Cổng vào ĐH Quốc gia Seoul, một trong những đại học hàng đầu của Hàn Quốc - Ảnh từ website nhà trường
Theo báo cáo về kế hoạch phát triển trung và dài hạn của ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) công bố mới đây, nhà trường sẽ xúc tiến thành lập các cơ sở liên kết ở nước ngoài.
Cụ thể, kế hoạch được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 kéo dài 5 năm và giai đoạn 2 kéo dài trong vòng 10 năm tiếp theo. Việc kết hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM để thành lập cơ sở liên kết đầu tiên ở nước ngoài dự kiến sẽ được xúc tiến trong giai đoạn 1.
Mở ra nhiều cơ hội
Theo kế hoạch, tại cơ sở liên kết ở TP.HCM, các sinh viên sẽ được đào tạo hoàn toàn theo chương trình của ĐH Quốc gia Seoul như tại Hàn Quốc. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp cử nhân, người học có cơ hội học tiếp sau đại học tại cơ sở chính ở Hàn Quốc.
Lâu nay, ĐH Quốc gia Seoul đã tổ chức đào tạo các ngành bậc cao học cho sinh viên quốc tế nhưng vẫn chưa thu hút được học viên do các rào cản về ngôn ngữ. Vì thế, nếu dự án thành lập cơ sở liên kết tại Việt Nam thành công, nhà trường kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều học viên cho bậc đại học cũng như sau đại học.
Ông Cho Young Tae, giáo sư ngành sức khỏe cộng đồng hệ sau đại học, đồng thời cũng từng là cố vấn cho Chính phủ Việt Nam về chính sách dân số, chia sẻ với nhật báo kinh tế Maeil của Hàn Quốc rằng: "Hệ thống giáo dục đại học tại Hàn Quốc hoàn toàn phù hợp với các sinh viên Việt Nam".
Cũng theo giáo sư Cho, chính phủ và các trường đại học Hàn Quốc nên đầu tư và mở rộng hợp tác tích cực hơn để nâng cao chất lượng giáo dục bậc đại học ở Việt Nam cũng như mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho Hàn Quốc.
Ở giai đoạn tiếp theo, nhà trường sẽ cho thành lập thêm các cơ sở liên kết mới tại các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, Trung Á và các quốc gia đang phát triển khác. Ethiopia và Mông Cổ là hai quốc gia được đề xuất liên kết sau Việt Nam.
Về lý do của dự án thành lập các cơ sở liên kết ở nước ngoài, đại diện ĐH Seoul cho biết theo một nghiên cứu của Cục Thống kê Hàn Quốc, với xu hướng dân số ngày càng giảm, trong tương lai các trường đại học Hàn Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, nhất là hệ đào tạo sau đại học.
Từ đó sẽ dẫn đến thiếu hụt các chuyên gia nghiên cứu chuyên môn cao tại các trường đại học cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chưa có quyết định chính thức
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc này, TS Bùi Thị Hồng Hạnh, trưởng ban đối ngoại và phát triển dự án, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết trước đây ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Seoul đã gặp gỡ, trao đổi thông tin về việc hợp tác giữa hai bên.
Khi đó, phía ĐH Quốc gia Seoul đã đặt vấn đề kết hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM để thành lập cơ sở liên kết đầu tiên của đại học này ở nước ngoài, tại TP.HCM.
ĐH Quốc gia Seoul là một trong số đại học danh giá bậc nhất tại Hàn Quốc. Đến nay trường này chưa thành lập bất kỳ cơ sở đào tạo nào ở nước ngoài, do đó việc thành lập cơ sở tại nước ngoài đối với trường này là việc vô cùng quan trọng.
"Có thể các lãnh đạo của ĐH Quốc gia Seoul đã trao đổi, bàn bạc rất kỹ về chủ trương này nên đi đến thống nhất thực hiện. Đến nay họ thấy đã là thời điểm chín muồi để vươn ra bên ngoài nên đã chính thức công bố thông tin này với truyền thông nước nhà và sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc cụ thể với ĐH Quốc gia TP.HCM để sớm xúc tiến việc này" - bà Hạnh nhận định.
Tuy nhiên theo bà Hạnh, việc hợp tác với ĐH Quốc gia TP.HCM để thành lập cơ sở của ĐH Quốc gia Seoul tại TP.HCM là chủ trương của phía bạn. Hai bên sẽ trao đổi, thảo luận về việc này. Ở thời điểm hiện tại, ĐH Quốc gia TP.HCM chưa có quyết định liên quan đến hoạt động hợp tác này.
ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Seoul đã và đang triển khai một số hoạt động hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật.
Nổi bật có thể kể đến như hợp tác triển khai dự án "Tăng cường giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp tại ĐH Quốc gia TP.HCM" là dự án do KOICA tài trợ với thời gian thực hiện trong bảy năm từ năm 2022 và tổng kinh phí gần 10 triệu USD.
TTO - Đó là chia sẻ của nguyên thủ tướng Hàn Quốc Un Chan Chung trong buổi nói chuyện với giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và các doanh nhân trẻ Việt Nam.
Xem thêm: mth.53585540001902202-couq-nah-uad-gnah-coh-iad-coh-man-teiv-o/nv.ertiout