vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyển đổi số nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

2023-10-10 07:16

Sau một năm kể từ ngày Chuyển đổi số quốc gia đầu tiên, chuyển đổi số không chỉ giúp Chính phủ thấu hiểu người dân, cung cấp dịch vụ tốt hơn, mà còn giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn.

NGƯỜI DÂN LÀM TRUNG TÂM

Tháng 9.2021, Thừa Thiên - Huế là tỉnh đầu tiên trên cả nước phối hợp với Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cấp phát thẻ kiểm soát dịch bệnh có mã QR quốc gia. Địa phương này đã làm được một việc khó của giới công nghệ, đó là giúp người dân tin rằng một "mã hình vuông" có thể góp phần bảo vệ họ trước dịch bệnh.

Chuyển đổi số nâng cao chất lượng cuộc sống người dân - Ảnh 1.

Người trẻ tham gia trải nghiệm các thiết bị tiện ích số

NGỌC THẮNG

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: "Thẻ kiểm soát dịch bệnh phát huy hiệu quả, được người dân hết sức ủng hộ. Vì không phải ai cũng có smartphone; không phải ai có smartphone cũng biết kỹ năng sử dụng; không phải lúc nào, chỗ nào truy cập internet cũng ổn định. Trước đây, người có smartphone mới dùng được mã QR, giờ đây mỗi người dân Thừa Thiên - Huế sẽ có một mã QR quốc gia dùng được mọi lúc, mọi nơi". Trên tấm thẻ này là mã QR quốc gia duy nhất của mỗi công dân. Tùy vào điều kiện, công dân có thể lựa chọn hình thức của thẻ: thẻ giấy, thẻ nhựa (in ra mang theo người) hoặc sử dụng thẻ điện tử trên ứng dụng Hue-S.

Vài tháng sau, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam triển khai thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tại 5 bệnh viện (ở Hà Nội và Quảng Bình). Bộ phận một cửa BHXH ở một số địa phương như Hà Nội, Bình Dương... đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân, cơ sở KCB và cơ quan BHXH.

Tại Quảng Bình, trước đây, cán bộ y tế tại các cơ sở KCB khi tiếp đón bệnh nhân, quy trình phải thực hiện tối thiểu 4 bước, phải tự xác thực CCCD và thẻ BHYT bằng mắt thường. Thời gian chờ đợi đến lượt làm thủ tục ước tính khoảng 10 phút/địa điểm khiến người dân mệt mỏi, chán nản. Với công nghệ mới đưa vào ứng dụng, người dân đi KCB BHYT chỉ cần đặt CCCD và ngón tay trỏ lên máy kiểm tra, máy tính sẽ hiện kết quả xác nhận chủ căn cước là một. Ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho hay: "Việc đưa ứng dụng sinh trắc vân tay vào KCB đã giúp giảm thời gian làm thủ tục xuống còn từ 5 - 10 giây, đảm bảo công bằng, giảm tải nhân lực, tiết kiệm hàng tỉ đồng/năm. Đặc biệt, việc ứng dụng này sẽ giảm tình trạng mượn thẻ, gian lận trong KCB".

Với người dân ở xã Yên Hòa (H.Yên Mô, Ninh Bình), nhờ chuyển đổi số (CĐS) đã giúp xã thuần nông này phát triển KT-XH, hình thành làng số, xã thông minh, vươn ra thế giới. Qua thực hiện CĐS, người dân trên địa bàn đã thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm. Các sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử PostMart, Voso; được thiết kế thêm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc; từ đó, được nhiều người biết đến, số lượng hàng hóa bán được nhiều hơn. Đơn cử, sản phẩm cá chạch sụn kho niêu, từ khi thực hiện CĐS, lượng tiêu thụ tăng gấp 3 lần; thu nhập của người lao động tăng từ 1,5 triệu đồng/người/tháng lên 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Từ một xã nghèo, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 71,8 triệu đồng/năm. Không chỉ có vậy, người dân Yên Hòa hiện còn được tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa thông qua ứng dụng Medici, hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth...

Ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Ninh Bình, cho rằng: "Kinh nghiệm trong CĐS ở Yên Hòa là xác định rõ mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, vì hiệu quả cuối cùng là phục vụ nhân dân. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử. Sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành nhanh chóng, kịp thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; rút ngắn được thời gian xử lý, tiết kiệm được chi phí văn phòng phẩm. Năm 2022, xã Yên Hòa được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) giới thiệu trong Sáng kiến "Làng kỹ thuật số", cùng với mô hình của một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

MINH BẠCH THÔNG TIN, GIẢM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Đánh giá về kết quả triển khai Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đại diện Cục CĐS quốc gia (Bộ TT-TT) cho biết đến nay chương trình đã đi được nửa chặng đường, và bước đầu đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào sự phục hồi và phát triển KT-XH của đất nước.

Chuyển đổi số nâng cao chất lượng cuộc sống người dân - Ảnh 2.

Một trong những đột phá CĐS quốc gia năm 2023 chính là Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, chia sẻ trong ứng dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và CCCD, lực lượng công an đã cung cấp cho người dân nhiều tiện ích rất thiết thực về định danh, dùng dịch vụ y tế, giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt…

Đến nay, Bộ Công an đã cấp gần 84 triệu thẻ CCCD gắn chip, thu nhận hơn 63 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử và đã cấp gần 50 triệu tài khoản định danh, trong đó 21 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử. CSDL này đã liên thông với các địa phương và nhiều bộ, ban ngành.

Trong tháng 8, công tác triển khai Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó đã đơn giản hóa đối với 375/1.086 thủ tục hành chính, có hơn 4.400 thủ tục hành chính được các bộ, ngành và địa phương tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công trực tuyến, việc này tạo thuận lợi rất lớn cho người dân.

Về phát triển KT-XH, thanh toán không dùng tiền mặt, trong tháng 8, có tới 40 tổ chức tín dụng ký kết hợp tác với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp thiết bị, giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ CCCD gắn chip; 27 tổ chức triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán; 7 tổ chức phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm chấm điểm khả tín cho công dân. Bên cạnh đó, hơn 29.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh triển khai với hơn 19 triệu hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền, tổng số thuế thu được tăng mạnh, lên tới 1.233 tỉ đồng.

Là một trong những đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, đến nay, BHXH Việt Nam đang quản lý hơn 91,74 triệu người tham gia, trong đó đã xác thực và đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 94%.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ ngành công an, y tế trong công tác triển khai: sử dụng thẻ CCCD và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (Việt NamEID) phục vụ người dân đi KCB BHYT; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở KCB... Tính đến nay, toàn bộ các cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, với gần 50 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT qua CCCD phục vụ làm thủ tục KCB BHYT, đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh và cơ sở KCB BHYT.

Đáng chú ý, 100% thủ tục của ngành đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam; đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc, mọi nơi mà còn có thể dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách. Nhờ đó, tính minh bạch của thông tin, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được nâng cao rõ rệt...

MỖI ĐỊA PHƯƠNG CẦN CÓ MỘT TRUNG TÂM CHUYỂN ĐỔI SỐ

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2023 là năm thứ tư của CĐS Việt Nam. Nếu như 3 năm trước là khởi động, diễn tập và tấn công, thì năm 2023 này sẽ là năm tạo ra các kết quả và giá trị thiết thực. Sau khi đã có nền tảng số, đã đưa hoạt động lên môi trường số thì dữ liệu là quan trọng. Vì vậy, năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới".

Bộ trưởng Bộ TT-TT cho hay nhiệm vụ trọng tâm CĐS trong năm 2023 là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. "Bộ TT-TT cầm nhịp về năm dữ liệu số, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của CĐS", ông Hùng nói.

Để thúc đẩy CĐS nhanh hơn nữa, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về CĐS quốc gia và Đề án 06 diễn ra giữa tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh: "CĐS là xu thế tất yếu đang được cả thế giới thực hiện và Việt Nam không đứng ngoài cuộc. CĐS là việc làm mới, khó, nhạy cảm, đòi hỏi phải có nguồn lực, trí tuệ, thời gian và các điều kiện cần thiết khác. Chúng ta muốn phục vụ con người tốt phải có CSDL tốt và chúng ta đang triển khai đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Các bộ, ngành, địa phương đều có CSDL riêng, song, cần được kết nối, liên thông thành CSDL chung quốc gia".

Lãnh đạo Bộ Công an cho hay, trong thời gian tới, các tổ công tác triển khai Đề án 06 cần tiếp tục phối hợp làm tốt các nhiệm vụ được giao để đảm bảo đúng lộ trình thực hiện đề án. "Các CSDL sẽ tiếp tục cung cấp thêm nhiều tiện ích khác để phục vụ đời sống của người dân, góp phần xây dựng công dân số, xã hội số và kinh tế số. CSDL quốc gia về dân cư được Bộ Công an xây dựng là một trong số 3 dữ liệu tài nguyên lớn của nước ta. Đến nay, CSDL này đã và đang mang lại những hiệu quả lớn cho xã hội và người dân đang được hưởng nhiều lợi ích nhất", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Theo Bộ TT-TT, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ yêu cầu mỗi tỉnh cần thành lập một trung tâm về CĐS do Sở TT-TT quản lý. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Đây sẽ là nơi tập hợp các giải pháp, ứng dụng CĐS của các doanh nghiệp; đồng thời thể hiện các lời giải, những việc phải làm, cách làm giống như một cẩm nang hướng dẫn CĐS. Các doanh nghiệp ở T.Ư cũng như địa phương có thể giới thiệu các giải pháp công nghệ CĐS".

Chuyển đổi số nâng cao chất lượng cuộc sống người dân - Ảnh 3.

Bộ TT-TT sẽ giúp các địa phương hình thành một trung tâm CĐS mẫu. Trung tâm sẽ là nơi để tỉnh, các đơn vị, sở, ban, ngành, huyện, xã, doanh nghiệp muốn CĐS đến tham quan tìm hiểu một cách trực quan. "Trong tháng 10, Cục CĐS chọn một địa phương để triển khai làm mẫu, khai trương trung tâm CĐS. Sau đó, hướng dẫn cho các tỉnh khác cùng triển khai. CĐS đã đến lúc cần làm những việc cụ thể, triển khai ứng dụng mạnh mẽ trong thực tế. Bộ TT-TT sẽ ban hành hướng dẫn triển khai CĐS. Với hướng dẫn này, các địa phương sẽ biết rõ cần làm gì để CĐS", Bộ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh.

Xem thêm: mth.998438532900132581-nad-iougn-gnos-couc-gnoul-tahc-oac-gnan-os-iod-neyuhc/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyển đổi số nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools