Người dân Châu Âu vốn đã phải mua khí đốt với mức giá cao sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa khi thị trường mở cửa vào ngày 5/9 sau khi Nga thông báo một trong những đường ống cung cấp chính của họ sang châu Âu sẽ đóng cửa vô thời hạn.
Việc Nga cắt giảm nguồn cung sang châu Âu trước và sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi tháng 2 đã đẩy giá khí đốt ở châu Âu lên gần 400% trong năm qua, khiến chi phí điện tăng vọt.
Đường ống Nord Stream 1 chạy dưới Biển Baltic tới Đức, trước đây cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang châu Âu, nhưng chỉ chạy với 20% công suất trước khi bị đóng cửa để bảo trì vào tuần trước.
Kỳ vọng gã khổng lồ năng lượng nhà nước Gazprom của Nga sẽ khởi động lại đường ống Nord Stream 1 ở mức 20% sau lần ngừng hoạt động đã khiến giá khí đốt chuẩn của Châu Âu tại trung tâm TTF của Hà Lan giảm khoảng 40% từ mức cao kỷ lục ngày 26/8 xuống chỉ còn hơn 200 Euro/ megawatt giờ vào ngày 2/9.
Tuy nhiên, sau khi Nga tuyên bố tiếp tục đóng cửa đường ống với lý do phát hiện ra lỗi trong quá trình bảo trì, giá khí đốt ở TTF có thể sẽ tăng trở lại, các nhà phân tích cho biết.
“Hôm 2/9, thị trường đã định giá với hi vọng đường ống Nord Stream 1 sẽ được mở cửa trở lại theo kế hoạch”, nhà phân tích khí đốt của Energy Aspects, Leon Izbicki cho biết. “Chúng tôi dự đoán TTF sẽ mở cửa mạnh hơn đáng kể vào ngày 5/9.”
Chi phí điện năng cao ngất ngưởng do giá khí đốt tăng khiến một số ngành công nghiệp, bao gồm cả sản xuất phân bón và nhôm, phải thu hẹp quy mô sản xuất. Các chính phủ EU cũng phải bơm hàng tỷ USD vào các chương trình trợ giúp các hộ gia đình.
Nathan Piper, nhà phân tích dầu khí tại Investec, cho biết: “Chúng tôi dự đoán giá khí đốt trên toàn Vương quốc Anh và châu Âu sẽ đạt mức kỷ lục do tác động của việc hạn chế nguồn cung từ Nga sau khi đường ống Nord Stream 1 đóng cửa vô thời hạn”.
Ông Piper cho rằng giá khí đốt “sẽ vẫn còn biến động và tôi dự đoán sẽ tăng mạnh vào ngày 5/9, hướng tới mức cao kỷ lục 700-800 bảng (800-900 USD)/therm (đơn vị nhiệt đo lượng khí đốt cung cấp)”.
“Tuy nhiên, một điểm mấu chốt và đáng lo ngại nữa là hiện giờ vẫn đang là giữa mùa hè. Do đó, giá khí đốt có thể tăng cao hơn khi nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông tăng lên. Mức giá tăng mạnh vào tuần tới có tác động lớn đến giới giá trần năng lượng (của Anh), và chi phí sản xuất của những doanh nghiệp/ngành công nghiệp chưa được áp giá trần”, ông cho biết.
Tác động của việc Nga cắt giảm nguồn cung mới đây sẽ phụ thuộc vào khả năng châu Âu thu hút khí đốt từ các nguồn khác, Jacob Mandel, cộng sự cấp cao về hàng hóa tại Viện Nghiên cứu Aurora Energy Research, cho biết.
“Nguồn cung vốn đã rất khan hiếm rồi, giờ lại còn phải thay thế lượng khí đốt nhập từ Nga, khiến tình hình càng thêm khó khăn hơn”, ông nhận định.
Nguyễn Tuyết (Theo Malay Mail, The Guardian)