vĐồng tin tức tài chính 365

Thấy gì về mục tiêu chống tham nhũng qua vụ án cựu Bí thư tỉnh Bình Dương?

2022-09-01 13:20

Tài sản thu hồi có ý nghĩa lớn đối với hình phạt

Theo đó, trong vụ án thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, xảy tại Bình Dương, cựu Bí thư tỉnh Trần Văn Nam và 21 bị cáo liên quan bị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; 3 bị cáo bị đưa ra xem xét về tội "Tham ô tài sản" với vai trò đồng phạm giúp sức và bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương, gọi tắt là Tổng công ty SX-XNK Bình Dương) cùng 2 bị cáo liên quan bị truy tố cùng lúc về 2 tội danh nêu trên.

Quá trình xét xử cho thấy, năm 2012, bị cáo Trần Văn Nam (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) ký quyết định giao các khu đất 43ha và 145ha cho Tổng công ty SX-XNK Bình Dương (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và do Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương là chủ sở hữu duy nhất), theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng.

Thấy gì về mục tiêu chống tham nhũng qua vụ án cựu Bí thư tỉnh Bình Dương? ảnh 1

Phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo liên quan do Thẩm phán Vũ Quang Huy làm Chủ tọa.

Sau đó, trên cơ sở tham mưu của một số cá nhân thuộc các sở, ngành liên quan, bị cáo Nam ký quyết định thu tiền sử dụng đất đối với Tổng công ty XS-XNK Bình Dương, áp dụng đơn giá từ năm 2006. Việc này dẫn đến Nhà nước bị thất thoát số tiền hơn 761 tỉ đồng.

Trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty XS-XNK Bình Dương, bị cáo Nguyễn Văn Minh với động cơ vụ lợi đã không xác định giá trị tài sản là 43ha đất. Bị cáo này còn chỉ đạo cấp dưới chuyển nhượng trái pháp luật 43ha đất cùng 30% vốn góp của Tổng công ty XS-XNK Bình Dương tại Công ty Tân Phú, dẫn đến thất thoát hơn 984 tỉ đồng.

Tương tự, cũng trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã có ý vi phạm các quy định pháp luật, vi phạm Điều lệ, Quy chế quản lý tài chính khi tạo điều kiện cho cho 2 công ty "sân sau" nhận chuyển nhượng vốn góp và góp vốn thay nhà đầu tư Hà Quốc để thực hiện dự án trên diện tích 145ha đất, khiến Nhà nước thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Ngoài ra, Nguyễn Văn Minh với tư cách Chủ tịch HĐQT Tổng công ty XS-XNK Bình Dương (sau cổ phần hóa) quyết định mua 19% cổ phần tại Công ty Tân Thành (doanh nghiệp do Minh làm chủ) với giá cao hơn giá trị thực tế, khiến doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm gần 70% bị thiệt hại hơn 815 tỉ đồng. Số tiền chênh lệch này, Minh cùng các bị cáo liên quan chia nhau chiếm hưởng.

Quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, hầu hết các bị cáo trong vụ án đều thừa nhận sai phạm của bản thân như cáo trạng truy tố, đồng thời thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Duy chỉ có bị cáo Nguyễn Dại Dương (con rể bị cáo Minh) là không thừa nhận nội dung bị truy tố trong hành vi "hô biến" 43ha đất.

Bên cạnh đó, ngay trong giai đoạn điều tra, Cơ quan tố tụng đã thu hồi được toàn bộ số tiền hơn 815 tỉ đồng mà Nguyễn Văn Minh cùng đồng phạm tham ô. Đối với thiệt hại hơn 761 tỉ đồng do áp giá thu tiền sử dụng đất không đúng, Công ty Âu Lạc (doanh nghiệp mua lại cổ phần của Tổng công ty SX-XNK Bình Dương tại Công ty Tân Phú) cũng đã khắc phục được hơn 252,5 tỉ đồng.

Về 145ha đất của Tổng công ty SX-XNK Bình Dương bị nhóm Nguyễn Văn Minh "hô biến" sang 2 công ty "sân sau" thì cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn khi hành vi phạm tội đang trong giai đoạn hoàn tất.

Đưa ra phán quyết đối với cựu Bí thư Bình Dương cùng 27 bị cáo liên quan, TAND TP Hà Nội xác định, hậu quả về mặt vật chất của vụ án đã được khắc phục hết. Trong đó, triệt để là hành vi tham ô tài sản, khi các bị cáo tự nguyện giao nộp toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt ngay trong giai đoạn điều tra.

Thấy gì về mục tiêu chống tham nhũng qua vụ án cựu Bí thư tỉnh Bình Dương? ảnh 2

Cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Đối với số tiền chênh lệch còn thiếu do áp giá thu tiền sử dụng đất sai, Tòa án tuyên buộc Tổng công ty SX-XNK Bình Dương phải nộp thêm hơn 560 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước và 145ha đất thì trả về cho Tỉnh ủy Bình Dương.

Với việc tài sản thất thoát đã được thu hồi gần như triệt để, thế nên khi quyết định hình phạt, TAND TP Hà Nội đã áp dụng chính sách khoan hồng "đặc biệt" (án phạt tù thấp hơn hẳn mức đề nghị của Viện kiểm sát trước đó - PV) với tuyệt đại đa số các bị cáo trong vụ án. Thậm chí, một số bị cáo phạm tội "Tham ô tài sản" nhưng vẫn được hưởng án treo.

Người thứ ba ngay tình được bảo đảm quyền lợi

Có thể nói, trong các vụ án kinh tế tham nhũng lớn, việc truy tố, xét xử và áp dụng hình phạt đối với các bị cáo hay việc thu hồi tài sản cho Nhà nước như thế nào, thu hồi được bao nhiêu luôn được đông đảo người dân đặc biệt quan tâm theo dõi.

Ở một góc độ khác, việc bảo đảm quyền lợi cho người thứ ba ngay tình, dư luận xã hội cũng luôn đòi hỏi phải có sự công bằng, công tâm và liêm chính. Trong vụ án cựu Bí thư Bình Dương và 27 bị cáo liên quan, vấn đề về người thứ ba ngay tình cũng đã được tòa án cấp sơ thẩm giải quyết một cách thấu đáo, thuyết phục.

Cụ thể, tại khu đất 43ha, nhóm Nguyễn Văn Minh đã làm trái chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương khi mang tài sản này đi góp vốn cùng Công ty Âu Lạc để thành lập liên doanh là Công ty Tân Phú nhằm thực hiện Dự án Khu dân cư - Thương Mại - Dịch Vụ Tân Phú.

Bị cáo Minh sau đó chỉ đạo Tổng công ty SX - XNK Bình Dương “bán rẻ” 43ha đất cùng toàn bộ cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Điều này đồng nghĩa với việc tài sản Nhà nước bị chuyển hóa sang tư nhân, gây thiệt hại hơn 984 tỷ đồng. Và Công ty Âu Lạc sau đó bán toán bộ cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh.

Thấy gì về mục tiêu chống tham nhũng qua vụ án cựu Bí thư tỉnh Bình Dương? ảnh 3

Bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng công ty SX-XNK Bình Dương) giữ vai trò chủ mưu và hành vi phạm tội xuyên suốt trong vụ án.

Cơ quan tố tụng xác định, bà Đặng Thị Kim Oanh (chủ sở hữu Công ty Kim Oanh) không biết và không liên quan đến hành vi chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43ha. Dù vậy, Công ty Kim Oanh vẫn bị "cuốn" vào vụ án với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền lợi cho Công ty Tân Phú và Công ty Kim Oanh cho rằng, pháp luật hình sự quy định người phạm tội phải trả lại tài sản chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Tuy nhiên trong vụ án này, các cơ quan tố tụng xác định Công ty Kim Oanh không có hành vi phạm tội.

Công ty Kim Oanh là người thứ ba ngay tình trong việc nhận chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty Âu Lạc để trở thành chủ sở hữu hợp pháp của Công ty Tân Phú, bao gồm cả quyền sử dụng 43ha đất. Bộ luật Dân sự quy định, quyền lợi ích của người thứ ba ngay tình phải được đảm bảo nên Công ty Kim Oanh có toàn quyền sử dụng và quyết định đầu tư trên diện tích đất 43ha.

Đại diện Công ty Kim Oanh đề nghị các cơ quan tố tụng cho phép doanh nghiệp được nộp khoản tiền sử dụng đất chênh lệch và được tiếp tục thực hiện dự án tại khu đất 43ha. Đề nghị này cũng phù hợp với mong muốn của đại diện Tỉnh ủy Bình Dương đưa ra tại phiên tòa.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc giao cho Công ty Kim Oanh và Công ty Tân Phú tiếp tục thực hiện dự án vừa giúp khắc phục được toàn bộ thiệt hại liên quan đến khu đất 43ha, lại vừa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp được nộp tiền chênh lệch để tiếp tục dự án thì 43ha đất liên quan đến vụ án cựu Bí thư Bình Dương cũng sẽ triệt tiêu được các vụ kiện tụng về dân sự, kinh doanh thương mại của các bên liên quan về sau.

Mong muốn của doanh nghiệp bị "cuốn" vào vụ án này là vậy. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa lại cho rằng, cần phải trả lại 43ha đất cho Tỉnh ủy Bình Dương. Và những vướng mắc giữa các bên liên quan đến việc chuyển nhượng 43ha đất sẽ áp dụng các quan hệ pháp luật khác để giải quyết.

Dù vậy sau nhiều ngày tranh luận, lắng nghe ý kiến và xem xét quan điểm của các bên, chiều 30-8 vừa qua, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết về số phận khu đất này.

Cụ thể, HĐXX khẳng định: "Căn cứ vào các quy định của pháp luật, đơn đề nghị của Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương, xét thấy cần tạm giao cho Công ty Tân Phú tiếp tục quản lý Khu đất 43ha".

Cùng với đó, HĐXX đề nghị UBND tỉnh Bình Dương nghiên cứu, xem xét xác định đầy đủ các nghĩa vụ tài chính mà Công ty Tân Phú phải nộp đối với khu đất 43ha, bảo đảm không gây thất thoát tài sản cho Nhà nước và cũng đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan. Và do 145ha đất được trả về cho Tỉnh ủy Bình Dương nên Tòa cấp sơ thẩm không buộc các bị cáo liên quan phải bồi thường trong hành vi sai phạm này.

Dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao

Trong những năm qua, tất cả các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi đều được đưa ra xét xử kịp thời, đúng pháp luật. Đấu tranh phòng chống tham nhũng phải bảo đảm trừng trị kịp thời, nghiêm minh đối với người phạm tội và “không có vùng cấm”. Nhưng mặt khác cũng phải bảo đảm mục tiêu quan trọng khác là thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Việc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm và hình phạt được áp dụng theo đúng nguyên tắc pháp luật. Đó là nghiêm khắc đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm…

Và thực tế cho thấy, các vụ án, bản án về tham nhũng kinh tế do TAND TP Hà Nội đưa ra thời gian qua đều được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.

(Nguyên Thẩm phán, Phó Chánh tòa Hình sự - TAND TP Hà Nội Trương Việt Toàn).

Xem thêm: dtna.195515tsop-gnoud-hnib-hnit-uht-ib-uuc-na-uv-auq-gnuhn-maht-gnohc-ueit-cum-ev-ig-yaht/nv.oduhthninna.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thấy gì về mục tiêu chống tham nhũng qua vụ án cựu Bí thư tỉnh Bình Dương? ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools