơ chính trị. Nếu một danh sách mới xuất hiện, điều đó sẽ không phủ nhận những phát hiện của chúng tôi, nó chỉ cho thấy rằng công ty đang cố gắng sửa chữa danh tiếng của mình” – ông Abukevicius nói Reuters.
Theo báo cáo của Lithuania, điện thoại 5G Mi 10T của hãng Xiaomi được cài đặt sẵn phần mềm có chức năng phát hiện và kiểm duyệt hơn 400 cụm từ liên quan Tây Tạng và Đài Loan, và rằng nội dung này được cập nhật liên tục. Báo cáo cho biết thêm rằng chức năng này đã được tắt cho khu vực Liên minh châu Âu nhưng có thể được bật từ xa bất cứ lúc nào.
Tranh cãi xảy ra vào lúc quan hệ giữa Lithuania và Trung Quốc đang trong tình trạng căng thẳng liên quan vấn đề Đài Loan. Hồi tháng 8, Trung Quốc yêu cầu Lithuania rút đại sứ tại Bắc Kinh về nước và thông báo sẽ làm điều tương tự sau khi Đài Loan thông báo mở văn phòng đại diện tại Vilnius với tên “Văn phòng Đại diện Đài Loan”, thay vì dùng tên Đài Bắc.
Các phái bộ đại diện của Đài Loan ở châu Âu và Mỹ sử dụng tên thành phố Đài Bắc, tránh đề cập hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để “thống nhất”.