vĐồng tin tức tài chính 365

Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ cuối: 'Hôm nay mẹ mua mít, con nít tới ăn mít'

2022-09-01 10:15
Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ cuối: Hôm nay mẹ mua mít, con nít tới ăn mít - Ảnh 1.

Con đã có thể viết những lời biết ơn mẹ bằng tiếng Việt - Ảnh: MAI TÂM

Sáng sớm chủ nhật, đang nằm ngủ nướng thì anh chồng dựng cổ dậy: "Em, em, cái alarm của em nó reng kìa". Bữa nay ngày nghỉ, mắc gì alarm reng ta? Thoáng nghĩ xong, mình ngủ tiếp. 

Nhưng đồng hồ lại reng lần nữa làm mình phải ngồi dậy tắt thì thấy trên điện thoại hiện lên hàng chữ "ghi danh học Việt ngữ". Thì ra, mình để báo thức từ vài tuần trước để tự nhắc hôm nay là hạn chót ghi tên học Việt ngữ cho con.

1. Vài tháng trước, mình đã lỡ hạn ghi danh và hỏi thăm nếu nhà thờ cho ghi danh lần hai. Mình nói với chồng và bạn bè nếu không cho ghi danh trễ thì mình tình nguyện đi dạy để con được học tiếng mẹ đẻ. 

Mấy tuần trước, mình lại gọi lên nhà thờ một lần nữa để hỏi thăm thì được biết ban Việt ngữ sẽ cho ghi danh trong hai tuần tới. Con nghe xong rất vui, năm ngoái không có lớp Việt ngữ và con buồn vì không được học.

Gia đình mình coi trọng việc giữ gìn văn hóa cội nguồn Việt trên đất Mỹ. 25 năm trước khi bước chân đến Mỹ, ba mẹ quyết định cho em trai mình đi học Việt ngữ tại nhà thờ Việt Nam cách nhà mình khoảng 20 phút lái xe. 

Ai biết cũng hỏi sao mới qua không lo học tiếng Anh cho giỏi để còn bắt kịp bạn bè trong trường, nhưng ba mẹ trả lời nếu đã sinh sống và học ở Mỹ thì rồi cũng sẽ giỏi tiếng Anh. Nhưng nếu không học và thực hành tiếng Việt thì sẽ quên vì tiểu bang mình ở lúc đó không có nhiều người Việt. 

Ba mẹ khuyến khích mình phụ dạy tiếng Việt cho các em nhỏ trong nhà thờ để đỡ buồn vì xa quê hương và cũng để giúp duy trì văn hóa Việt trên đất người. 

Được ba mẹ hướng dẫn mà sau này khi có gia đình riêng, chị em tụi mình ai cũng chú trọng đến việc học tiếng Việt và giữ văn hóa Việt cho các con của mình.

Các con chị, em mình rất may mắn vì được ở gần hai bên nội, ngoại nên có thể trò chuyện bằng tiếng Việt với nhau. 

Bên cạnh đó, bạn bè chị mình gửi rất nhiều đĩa nhạc Xuân Mai để các cháu xem và hát theo mỗi ngày. Nhờ vậy các cháu nói tiếng Việt sành sỏi như được sinh ra ở Việt Nam. Ngày đầu đi học Việt ngữ, các cháu đã được "nhảy vượt" một lớp.

Tuy nhiên, khi mình có con thì việc học tiếng Việt có chút khó khăn hơn. Vợ chồng mình sống xa gia đình, không có người thân bên cạnh. 

Lúc sinh con ra, vợ chồng bàn với nhau giúp con hiểu rõ mình là người Việt và phải giữ gìn văn hóa quê hương tổ tiên. 

Vợ chồng cũng quyết định chỉ nói tiếng Việt với con ở nhà. Nhưng có điều khó là con tuy ở nhà với ba mẹ nhưng nhất định chỉ nói tiếng Anh mặc dù cả nhà nói tiếng Việt với con.

2. Mình cho con coi đĩa ca nhạc trẻ em Việt Nam nhưng con không thích mà chỉ coi hoạt hình Mỹ. Khi con lên 2 tuổi và đi nhà trẻ thì việc nói tiếng Việt càng trở nên khó khăn hơn. Con hiểu hết những gì mọi người nói nhưng vẫn chỉ trả lời bằng tiếng Anh. 

Trong một lần gặp lại cô bạn đồng môn sang du lịch Mỹ, bạn tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy hai mẹ con trò chuyện với nhau, người nói tiếng Anh, kẻ nói tiếng Việt mà không hiểu sao con trai hiểu hết được. 

Thấy con không thích nói tiếng Việt, mình và chồng quyết định không ép con học đọc hay viết tiếng Việt mà vẫn tiếp tục trò chuyện với con bằng tiếng Việt, hy vọng một ngày nào đó con sẽ nói được nhiều hơn.

Khi con lớn hơn chút xíu thì bắt đầu nói vài chữ tiếng Việt, mỗi lần như vậy cả nhà khen con hết lời và con có vẻ vui thích. Cứ như vậy cho tới khi lên 5, con đã có thể nói được vài câu đơn giản bằng tiếng Việt và rất thích mỗi khi được khen.

Đến tuổi con đi học, vợ chồng mình quyết định ghi danh cho con học Việt ngữ lớp vỡ lòng tại nhà thờ Việt Nam cuối tuần. Con tỏ ra rất thông minh và thích học. 

Mỗi ngày, mình đều dành thời gian chơi đố chữ với con. Hai người thay phiên nhau đưa ra bất kỳ một nguyên âm hay phụ âm, người còn lại phải kiếm cho được chữ có ý nghĩa để trả lời. 

Ví dụ mình ra chữ ư, con sẽ trả lời tư, hư... và con đã học được rất nhiều qua trò chơi này. Dĩ nhiên mình tiếp tục khen con tưng bừng mỗi khi con đúng. 

Trò chơi này vẫn tiếp tục được chơi đến tận bây giờ mỗi khi hai mẹ con đi chung hoặc những lúc rảnh rỗi. Cuối năm mẫu giáo, con được lãnh thưởng hạng nhất Việt ngữ. Cả nhà mừng "hết lớn" vì con đã thích học tiếng mẹ đẻ.

Ngày đầu năm lớp 1 Việt ngữ, cô giáo kêu mình lại hỏi chuyện và đề nghị cho con lên lớp 2 vì con học khá hơn các bạn rất nhiều. 

Mình ngại vì thấy con dù viết và đọc rất khá nhưng nói tiếng Việt vẫn như "Mỹ con". Mình cũng không muốn ép vì sợ con sẽ không thích tiếng Việt nữa, nhưng cô giáo nghĩ con sẽ học được.

Khi nói chuyện với thầy lớp 2, thầy cũng lưỡng lự để con vào lớp và hứa sẽ cho biết tình hình học tập để quyết định. 

Sau vài tuần thầy khen con học rất giỏi, hơn cả mấy anh chị trong lớp. Tuy nhiên con rất lo và đòi xuống lớp 1 vì thấy các bạn trong lớp lớn hơn mình. 

Hai vợ chồng cùng khuyến khích và trò chuyện với con cuối buổi học để có thể hỗ trợ con thêm về tinh thần. Cuối năm đó con lại được giải nhất và tiếp tục nhận giải nhất cho đến tận giờ.

Đặc biệt, cơ hội để con đọc sách Thánh trên nhà thờ khiến con thích nói tiếng Việt hơn. Hôm đó cô giáo nhờ một bạn cùng lớp đọc sách Thánh. Bé bèn chỉ qua con rồi nói bé chưa đọc tốt, và con đã đọc hay hơn bé nhiều. 

Cô giáo tiếp tục đưa giấy cho con đọc thử và rất ngạc nhiên vì "bé nói không rành mà đọc không sai chữ nào, giọng lại còn rất chuẩn". Chắc có lẽ nhờ ở nhà có mẹ, cha chỉ nói tiếng Việt.

Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ cuối: Hôm nay mẹ mua mít, con nít tới ăn mít - Ảnh 2.

Tôi luôn muốn các trẻ Việt gần gũi, vui chơi với nhau để sử dụng tiếng quê hương - Ảnh: MAI TÂM

3. Sau buổi đó, con rất vui vẻ và tiếp tục cố gắng rất nhiều để nói tiếng mẹ đẻ vì thấy mẹ khoe video đọc sách của con được các cô chú ông bà trên Facebook khen nhiều. 

Cũng từ đó mỗi khi muốn động viên con trong vấn đề gì, mình đều đăng bài trên Facebook để con có thêm động lực làm tốt hơn. 

Nhiều người có thể nghĩ rằng mình muốn khoe con, nhưng theo mình "khoe" để con được khen sẽ giúp con nhiều năng lượng tốt. 

Con sẽ làm tốt việc của mình một cách vui vẻ, dễ dàng và nhiều đam mê hơn thì tại sao lại không cho con cơ hội được khen. Mình cũng cho con biết không khen không có nghĩa là dở để con khỏi thất vọng.

Để con thích Việt ngữ hơn, mình coi việc học là một trò chơi ngôn ngữ. Mình và con cùng chơi bất kể lúc nào có thể. 

Mình đố con viết chữ, dạy từ vựng qua trò chơi và chọn bất kỳ chữ nào con muốn biết để dạy con ngay cả những từ hài hước. Con cười khoái chí khi tiếp thu những từ đó mà không cảm thấy mình đang phải học. 

Hai mẹ con kiếm những chương trình tiếng Việt trên YouTube để cùng coi. Con rất thích chương trình Vietglist fun và học rất nhiều từ của chị Kayla.

Giờ đây, con đã có thể có những cuộc trò chuyện dài, viết thư bằng tiếng Việt và làm thơ "con cóc". 

Chiều nay đón con đi học về, con làm một bài thơ về trái mít rất hài để chọc mẹ và đọc cho bà ngoại nghe. Bà cười òa vì "thơ của con nghe mùi quá". 

Bài thơ có câu: "Hôm nay mẹ mua mít, con nít tới ăn mít, ăn xong con nít ịt...". Thấy mọi người vui vẻ, con rất thích thú và lại làm thêm thơ. 

Với mình, đây là cách để con có thể học vui, nhanh và sáng tạo. Con rất tự hào mình có thể nói được tiếng Việt, vì con là người Việt dù sinh ra ở Mỹ.

Mỗi cuối tuần, gia đình mình luôn dành thời gian cho nhau. Cả nhà thích ẩm thực và du lịch nên thường coi những chương trình du lịch, ẩm thực về Việt Nam.

Con rất mê quê hương, mong được về chơi một ngày sớm nhất. Và vợ chồng mình khuyến khích con có thêm động lực thực hành tiếng Việt để có thể trò chuyện khi về quê nhà.

Đi đâu có người Việt, con đều nói tiếng Việt với mọi người. Có rất nhiều chữ con chưa biết, nhưng cố gắng bằng cách dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt ngộ nghĩnh, chẳng hạn như "you hurt me" là con nói "mẹ đau lòng con". Vợ chồng cười vui, giúp con nói lại cho chuẩn.

Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ 3: Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ 3: 'Tết có cay không bố?'

TTO - Năm 2016, cả nhà chúng tôi sang Singapore sinh sống và làm việc. Hà Minh, con gái út hơn 20 tháng tuổi lúc này còn chưa nói được tiếng Việt, không giống như anh trai Hà Quang được học trọn các lớp mẫu giáo ở quê nhà...

Xem thêm: mth.38284553213802202-tim-na-iot-tin-noc-tim-aum-em-yan-moh-iouc-yk-gnouh-euq-gneit-yal-uey-io-noc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ cuối: 'Hôm nay mẹ mua mít, con nít tới ăn mít'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools