Vụ lúa Hè Thu năm nay, nông dân tỉnh Đồng Tháp thu hoạch ước bình quân năng suất đạt hơn 6,2 tấn/hecta. Giá bán tại ruộng dao động từ 5.300 đồng/kg đến hơn 6.000 đồng/kg tùy từng giống lúa. Gần đây, giá lúa gạo có tăng nhẹ.
Tại huyện Tân Hồng, ông Hồ Văn Lý, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, vụ lúa Hè Thu trên địa bàn đã thu hoạch với diện tích hơn 20.000 hecta, năng suất bình quân hơn 6,1 tấn/hecta, sản lượng ước đạt trên 123.300 tấn, số diện tích còn lại hơn 1.200 hecta đang trong giai đoạn trổ chín và chuẩn bị thu hoạch. Theo ông Hồ Văn Lý, tình hình tiêu thụ và giá lúa tương đối ổn định so với tuần trước. Đối với lúa OM18 đang được thu mua với giá 5.800 đồng/kg, lúa nếp được thu mua từ 6.600-6.700 đồng/kg.
"Hiện nay đang thu hoạch, năng suất hiện tại từ 5,5 tấn đến 6,5 tấn/hecta. Giá lúa như hiện nay bà con sản xuất mang lại hiệu quả cũng không có lời hoặc có lời rất ít so với vụ thu đông năm nay. Có 2 nguyên nhân chính là giá cả vật tư đầu vào cao, thứ hai năng suất vụ thu động năm nay cũng thấp nên dẫn đến hiệu quả vụ thu đông không được cao", ông Hồ Văn Lý nói.
Từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc gạo như: thóc (HS 100610), gạo lứt và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo Basmati thì đầu ra của hạt gạo Việt Nam có chiều hướng tốt. Sau một thời gian dài sụt giá do dịch bệnh Covid-19, hiện giá gạo xuất khẩu của nước ta tăng lên so với tháng trước.
Theo ông Võ Quốc Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Phước Đạt – một trong những doanh nghiệp chuyên kinh doanh lúa gạo tại xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo quá có lợi cho Việt Nam, ngôi vị hạt gạo sẽ tăng lên.
“Do Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nên giá gạo hiện nay tăng từ 7-8 USD/ tấn so với tháng trước, giá còn có khả năng lên nữa. Giá gạo trong nước cũng tăng theo mà mùa vụ đã hết với vụ 3 năm nay nông dân không làm. Một số ruộng hiện nay ở An Giang không làm do đón lũ về, lấy phù sa. Nông dân bây giờ không có lúa gạo bán nữa. Ấn Độ cấm xuất khẩu quá có lợi cho Việt Nam, đợt này rất thuận lợi mà không biết các doanh nghiệp còn gạo không vì nhiều khi có nhiều doanh nghiệp bán gạo trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, người ta mua không kịp”, ông Võ Quốc Hưng cho biết.
Mấy ngày nay, không chỉ gạo xuất khẩu mà giá gạo nội địa cũng từng bước tăng lên từ 100-200 đồng/kg.
“Gạo mới nhích lên từ 100-200 đồng/kg, không đáng kể. Ví dụ, gạo nở, gạo dẻo tăng ít, thị trường bán trong tỉnh, ngoài tỉnh thì giao cho các đại lý. Mình mua gạo tại huyện Cái Bè, mua vô cũng dễ, không có gì khó”, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, chủ cơ sở kinh doanh gạo tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ.
Vụ lúa Hè Thu năm nay, vùng ĐBSCL xuống giống gieo sạ gần 1,5 triệu hecta lúa, giảm 16.000 hecta so với cùng vụ năm ngoái, cho năng suất bình quân đạt khoảng 57 tạ/hecta, sản lượng ước đạt 8,5 triệu tấn. Ở thời điểm này, vụ lúa đã cơ bản thu hoạch xong. Riêng vụ lúa Thu đông nông dân ĐBSCL chỉ gieo trồng khoảng 700.000 hecta; ở một số tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp và Long An do lũ về nên diện tích lúa Thu đông gieo sạ giảm mạnh.
Do đó, lượng lúa tồn đọng trong nông dân không nhiều, chủ yếu ở các doanh nghiệp, nhà máy xay xát dự trữ theo kế hoạch. Nguồn cung giảm, trong khi đó nhu cầu thị trường gạo của thế giới có hướng tốt, nhất là khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, siết chặt hoạt động kinh doanh lúa gạo sẽ nâng cao ngôi vị hạt gạo của Việt Nam, là cơ hội để hạt gạo nước ta chiếm lĩnh thị trường thế giới./.
Xem thêm: vov.129559tsop-iohk-nahp-nad-gnon-av-peihgn-hnaod-aig-coud-lcsbd-o-oag-aul/et-hnik/nv.vov