Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế "ho sốt" suốt 2 năm qua, chuỗi cung ứng đứt gãy, nhiều ngành nghề thậm chí "đóng băng" hoạt động. Thương mại điện tử (TMĐT) là một trong số ít lĩnh vực ghi nhận tăng trưởng nhờ xu hướng mua sắm online. Tuy nhiên, con đường tăng trưởng không chỉ toàn màu hồng khi các doanh nghiệp TMĐT gặp thách thức lớn ở khâu giao vận, shipper vật lộn vì khó giao hàng.
Trong số các sàn TMĐT đang hoạt động tại Việt Nam, Lazada là cái tên đã có những bước tiến vượt trội trong thời gian qua. Tại một toạ đàm gần đây, ông James Dong – Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan – cho biết số người bán cũng như số đơn hàng trên Lazada đã tăng gấp 3 so với cùng kỳ năm 2020.
Lấy công nghệ làm cốt lõi
Trụ sở chính của Lazada Việt Nam được đặt tại Sài Gòn, nơi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 diễn biến nghiêm trọng trong gần 4 tháng qua. Điều này cũng có nghĩa rằng đội ngũ Lazada phải liên tục vận hành từ xa trong bối cảnh "ai ở đâu ở yên đó", xuyên suốt hàng loạt kỳ Lễ hội mua sắm, chương trình khuyến mãi. Thêm nữa, với một nền tảng mà hầu hết các hoạt động đều thực hiện online thì công nghệ càng cho thấy vai trò quan trọng, có thể coi là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành bại.
Với Lazada, trước hết không thể phủ nhận những lợi thế mà đơn vị này có được khi nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Alibaba. Sự hậu thuẫn cả về tài chính, kinh nghiệm và công nghệ từ "gã khổng lồ" TMĐT đã mang lại cho Lazada sự tự tin nhất định trong cuộc chiến khốc liệt của ngành.
Bên cạnh đó, từ khi gia nhập thị trường Việt Nam 9 năm trước, Lazada đã dành nhiều nguồn lực để phát triển và hoàn thiện nền tảng công nghệ một cách liên tục. Nếu là một người dùng quen thuộc của ứng dụng Lazada, không khó để nhận ra điều này.
Ứng dụng Lazada hiện không dừng lại ở một nền tảng mua sắm online đơn thuần, mà đã tích hợp các hoạt động giải trí như chơi game, nghe show âm nhạc cho người tiêu dùng, có thể cùng lúc cho phép hàng triệu người xem trực tiếp. Thậm chí giữa mùa dịch, trong Lễ hội mua sắm 6.6, đơn vị này vẫn tổ chức show ca nhạc hoành tráng và thu hút tổng cộng 17 triệu lượt xem, trong đó có 2 triệu lượt được ghi nhận trên ứng dụng. Việc xây dựng một nền tảng all-in-one không chỉ giúp tối ưu hóa trải nghiệm của người tiêu dùng mà đã giúp Lazada "bội thu" đơn hàng. Theo đại diện Lazada, tổng số đơn hàng thành công trên kênh LazLive trong thời gian diễn ra Lễ hội mua sắm này cũng tăng gấp 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Công nghệ cũng là "cầu nối" giúp khối đội ngũ vận hành duy trì hiệu quả khi làm việc tại nhà. Cụ thể, phần mềm liên lạc riêng DingTalk với đường truyền ổn định, tính bảo mật cao, mang lại một hệ thống "phẳng" để tối ưu hóa hiệu quả cho nhân viên.
Đặc biệt với khâu giao vận, Lazada sử dụng công nghệ AI có khả năng phân tích và gợi ý lộ trình vận chuyển tối ưu nhất, tiết kiệm thời gian cho shipper và khách hàng. Sau mỗi gói hàng được vận chuyển đến tay người nhận, toàn bộ dữ liệu của việc vận chuyển gói hàng như lộ trình, thời gian giao hàng, thời tiết hay tình trạng giao thông lại được ghi nhận vào hệ thống.
Công nghệ này giúp Lazada tăng năng suất dây chuyền, và trên hết, đưa dịch vụ chuẩn hoá lên một nấc thang mới – được tùy chỉnh hợp lý cho mỗi khách hàng.
Logistics – "Đường dài mới biết ngựa hay"
Trong các sàn TMĐT đang hiện diện tại Việt Nam, Lazada là đơn vị sở hữu hệ thống logistics bài bản và quy mô bậc nhất thị trường. Điều này cũng không khó hiểu khi đây là khía cạnh luôn được Lazada đặt làm trọng tâm, xem như chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn.
Bên cạnh việc triển khai xây dựng nhà kho và trung tâm chia chọn hàng hóa tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, thời gian qua Lazada liên tục tiên phong đưa ra các sáng kiến như giao hàng không tiếp xúc, triển khai xe điện chở hàng, đồng thời nhân rộng mô hình Drop-off point (Điểm gửi hàng) hay Collection point (Điểm nhận hàng) với hơn 2.000 điểm tại các cửa hàng tiện lợi và hệ thống tủ khóa thông minh iLogic Smartlocker. Bằng việc ứng dụng công nghệ AI, Lazada đã giảm mức chi phí giao hàng xuống nhóm thấp nhất thị trường.
Đương nhiên, các tay đua khác trên thị trường TMĐT không ngồi im và cũng có những chiến lược phát triển logistics riêng. Trong đó, nhiều nền tảng lần lượt dấn thân vào cuộc đua giao hàng nhanh trong 2-3 giờ. Tuy nhiên, hình thức này được đánh giá là chỉ mang lại hiệu quả tại một thời điểm nhất định và sẽ gặp nhiều bất cập khi mở rộng. Thậm chí, một lãnh đạo trong ngành từng đánh giá hình thức này chỉ là công cụ marketing, còn thực tế triển khai tại Việt Nam thì tốn kém, không thể áp dụng cho nhiều mặt hàng.
Điểm vượt trội của sàn TMĐT thuộc hệ sinh thái Alibaba còn nằm ở việc tự chủ mạng lưới giao hàng. Nếu như các nền tảng TMĐT khác đang phụ thuộc nhiều vào bên thứ ba, dẫn đến thế bị động khi giãn cách xã hội thì hệ thống logistic "của nhà trồng được" đã giúp Lazada nhanh chóng xoay chuyển và thích nghi.
Chia sẻ với chúng tôi, CEO James Dong cho biết Lazada đang sở hữu bộ phận giao nhận riêng - Lazada Logistics. Hiện đơn vị này có thể tự vận chuyển gần 80% lượng đơn hàng của Lazada trên thị trường, nên có thể chủ động rút ngắn thời gian vận chuyển để hàng đến tay khách hàng nhanh hơn. Riêng tại TP.HCM, tính đến tháng 8, có gần 98% lượng hàng từ nhà bán đến kho và gần 90% lượng hàng từ kho đến người dùng là do bộ phận logistics của Lazada tự thực hiện.
Bên cạnh đó, đơn vị này đã gấp rút thành lập thêm 5 trung tâm phân loại hàng hóa vệ tinh (Huyện Hóc Môn, Quận Tân Phú, Quận 4, Thành phố Thủ Đức, Quận 9) bên cạnh sortation chính ở Gò Vấp, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển. Đó cũng là lí do mà giữa bối cảnh hàng hóa ùn ứ, giao vận khó khăn, nhiều người vẫn thấy các shipper của Lazada xuất hiện đầu tiên và giao hàng rất nhanh ngay sau mỗi tin nới lỏng giãn cách, vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ cùng ngành.
Không chạy đua mà chạy marathon
Cuộc cạnh tranh thương mại điện tử khốc liệt thế nào, cần nhiều tiền thế nào, có lẽ không cần nhắc lại nhiều. Sau nhiều năm, những tay chơi TMĐT tại Việt Nam đều chưa ngừng chi tiền cho các chính sách khuyến mãi, freeship,… Nhưng đó chỉ là một bề nổi vấn đề. Chiến lược dùng tiền ra sao, đặt trọng tâm vào khía cạnh nào để phát triển bền vững trong dài hạn mới là điều quan trọng.
Với Lazada, CEO James Dong từng bày tỏ quan điểm về chuyện "đốt tiền": "Chúng tôi không tin vào cái gọi là "đốt tiền". Nếu tin có thể tiếp tục làm điều gì đó trong nhiều năm tới hay thậm chí nhiều thập kỷ nữa thì chúng tôi mới làm, còn nếu chỉ là "đốt tiền" trong một khoảng thời gian ngắn và sẽ không duy trì trong nhiều năm tới thì phải cân nhắc rất kỹ. Lý do là hành vi của người mua, người bán, các nhãn hàng sẽ rất khác khi bạn ngừng "đốt".
Ông so sánh thương mại điện tử với cuộc chạy marathon, không phải lúc nào chạy nhanh cũng tốt. Ví như cuộc so găng về lượt truy cập – tiêu chí mà Lazada từng theo đuổi rất điên cuồng. Ông cho biết thực tế, việc tạo ra lượt truy cập không tốn kém nhiều, nhưng để đạt được sự chuyển đổi từ lượt truy cập thành giao dịch hay người mua thì lại là một câu chuyện khác. Do đó, Lazada không mù quáng chạy theo thành tích lượt truy cập ảo mà đặt tập trung vào tỷ lệ chuyển đổi và cuối cùng là chuyển thành người mua. Đây mới là chìa khóa duy trì sự tăng trưởng lâu dài.
Hay mô hình gian hàng chính hãng – vốn được Lazada tiên phong triển khai và hiện đã lan rộng sang các sàn TMĐT khác. Không dừng lại ở việc cố gắng gia tăng số lượng thương hiệu tham gia, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng mà Lazada còn xây dựng chiến lược phát triển lâu dài bằng cách hỗ trợ các nhà bán hàng nhỏ lẻ. Đơn vị này đã xây dựng Học viện Lazada (Lazada University) nhằm trực tiếp đào tạo các nhà bán hàng từ cách vận hành đến chiến lược giá và sản phẩm, qua đó thúc đẩy hiệu quả kinh doanh cho đối tác, đôi bên cùng có lợi.
Tại Việt Nam, không chỉ các thương hiệu mỹ phẩm, thời trang, gia dụng,… mà những đơn vị bán lẻ lớn như Vinmart hay nhà hàng nổi tiếng Pizza 4P’s cũng lần lượt xây dựng gian hàng trên LazMall. Hiện, mô hình này đã thu hút hơn 4.000 thương hiệu tham gia chỉ tính riêng tại Việt Nam.
Suốt 9 năm phục vụ người tiêu dùng và các nhà bán hàng Việt, Lazada đã - đang tiếp tục theo đuổi những chiến lược phát triển theo cách rất riêng và bền vững. Chưa ai có thể dự đoán cuộc chiến TMĐT trong tương lai sẽ ra sao, khi nào kết thúc nhưng chắc rằng, những "tay chơi" chịu đầu tư một cách bài bản, nghiêm túc và có tầm nhìn dài hạn sẽ là người nắm phần thắng nhiều hơn cả.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế