Cảnh sát chống khủng bố Albania ngày 8-9 đã khám xét đại sứ quán Iran ở thủ đô Tirana, vài giờ sau khi các nhà ngoại giao Iran đốt tài liệu trước khi rời đi theo yêu cầu của Thủ tướng nước này.
Cảnh sát chống khủng bố Albania tiến vào trụ sở đại sứ quán Iran ở Tirana ngày 8-9. Ảnh: REUTERS |
Albania ngày 7-9 đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran với cáo buộc nước Cộng hòa Hồi giáo đứng sau vụ tấn công mạng hồi giữa tháng 7 nhằm vào quốc gia vùng Balkan. Thủ tướng Edi Rama cho các nhà ngoại giao Iran 24 giờ để đóng cửa đại sứ quán và rời khỏi Albania.
Một phóng viên của hãng tin Reuters nhìn thấy cảnh sát đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm và mang theo súng trường tự động tiến vào tòa nhà - nằm cách văn phòng của ông Rama chỉ 200 mét, sau khi hai chiếc ô tô mang biển số ngoại giao rời đi.
Ba mươi phút sau, cảnh sát vẫn có mặt bên trong.
Cũng phóng viên trên nhìn thấy một người đàn ông trong đại sứ quán ném các tập tài liệu vào một chiếc thùng rỉ sét để đốt, ngọn lửa rọi sáng các bức tường của tòa nhà ba tầng. Vào sáng 8-9, khung cảnh bên ngoài đại sứ quán Iran vẫn bình lặng.
Trong một bài phát biểu bằng video hôm 7-9, ông Rama cho biết cuộc tấn công mạng hồi tháng 7 đã “đe dọa làm tê liệt các dịch vụ công cộng, xóa bỏ các hệ thống kỹ thuật số và xâm nhập hồ sơ nhà nước, đánh cắp thông tin liên lạc điện tử mạng nội bộ của chính phủ, gây hỗn loạn và mất an ninh trong nước”.
Thủ tướng Albania cho biết vụ tấn công mạng ngày 15-7 “không đạt được mục đích”. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, các cơ quan thực thi pháp luật của Albania đã xác định Iran “tổ chức và bảo trợ” vụ tấn công, theo đài RT.
Ông nói thêm rằng vụ tấn công là nỗ lực phối hợp của bốn nhóm, với một trong các nhóm này đã thực hiện các vụ tấn công tương tự nhằm vào Israel, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Jordan, Kuwait và Síp.
Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Albania, cũng quy trách nhiệm cho Iran về vụ tấn công mạng và hứa sẽ “hành động thêm để buộc Iran phải chịu trách nhiệm về các hành động đe dọa an ninh của đồng minh Mỹ”.
Tehran lên án quyết định cắt đứt quan hệ của Tirana, mô tả lý do của động thái này là “tuyên bố vô căn cứ”.
Quan hệ song phương trở nên căng thẳng kể từ năm 2014, khi Albania tiếp nhận khoảng 3.000 thành viên Tổ chức Mujahideen Nhân dân Iran (PMOI), một nhóm đối lập với chính quyền Tehran, theo đề nghị từ Liên Hợp Quốc và Mỹ. PMOI hiện hoạt động gần Durres, thành phố cảng chính của Albania.