vĐồng tin tức tài chính 365

Điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài

2021-09-29 06:38

Dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa công bố, tính đến ngày 20-9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Vốn FDI tiếp tục tăng

Theo Bộ KH-ĐT, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mạnh vào 18 ngành trong số 21 ngành kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với trên 11,8 tỉ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới không nhiều song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,5 tỉ USD, chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Bắc Ninh là một trong những địa phương thuộc "tốp đầu" về thu hút vốn FDI. Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này, cho biết mô hình "2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng" là một trong những yếu tố quan trọng để địa phương thu hút các dự án FDI chất lượng cao. Lý giải cụ thể về mô hình này, ông Tuấn cho biết Bắc Ninh có diện tích nhỏ, ít đất nên tỉnh khuyến khích các dự án công nghệ cao, tiết kiệm đất, dùng ít lao động, đó chính là "2 ít"; còn "3 cao" là suất vốn đầu tư các dự án FDI cao, công nghệ cao và hiệu quả cao. Cuối cùng, "4 sẵn sàng" là sẵn sàng mặt bằng; sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư; sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi và sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn của nhà đầu tư.

Với các nhà đầu tư đang làm ăn ở Việt Nam, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhiều DN FDI vẫn cam kết đẩy mạnh đầu tư và rót thêm vốn vào các dự án ở Việt Nam. Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết tập đoàn vừa quyết định đầu tư 132 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Đồng Nai trong 2 năm tới, qua đó đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Nestlé tại châu Á và châu Đại Dương. Về lý do Nestlé quyết định mở rộng đầu tư, ông Binu Jacob cho hay cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang là nhà máy hiệu quả hàng đầu của Nestlé, vì vậy tập đoàn đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất mới.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM), cũng cho biết nhiều công ty Hàn Quốc đang đầu tư ở Việt Nam đều đánh giá tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam và dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong tương lai. Điển hình là cuối tháng 8, Tập đoàn LG đã đầu tư thêm 1,4 tỉ USD cho dự án tại Hải Phòng và nhiều dự án tỉ USD khác cũng đang được các doanh nghiệp Hàn Quốc xem xét.

Điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Năm 2020, tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đã công bố tài trợ 5 triệu USD làm quy hoạch khu kinh tế Vân Phong - Khánh Hòa với kỳ vọng sẽ thu hút 40 triệu lượt khách tới địa phương này. Ảnh: KỲ NAM

Hàng loạt thỏa thuận tỉ đô

Ngay trong chuyến công du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Mỹ từ ngày 21 đến 24-9, các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) Việt Nam theo đoàn đã ký kết một loạt hợp đồng và biên bản ghi nhớ với các đối tác Mỹ trị giá hàng tỉ USD. Trong đó, T&T Group đã ký kết một loạt hợp đồng và biên bản ghi nhớ với các đối tác Mỹ để hợp tác đầu tư các dự án năng lượng tái tạo; thu mua nông sản và phân phối độc quyền dược phẩm trị giá trên 3 tỉ USD. Công ty CP Chân Mây LNG ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với các tập đoàn Excelerate Energy, General Electric để phát triển dự án Chân Mây tại Thừa Thiên - Huế trị giá 3,2 tỉ USD.

Hãng hàng không Vietjet và Công ty CFM International ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo dưỡng động cơ máy bay mới trị giá 260 triệu USD, nâng tổng giá trị hợp tác giữa hai bên lên 18,5 tỉ USD. Bamboo Airways và các đối tác GE, CFM, International, AviaWorld LCC trao văn kiện hợp tác…

Đặc biệt, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG), cũng đã ký kết các bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với 3 đối tác Mỹ để xúc tiến thực hiện 45 dự án trọng điểm mà IPPG đang nghiên cứu triển khai tại Việt Nam tập trung vào 5 lĩnh vực: Trung tâm tài chính quy mô quốc tế và khu vực tại TP HCM và TP Đà Nẵng; các khu phi thuế quan tại Phú Quốc (Kiên Giang), Khu Kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh, TP Cần Thơ; các thành phố sân bay tại TP Phú Quốc (Kiên Giang), TP Cam Ranh (Khánh Hòa), huyện Long Thành (Đồng Nai), TP Cần Thơ, sân bay Nội Bài (Hà Nội); các khu đô thị thông minh, nghỉ dưỡng và sức khỏe cộng đồng; thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và hệ thống kho hàng phân phối trung tâm hậu cần Bel-lazio logistics.

Các đối tác tham gia ký kết đều là những tập đoàn hàng đầu của Mỹ như: Cantor Fitzgerald, công ty dịch vụ tài chính hàng đầu của Mỹ; Weidner Resort, chuyên về đầu tư quản lý các dự án dịch vụ nghỉ dưỡng và casino; Steelman Partners, công ty kiến trúc quốc tế trong ngành thiết kế quy hoạch các dự án nghỉ dưỡng phức hợp. Các nhà đầu tư này cũng đã tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam nhân chuyến công tác tại New York (Mỹ) để bày tỏ mong muốn hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Nói về việc ký kết một loạt thỏa thuận với các DN Mỹ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết điều quan trọng nhất để phục hồi sau đại dịch là phải huy động được nguồn tài chính vững mạnh để đầu tư các dự án lớn, từ đó vực dậy nền kinh tế, tiếp tục phát triển, hướng tới mục tiêu thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, phấn đấu đến 2030, Việt Nam là nước phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Các thỏa thuận hợp tác đầu tư mà IPPG vừa ký kết với những "đại bàng Mỹ" là bước đi quan trọng để đồng hành, tiến tới thực hiện được các kế hoạch đầu tư 45 dự án nêu trên và hỗ trợ vốn đầu tư công cho các tỉnh, thành với dự kiến tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỉ USD. 

Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam, nhận xét dù có những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. "Theo đúng chiến lược của Chính phủ Việt Nam, vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả vừa tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông, sản xuất, duy trì mạng cung ứng ổn định thì dự kiến đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng trong thời gian tới" - ông Choi Joo Ho nói.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã đạt được những thành công nhất định với "mục tiêu kép" về phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Kết quả này được cộng đồng DN FDI đánh giá cao, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng, chuyển dịch chuỗi sản xuất của các đối tác lớn. Theo bà Ngọc, kết quả thu hút vốn FDI 9 tháng cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư trong nước, những khó khăn dịch bệnh trước mắt chỉ là tạm thời. Lãnh đạo Bộ KH-ĐT nhấn mạnh đại dịch Covid-19 tạo sức ép để hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Xem thêm: mth.80755130282901202-iaogn-coun-ut-uad-tuh-uht-gnort-gnas-meid/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools