Thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh, Phụ trách Đơn vị rối loạn giấc ngủ - khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trả lời:
Khi ngủ hay thức về mặt sinh lý thông thường, chúng ta sẽ thở bằng mũi. Không khí đi qua mũi sẽ được các hệ thống làm ấm lên, được lọc bằng lông mũi, giúp bảo vệ hệ hô hấp.
Vì lý do nào đó, khi chúng ta nghẹt mũi, viêm mũi, hệ thần kinh sẽ tự động điều phối thở bằng đường thứ 2 là bằng miệng. Không khí qua miệng sẽ gây khô họng, trào ngược dạ dày, hôi miệng, tiêu hóa không tốt... Tuy nhiên đây là lựa chọn thứ 2 của cơ thể giúp đảm bảo việc hô hấp khi mũi gặp vấn đề. Lúc ngủ chúng ta sẽ không kiểm soát được việc thở bằng miệng hay mũi. Khi nghẹt mũi, hệ thần kinh sẽ tự điều phối.
Một trong những nguyên nhân gây ngáy là do thở miệng, khi thở miệng sẽ gây ra khô họng, viêm amidan, nghẹt đường họng tạo thành vòng lẩn quẩn.
Hiện có nhiều bạn trẻ nhận thức được việc thở miệng không tốt và muốn giảm ngáy nên tìm cách bịt miệng bằng nhiều cách khác nhau như dán băng keo, sử dụng dụng cụ hỗ trợ... Tuy nhiên, điều này vô tình cưỡng lại sinh lý cơ thể, vì khi mũi có vấn đề thì chúng ta mới thở miệng nhưng khi bịt miệng sẽ khiến thiếu hụt oxy, gây tắc nghẽn đường hô hấp, suy hô hấp, nặng hơn có thể gây ra đột quỵ với người lớn tuổi.