Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Statista, tổng giá trị giao dịch trong mảng thanh toán kỹ thuật số dự kiến đạt 20,54 tỷ USD trong năm 2022. Tổng giá trị giao dịch dự kiến có tốc độ tăng trưởng hằng năm (tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm 2022-2027) là 14,81%, dẫn đến tổng số tiền dự kiến là 40,98 tỷ USD vào năm 2027.
"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo số lượng giao dịch qua điện thoại di động trong 9 tháng đầu năm 2017 là 90 triệu, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2016. Con số đó dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh trong năm 2019 và sẽ tăng hơn thế nữa", hãng JP Morgan đánh giá thị trường thanh toán số Việt Nam trong một bài viết hồi trước dịch.
Số liệu mới nhất trên website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến quý 2 năm nay, Việt Nam có 246.490 tỷ đồng thực hiện qua máy POS. Tổng số lượng thẻ nội địa đang lưu hành là 110,91 triệu thẻ, tổng số lượng thẻ quốc tế đang lưu hành 27,41 triệu thẻ.
Tính đến hết tháng 4/2022, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 32,37% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2021. Thanh toán qua điện thoại di động tăng 97,65% về số lượng giao dịch và 86,68% về giá trị; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021.
Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%; khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua eKYC.
"Khối lượng giao dịch không dùng tiền mặt sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2030", đây là nhận định của hãng kiểm toán hàng đầu thế giới PwC về thanh toán số tại Việt Nam.
PwC đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang lên của Đông Nam Á. Nước ta nắm giữ tiềm năng lớn để thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng dự kiến hằng năm của thanh toán số Việt Nam là 15,7% vào năm 2025. Chỉ 30% dân số Việt Nam trên 18 tuổi sử dụng dịch vụ ngân hàng, đây là dư địa rất lớn cho phát triển thanh toán số.
Theo một cuộc khảo sát thực hiện bởi tổ chức thẻ Visa thì đã có gần một phần ba người tiêu dùng Việt Nam đã sử dụng ngân hàng kỹ thuật số cho mua hàng và chuyển khoản. Các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán , đặc biệt là các công ty fintech, đã tận dụng điều này để mở rộng danh mục đầu tư kỹ thuật số.
JP Morgan xác định: "Thẻ là phương thức thanh toán chủ đạo trong thương mại điện tử Việt Nam, được sử dụng cho 34% giao dịch". Thanh toán dựa trên ghi nợ có khả năng cao hơn so với thanh toán bằng thẻ tín dụng. Theo đó, hãng này cho rằng tỷ lệ sở hữu thẻ ghi nợ là 1,29 trên đầu người so với 0,08 trên đầu người đối với thẻ tín dụng.
Cũng trong báo cáo khảo sát của Visa, 85% người được hỏi có ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, trong khi 71% sử dụng các ứng dụng này ít nhất một lần một tuần. Với hơn 40 nhà cung cấp, thị trường ví điện tử Việt Nam trong vài năm qua trở nên khá đông đúc.
Sự xuất hiện của phương thức “Mua ngay, Thanh toán sau” (BNPL) đã tạo cơ hội cho ngành thanh toán số thêm vững chắc, góp phần vào quỹ đạo tăng trưởng đi lên. BNPL được định giá khoảng 491,3 triệu USD vào năm 2021, dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2021-2028.
BNPL là một loại hình tương đối mới nhưng đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Không giống như các thẻ truyền thống, khả năng dễ dàng thiết lập khoản BNPL và hưởng các khoản trả góp không tính lãi suất sẽ tiếp tục thúc đẩy sự thay đổi từ việc sử dụng thẻ sang các chương trình BNPL.
Xem thêm: mth.80192616141902202-dsu-yt-502-tad-eht-oc-man-teiv-os-naot-hnaht-yan-man/nv.ahos