Chứng khoán Mỹ vừa trải qua một phiên biến động mạnh. Nasdaq giảm 2,83% xuống 14.546,68 điểm, đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3. S&P 500 cũng giảm 2,04% xuống 4.352,63 điểm trong khi Dow Jones mất 569,38 điểm, tương đương 1,63% xuống mức 34.299,99 điểm.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tiếp tục tăng nhanh vào ngày 28/9 lên 1,567% do các nhà đầu tư cược rằng FED sẽ sớm dừng kích thích kinh tế.
Các chiến lược gia nhận thấy xu hướng bán ra sau cú sập vừa qua. Lợi suất tăng vọt trong những phiên gần đây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những cổ phiếu tăng trưởng mạnh. Cuộc họp của FED trong tuần trước trở thành điểm khởi đầu cho cú tăng lần này của lợi suất trái phiếu kho bạc.
Katie Stockton, nhà sáng lập Fairlead Strategies, nói rằng: "Chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm, được thúc đẩy bởi giá trị vốn hóa nhìn chung đã cao. Mức giảm có thể lên tới 2 đến 5% so với hiện tại". Stockton cũng nhấn mạnh vào sự sụt giảm của Big Tech, bao gồm Apple, Amazon, Facebook, Nvidia và Microsoft.
Theo đó, bà Stockton còn gọi những gã khổng lồ công nghệ trên là "lực cản rõ ràng trên thị trường chứng khoán". Do quy mô khổng lồ của những doanh nghiệp ngày, biến động mà chúng gây ra sẽ không hề nhỏ. Cùng với Tesla, những doanh nghiệp này chiếm 25% của S&P 500.
Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư của CFRA, cũng nghiêng về khả năng thị trường sẽ bán tháo. Ngưỡng kháng cự mà ông Stovall đưa ra với S&P 500 là 4.128 điểm, tương đương mức trung bình động 200 ngày của nó. Nếu vượt qua mức này, S&P 500 có thể mất thêm 5% nữa so với hiện tại, tương đương mức giảm 10% từ đỉnh.
Kết thúc phiên giao dịch 28/9, S&P 500 đã nằm dưới mức trung bình động 50 ngày dù nó mới phục hồi trở lại vào vài ngày trước. Đây vốn được xem là một chỉ báo cho triển vọng tiêu cực khi giá đóng cửa thấp hơn mốc này. Stoval cũng "chỉ đích danh" các cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân dẫn đến cú sập tiềm năng.
"Nếu các tướng đều bị bắn, đó là dấu hiệu cho thấy mọi người đều dễ bị tổn thương. Vì vậy, dường như việc cổ phiếu công nghệ giảm 2,5% trong bối cảnh lợi suất cao hơn có thể đẩy tình hình tồi tệ hơn nữa", ông Stovall dự báo tương lai thị trường.
Theo các chuyên gia, Big Tech và các cổ phiếu tăng trưởng đều đã có định giá khá cao, dựa vào kỳ vọng của nhà đầu tư về tốc độ tăng trưởng của nó với dòng tiền trong tương lai. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng, dòng tiền đó sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phân tích đều có cái nhìn tiêu cực. Ari Wald, chuyên gia phân tích kỹ thuật của Oppenheimer, nói rằng việc cổ phiếu Big Tech bị bán tháo nghĩa là những cổ phiếu tăng trưởng, vốn hóa lớn cũng đang phản ứng giống các cổ phiếu khác trong một đợt suy thoái trên diện rộng.
"Trước đây, cổ phiếu vốn hóa lớn không mấy bị ảnh hưởng nhưng bây giờ thì đã có. Chúng tôi không coi đó là dấu hiệu của sự đầu hàng", Wald nói.
Dù có cái nhìn không mấy tích cực nhưng Stovall tin rằng cú điều chỉnh này sẽ sớm được kiềm chế và không đẩy thị trường rơi vào lãnh thổ gấu. "Nếu thu nhập, GDP và lãi suất đúng như dự báo, tôi nghĩ răng biến động lần này sẽ không thể đi xa hơn một sự điều chỉnh", Stovall nói.