Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 5%, tương đương tăng thêm khoảng 20 USD mỗi tấn lên mức 410 USD/tấn và dự kiến sẽ tăng trong tuần này. Nguyên nhân chính được cho là đến từ việc Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, vừa quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo xuất khẩu khác.
Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu hơn 21 triệu tấn gạo, đứng đầu thế giới. Gạo xuất khẩu của Ấn Độ bằng tổng lượng của 4 nước xuất khẩu gạo lớn tiếp sau là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.
Các nguồn tin cho hay, hiện ngay lúc này, khoảng 1 triệu tấn gạo đang mắc kẹt tại các cảng của Ấn Độ khi các nhà buôn không chấp nhận việc Ấn Độ bất thình lình đánh thuế xuất khẩu 20% với các loại gạo ngoài Basmati. Các tính toán cho thấy, gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong năm nay nhiều khả năng sẽ sụt giảm ít nhất 1/4 vì bước đi này.
Gạo Ấn Độ chiếm tới 40% tổng sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Do đó, giới chuyên gia lo ngại nó sẽ đẩy giá lương thực vào đợt lạm phát mới.
Trong khi Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ Krishna Rao cho rằng, việc thiết lập lệnh cấm và thuế suất như vậy sẽ khiến thị phần gạo của Ấn Độ bị rơi vào tay các nhà xuất khẩu gạo lớn khác hiện nay như Thái Lan và Việt Nam.
Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Cạnh tranh về xuất khẩu, Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo. 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Rõ ràng chúng ta không chạy về số lượng xuất khẩu, mà tập trung vào nâng cao giá trị, bán vào những thị trường cao cấp, khó tính, như Mỹ, châu Âu, Nhật bản, UAE, vì giá gạo bán trung bình ở các thị trường phổ thông là 410 - 420 USD/tấn, trong khi những sản phẩm chất lượng cao giá bán đã gần gấp đôi.
Giá gạo khuyến mại Cơm Việt Nam Rice ở thị trường Pháp là 2,58 Euro/kg, cao hơn gạo Thái Lan và Ấn Độ. Gạo Việt đã không còn ở thứ bậc của gạo giá rẻ. Đến nay, 260 container gạo của Việt Nam xuất sang Pháp đợt đầu đã được đặt mua hết, 500 container sẽ tiếp tục đến Pháp trong đơn hàng sau.
Gạo Việt Nam tăng giá ngay 5%, nhưng làm sao để tận dụng cơ hội tăng giá bán, tăng thị phần trong dài hạn, khi thương hiệu gạo Việt còn hạn chế, chuỗi liên kết còn thấp? Phía cơ quan quản lý có những giải pháp nào để thúc đẩy việc liên kết sản xuất lúa gạo?
Chương trình Vấn đề hôm nay (13/9) với sự tham gia của ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ giải đáp những thắc mắc. Mời quý vị theo dõi qua video trên!
VTV.vn - Xuất khẩu gạo Việt Nam 7 tháng chạm mốc 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Kỷ lục này lần đầu tiên được ghi nhận tiếp tục khẳng định vị thế, giá trị hạt gạo Việt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.92515950041902202-teiv-oag-ohc-ioh-oc-uahk-taux-ehc-nah-od-na/et-hnik/nv.vtv