Mới đây, Bệnh viện (BV) K Cơ sở Tân Triều (Hà Nội) tiếp nhận nam bệnh nhân 40 tuổi mắc căn bệnh ung thư lưỡi. Khai thác bệnh sử cho thấy khoảng 4-5 năm trước, bệnh nhân bị viêm và tổn thương ở bờ lưỡi, đã đi khám và uống thuốc chống viêm, giảm đau nhưng tình trạng viêm vẫn tái đi tái lại.
BS Hà Hải Nam (bìa trái) trong một ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: BS |
Chủ quan, nghĩ bệnh thông thường
Gần đây, bệnh nhân đau nhiều, không ăn uống được, uống thuốc chống viêm giảm đau nhưng không thuyên giảm. Đến khi thấy xuất hiện chảy máu nhiều ở lưỡi, đến BV K khám thì được các bác sĩ (BS) chẩn đoán mắc ung thư lưỡi có di căn hạch.
Tương tự, BV Ung bướu Hà Nội cũng mới tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân 39 tuổi (ngụ quận Ba Đình, Hà Nội) mắc ung thư lưỡi giai đoạn 4. Bệnh nhân vào BV thăm khám trong tình trạng sùi loét ở lưỡi nghiêm trọng kèm cảm giác đau nhức.
Bệnh nhân cho biết trước đó khoảng hai tháng thấy có vết gồ nhỏ ở lưỡi, nghĩ bị nhiệt miệng nên chỉ súc miệng bằng nước muối. Sau đó bệnh nhân đi khám một vài nơi, được chẩn đoán loét áp-tơ lưỡi, về nhà uống kháng sinh. Sau khi uống thuốc, tình trạng loét có đỡ, cảm giác đau bớt dần nhưng 2-3 tuần sau vết loét tái phát. Cho rằng tổn thương sẽ tự khỏi, bệnh nhân chủ quan, không tái khám. Một tháng sau, vết loét lan rộng (kích thước 0,8 cm), đau nhức nên bệnh nhân tới BV Ung bướu khám.
Tại đây, các BS chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư lưỡi giai đoạn 4, đã có xâm lấn ở cơ lưỡi cùng khu vực xung quanh. Kết quả sinh thiết cũng xác định bệnh nhân bị ung thư biểu mô vảy sừng hóa xâm nhập. Hiện bệnh nhân đang được điều trị bằng phương pháp xạ trị hóa chất tại BV.
Ung thư lưỡi chủ yếu gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, trên thế giới hằng năm có khoảng 263.900 ca mới mắc và khoảng 128.000 người tử vong.
Đa số phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn
Theo ThS-BS Hà Hải Nam, Phó Trưởng Khoa ngoại bụng I BV K, nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ung thư lưỡi cao hơn những người khác bao gồm những người có răng bị mòn, mẻ, mọc lệch khiến răng cọ vào bờ lưỡi làm tổn thương, viêm bờ lưỡi kéo dài. Tình trạng viêm mạn tính nếu không được kiểm soát có thể dẫn tới sinh ra các tế bào lạ và chuyển thành ung thư.
Ngoài ra, người có răng sâu, có tổn thương vùng răng lợi mạn tính; người lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá cũng nằm trong nhóm có nguy cơ mắc ung thư lưỡi. Cạnh đó, ung thư lưỡi còn có thể gặp ở các trường hợp nhiễm virus HPV (type 11, 16).
“Dù là căn bệnh ác tính nhưng ung thư lưỡi có thể phát hiện từ rất sớm do lưỡi là cơ quan bên ngoài, dễ dàng quan sát và cảm nhận được. Tuy vậy, các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua, chưa kể đây là căn bệnh ít được nhắc đến nên nhiều người không nghĩ tới ung thư khi có tổn thương ở lưỡi. Chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng, tổn thương lan xuống vùng sàn miệng, khi đó đi khám mới phát hiện ung thư” - BS Nam cho biết.
Cũng theo BS Nam, đa số bệnh nhân ung thư lưỡi đi khám và phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng, phải phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi). Ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, giai đoạn muộn hơn cần kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Trong một số trường hợp ở giai đoạn muộn, khi có chảy máu nhiều tại u phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu.
“Để phòng ngừa ung thư lưỡi, những trường hợp bị tổn thương vùng răng miệng, lưỡi như vết loét kéo dài nên đi khám để được phát hiện, can thiệp sớm. Trường hợp có tổn thương viêm bờ lưỡi mạn tính thì sáu tháng cần đi khám một lần. Ung thư lưỡi nếu phát hiện sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, nếu để muộn, bệnh nhân thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều trị” - BS Nam khuyến cáo.•
Dấu hiệu ung thư lưỡi qua 3 giai đoạn
Giai đoạn đầu: Bệnh nhân cảm giác có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua nhanh. Lưỡi có điểm nổi phồng với sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Thậm chí có thể sờ thấy tổn thương rắn, chắc.
Giai đoạn toàn phát: Đau khi ăn uống, nói, nuốt, có thể sốt do nhiễm khuẩn. Cơn đau tăng nhất là khi ăn thức ăn cay, nóng, đôi khi đau lan lên tai, tăng tiết nước bọt, chảy máu vùng miệng, hơi thở có mùi khó chịu. Một số trường hợp gây khít hàm, cố định lưỡi khiến bệnh nhân nói, nuốt khó khăn, ổ loét ở lưỡi lan rộng…
Giai đoạn tiến triển: Loét sâu, lan rộng bề mặt hoặc dưới lưỡi gây đau đớn, rất dễ chảy máu. BS thường phải khám bệnh nhân ở trạng thái đã gây tê để hạn chế phản ứng của người bệnh do đau đớn. Ung thư lưỡi giai đoạn cuối sẽ có các biểu hiện sụt cân, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, sốt… (Nguồn: BV K)