Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là "trụ đỡ" bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng còn khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, do nhiều nguyên nhân nội vùng và ngoại vùng.
Với cách tiếp cận toàn diện nhằm định hướng rõ hơn về phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, các tham luận tại buổi đối thoại tập trung thảo luận về phát triển và quy hoạch hạ tầng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, đưa ra những giải pháp về phát triển nông nghiệp bền vững; sử dụng hiệu quả tài nguyên nước; phát triển chuỗi logictis…
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách và giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 – 2025…
Cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan trong hợp tác triển khai nhiều dự án thiết thực thời gian qua trong các lĩnh vực gồm: chăn nuôi, trồng trọt, thiên tai, thủy lợi, an toàn thực phẩm và gần đây nhất là chuyển đổi nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn: “Định hướng rõ hơn về phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó kết nối doanh nghiệp giữa 2 nước để cùng khai thác các thế mạnh của vùng, hướng đến xây dựng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, đa giá trị và xứng đáng là trung tâm nông nghiệp quan trọng hàng đầu của không những Việt Nam mà còn khu vực và thế giới. Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Hà Lan, hy vọng giai đoạn tới, hợp tác hai nước sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt là vai trò quan trọng của Đại sứ quán Hà Lan trong việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước”.
Về phía các đối tác phát triển, ông Kees Van Baar, Đại sứ được bổ nhiệm Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức khoa học và khu vực tư nhân các tổ chức phi chính phủ sẽ hợp tác phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long trong đó tập trung đổi mới cách tiếp cận với sự chung tay của khu vực tư nhân dựa trên các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững với việc giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu; bảo vệ hệ sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.
“Cần có gói tiếp cận tích hợp mang tính hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng và bền vững thông qua việc phát triển những trung tâm kinh doanh nông nghiệp cũng như chế biến nông sản làm sao để gia tăng giá trị cũng như cải thiện hệ thống giao thông và logictis. Nếu thực hiện theo cách thức này có thể “mở khóa” (phát huy lợi thế, tận dụng tiềm năng tối đa) của Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và phần còn lại của thế giới. Cùng với kinh tế cũng cần phải bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo công tác quản lý tài nguyên nước, bảo tồn các hệ sinh thái nước ngọt và vùng duyên hải, sống “thuận thiên” thay vì chống lại biến đổi khí hậu”, ông Kees Van Baar nêu rõ./.
Xem thêm: vov.660869tsop-gnol-uuc-gnos-gnab-gnod-gnuv-gnuv-neb-iod-neyuhc-cul-poh/et-hnik/nv.vov