Mặt nạ vàng được tìm thấy trong tàn tích của một ngôi mộ thời nhà Thương (1600 - 1046 TCN) ở quận Thương Thành, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - Ảnh: Weibo
Theo báo South China Morning Post ngày 18-9, đây là chiếc mặt nạ đầu tiên thuộc loại này được tìm thấy từ triều đại nhà Thương.
Cơ quan Quản lý di sản văn hóa quốc gia của Trung Quốc cho biết mặt nạ vàng được phát hiện trong một lăng mộ hoàng gia ở quận Thương Thành thuộc thủ phủ Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam.
Các chuyên gia đánh giá niên đại của chiếc mặt nạ mới được khai quật còn cao hơn một mặt nạ vàng khác được tìm thấy ở di tích Tam Tinh Đôi cách đây một năm.
Địa điểm khảo cổ Tam Tinh Đôi ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc, được coi là một trong những khám phá quan trọng nhất của thế kỷ 20. Các nhà khảo cổ học thu được rất nhiều đồ tạo tác bằng vàng tại đây, bao gồm cả chiếc mặt nạ đã gây xôn xao quốc tế vào năm ngoái.
Các nhà khảo cổ học tìm thấy kho báu từ nền văn minh bí ẩn tại di tích Tam Tinh Đôi - Video: South China Morning Post
Tam Tinh Đôi được cho là thành phố trung tâm của nước Thục cổ đại, tồn tại vào khoảng 4.800 năm trước đây và cùng thời với nhà Thương.
Ông Gu Wanfa - giám đốc Viện Nghiên cứu di tích văn hóa và khảo cổ học thành phố Trịnh Châu - cho biết phát hiện ở Hà Nam chỉ ra rằng các đồ tạo tác Tam Tinh Đôi chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Nguyên.
Văn hóa Trung Nguyên bao gồm các xã hội xuất hiện từ vùng Hà Nam và trở thành nền tảng của nền văn minh Trung Quốc hiện đại.
Mặt nạ có niên đại ít nhất 3.000 năm vào triều đại nhà Thương - Ảnh: Weibo
Theo ông Gu, không giống như mặt nạ vàng được khai quật ở Tam Tinh Đôi, mặt nạ ở Thương Thành che toàn bộ khuôn mặt với mục đích bảo vệ nguyên vẹn các linh hồn.
"Truyền miệng về một cơ thể bằng vàng bất hoại xuất hiện từ thời cổ đại ở Trung Quốc. (Mặt nạ vàng) chứng minh niềm tin này đã tồn tại từ thời nhà Thương", ông Gu nói.
Các món đồ bằng vàng khác được tìm thấy trong các ngôi mộ bao gồm lá và mảng khảm ngọc lam, cùng tiền xu bằng vỏ sò, vũ khí bằng đồng và ngọc bích.
Trước khi tìm thấy Thương Thành, chỉ có một số đồ vật bằng vàng được phát hiện từ các di chỉ của triều đại nhà Thương.
Cũng theo vị chuyên gia này, phát hiện trên đặt ra nhiều câu hỏi mới như liệu chiếc mặt nạ được chế tạo tại địa phương hay được mua về, và liệu các đồ tạo tác bằng vàng có được phát triển ở miền trung Trung Quốc trước khi lan truyền đến phía tây nam hay không.
Ngoài ra vai trò thực sự của chiếc mặt nạ vàng trong văn hóa triều đại nhà Thương cũng là một bí ẩn lớn.
TTO - Nhân dịp Dinh Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM mở cửa một ngày duy nhất trong năm (17-9) để đón công chúng, đông đảo khách tham quan đã háo hức đến chiêm ngưỡng công trình kiến trúc tuyệt mỹ vừa tròn 150 năm tuổi giữa lòng Sài Gòn.
Xem thêm: mth.93451520281902202-couq-gnurt-o-court-man-000-3-noh-noh-hnil-ev-oab-gnav-an-tam/nv.ertiout