Ngày 8-9, tin từ UBND tỉnh Kiên Giang cho hay vừa có công văn yêu cầu các Sở ngành và UBND các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh trước tình hình vấn đề này trong chiều hướng diễn biến phức tạp.
Theo nhận định, thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, trọng điểm tại TP Phú Quốc và các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng của tỉnh đã kịp thời ngăn chặn, đấu tranh và xử lý nghiêm nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Tháng 5-2022, Công an tỉnh An Giang đã mật phục và bắt quả tang 12 phương tiện thủy đang vận chuyển trái phép khoảng 730m3 đất từ Kiên Giang về giao cho các lò gạch. Ảnh: CAAG |
Cụ thể, Công an tỉnh Kiên Giang đã xác lập và triệt phá một chuyên án, bắt 20 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Bình Giang (huyện Hòn Đất). Cạnh đó, xử lý vi phạm hành chính 43 vụ, với số tiền gần 344 triệu đồng, tịch thu một máy bơm, ba xe cuốc đất, một xe ô tô tải và hàng trăm m³ đất, cát…
Trên địa bàn TP Phú Quốc, lực lượng chức năng bắt quả tang hai vụ khai thác trái phép đất, cát, đá trong diện tích đất hộ gia đình cá nhân tại xã Dương Tơ và phường An Thới. Lực lượng thi hành nhiệm vụ đã chuyển giao vụ việc cho Công an TP Phú Quốc tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh cũng đang phối hợp với các địa phương thụ lý những trường hợp vi phạm, kiểm tra, đo vẽ hiện trường, lấy mẫu thực hiện giám định, kết luận giám định khoáng sản bị khai thác trái phép, góp phần củng cố hồ sơ, chứng cứ để xử lý hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo Công an tỉnh Kiên Giang, “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trái phép thời gian qua và hiện nay là địa bàn xã Bình Giang (huyện Hòn Đất). Nguyên nhân là do nhu cầu san lấp mặt bằng và sử dụng nguồn nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi đó, nguồn cung khan hiếm.
Cạnh đó, sự quản lý của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ nên các đối tượng xấu đã lợi dụng thực hiện việc hạ mặt bằng, đào ao nuôi trồng thủy sản, nạo vét kênh mương, cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi, đê điều… lén lút khai thác trái phép với số lượng đất, cát lớn để bán cho các đối tượng trong và ngoài tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp… thu lợi bất chính.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, gồm Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và Chủ tịch UBND các địa phương, đặc biệt là đối với các TP Phú Quốc và các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành rà soát, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng giao Chủ tịch UBND các địa phương trong tỉnh có biện pháp quản lý, ngăn chặn, bảo vệ các điểm, khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý. Trong đó, đối với các khu vực “điểm nóng” khai thác khoáng sản trái phép, phải thành lập các chốt trạm trực 24/24 giờ.
Bắt 12 phương tiện thủy chở đất trái phép từ Kiên Giang về An Giang
(PLO)- Bước đầu các thuyền trưởng khai hơn 700m3 đất được khai thác từ tỉnh Kiên Giang chở đi giao cho các lò gạch ở An Giang.