GS.TS Phan Thành Nam trò chuyện với các học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh tại lễ khai giảng năm học mới sáng nay 5-9 - Ảnh: DUY THANH
Sáng 5-9, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên) tổ chức khai giảng năm học mới 2022-2023. Đây là ngôi trường mà GS.TS Phan Thành Nam (37 tuổi, quê TP Tuy Hòa, Phú Yên, hiện là giáo sư của Đại học Ludwig Maximilian Munchen - Đức) từng học lớp chuyên toán 3 năm THPT (2000-2003).
Được mời phát biểu, GS Phan Thành Nam nói đây là lần đầu tiên trong 4 năm qua ông mới trở lại Việt Nam, về quê nhà Phú Yên và cảm thấy rất vui mừng vì sự phát triển của quê hương.
"Tôi nói chuyện với nhiều bạn từ Hà Nội đến TP.HCM, ai cũng biết Phú Yên là tỉnh rất đẹp, xứ 'hoa vàng trên cỏ xanh'. Nhưng tôi nghĩ rằng để phát triển lâu dài, phong cảnh đẹp chỉ có thể cuốn hút du khách những ngày đầu tiên, còn để mọi người cảm thấy quyến luyến và gắn bó làm việc với mình lâu dài thì yếu tố con người rất quan trọng.
Do đó chúng ta cần có sự đóng góp của nhiều nhân tài và không thể thiếu được những bạn học sinh đang ngồi dưới mái trường hôm nay" - GS Nam nói.
GS Phan Thành Nam (giữa) giao lưu với các thầy giáo từng dạy ông ở Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh - Ảnh: DUY THANH
Theo ông, để làm được điều đó, các học sinh phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều trong học tập và "học thế nào?" là câu hỏi lớn mà các thầy cô sẽ hướng dẫn cho các em chi tiết trong năm học mới.
Khi trò chuyện với học sinh, GS Nam "xin trao đổi vài suy nghĩ cá nhân xung quanh ba đức tính mà tôi nghĩ rất quan trọng, gói gọn trong những lời Bác Hồ dạy là khiêm tốn, thật thà, dũng cảm".
GS Nam nói khiêm tốn trong học tập có nghĩa là phải sẵn sàng xem xét lại kiến thức của mình và học tập những cái mới.
"Một người cho rằng mình biết tất cả thật ra là một người rất bất hạnh, họ không có khả năng học cái mới vì bể kiến thức là vô hạn, còn kiến thức của mỗi người là hữu hạn. Theo tôi nghĩ, một người hiểu biết nhiều thì càng thấy được sự thiếu sót trong kiến thức của mình, thậm chí là sự thiếu sót trong kiến thức của nhân loại.
Do đó tôi tin rằng không có một chân lý nào là vĩnh cửu, theo nghĩa là mình học một ngày, học một lần là đủ dùng trong cả đời, mà chuyện học phải là liên tục, mỗi người nên là một hành giả miệt mài tìm tòi trong quá trình tìm kiếm tri thức của mình" - GS Nam nói.
"Thứ hai là thật thà. Mình phải học bản chất, không quỵ lụy vào chuyện 'mài mực' và thi cử. Mình học càng nhiều thì càng thấy sự kết nối giữa các lĩnh vực khác nhau, do đó khi học càng nhiều thì càng thấy sự vui vẻ và nhớ càng ít. Trong học tập, mình phải trung thực với chính mình và mọi người.
Còn dũng cảm trong học tập là sẵn sàng đương đầu với thử thách, với cái mới. Nếu các bạn dũng cảm trong học tập, ngày nào đó bạn sẽ thành người dũng cảm trong cuộc đời.
Trong cuộc đời thì đỉnh cao của chữ dũng không phải là mình có thể thắng người mạnh, mà đỉnh cao là mình có thể nâng đỡ những người yếu. Sinh thời Bác Hồ rất tâm đắc hai câu thơ của Lỗ Tấn (nhà văn Trung Quốc - PV), đó là "Quắc mắc xem khinh ngàn lực sĩ/ Đem thân làm ngựa kẻ nhi đồng".
Đó là ba đức tính tôi nghĩ là rất quan trọng, giúp các em thành công không chỉ là trong học tập mà trong nghiên cứu khoa học, không chỉ trong trường học mà cả trường đời" - GS Nam nhắn nhủ.
GS Phan Thành Nam trao huy chương cho các học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh vừa đoạt giải thưởng Olympic các tỉnh phía Nam - Ảnh: DUY THANH
Sau lễ khai giảng, GS Phan Thành Nam còn dành gần một giờ đồng hồ để giao lưu, trả lời các câu hỏi của học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.
Ông cho biết trong thời gian còn lại ở Việt Nam, ông sẽ có các buổi nói chuyện với học sinh chuyên toán của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, giáo viên dạy toán các trường học ở Phú Yên và sẽ đi xuyên Việt, gặp và nói chuyện với các học sinh yêu toán trong cả nước.
Xem thêm: mth.96530112150902202-iod-couc-av-pat-coh-gnort-gnud-uhc-ev-ion-man-hnaht-nahp-sg/nv.ertiout