Hình ảnh trẻ em nâng quả địa cầu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York trước kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 77 - Ảnh: AFP
Hôm nay (20-9), kỳ họp Đại hội đồng LHQ bước vào tuần làm việc quan trọng tại New York (Mỹ) với các phiên họp toàn thể. Theo truyền thống, lãnh đạo Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro, là người có bài phát biểu đầu tiên.
Chiến tranh Nga - Ukraine phủ bóng
Sau hai năm gián đoạn, đây là lần đầu tiên kỳ họp Đại hội đồng LHQ quy tụ sự góp mặt trực tiếp của nhiều lãnh đạo thế giới. Sức hút của cuộc gặp năm nay càng tăng khi thế giới đối mặt nhiều thách thức, từ tình hình lạm phát, khủng hoảng lương thực cho tới tâm điểm là cuộc chiến ở Ukraine.
Giới quan sát quốc tế đa phần đều hiểu rõ LHQ hay bản thân các cuộc họp Đại hội đồng LHQ thường niên không phải là nơi tạo ra kết quả đàm phán hay sự đồng thuận cụ thể nào. Thay vào đó, đây là diễn đàn nơi các lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn, kêu gọi hành động chung để đối phó các thách thức chung. Quan trọng hơn, New York thường là dịp để đại diện các quốc gia đang có mâu thuẫn có cơ hội gặp gỡ và trao đổi, do đó các cuộc gặp song phương (bên lề) thường nhận được sự chú ý lớn hơn.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin không đến dự, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ chỉ phát biểu bằng băng ghi hình. Một hướng kỳ vọng khác là trao đổi giữa các nhà ngoại giao Mỹ - Nga cũng khó xảy ra, khi Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield khẳng định "không có kế hoạch gặp gỡ nhà ngoại giao Nga nào được đưa ra".
Một cách trực diện hơn, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói: "Thật ngây thơ nếu nghĩ rằng chúng ta tiến gần tới khả năng về một thỏa thuận hòa bình. Cơ hội cho thỏa thuận hòa bình là rất nhỏ tại thời điểm này".
Ý tưởng thay đổi cho LHQ
Được xem là biểu tượng cho chủ nghĩa đa phương nhưng bản thân LHQ thường xuyên bị đặt dấu hỏi về vai trò của mình. Cuộc họp thường niên năm nay có thể là lúc câu chuyện về "cải cách LHQ" trở thành tâm điểm.
Trong thời gian qua, Mỹ đã liên tục tố cáo Nga vi phạm Hiến chương LHQ thông qua "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Tổng thống Putin tại Ukraine. Tuy nhiên, chính cuộc chiến tại Ukraine cũng góp phần tạo động lực cho lời kêu gọi cải cách, đặc biệt vấn đề của Hội đồng Bảo an LHQ khi Nga vẫn giữ quyền phủ quyết.
Xét diễn biến hiện tại, có thể thấy hai vấn đề quan trọng nhất liên quan tới cải cách Hội đồng Bảo an LHQ là cơ chế hoạt động và việc liệu có thêm thành viên thường trực hay không. Thổ Nhĩ Kỳ đang là một trong các nước ủng hộ cải cách mạnh mẽ nhất.
Báo Daily Sabah dẫn lời Tổng thống Tayyip Erdogan khẳng định "thế giới lớn hơn năm nước", ám chỉ lợi ích của các quốc gia không chỉ nên gói gọn như quyền hạn của năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp). Trong khi đó, ông Jean-Marie Guehenno, chuyên gia cấp cao tại ĐH Columbia (Mỹ), nhận định: "Hiện nay, câu hỏi không phải là liệu việc cải cách có cần thiết hay không mà là nên cải cách như thế nào".
Nhìn chung sẽ khó có những đột phá cho chính trị quốc tế qua kỳ họp năm nay. Nhưng ít nhất các nước sẽ giới thiệu tầm nhìn của mình để đề xuất hướng xử lý. Và những ý kiến này sẽ gợi mở các giải pháp tương lai, bao gồm cả việc bản thân LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ sẽ phải thay đổi như thế nào.
Tân thủ tướng Anh gặp tổng thống Mỹ
Tâm điểm của kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 77 sẽ là Tuần lễ cấp cao diễn ra từ ngày 20 đến 26-9 với sự tham dự của các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và các quan chức ngoại giao hàng đầu của các quốc gia.
Ngoài một số lãnh đạo được mong chờ như Tổng thống Mỹ Joe Biden (phát biểu ngày 21-9 do tham dự tang lễ Nữ hoàng Anh) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phát biểu trực tuyến), những nhà lãnh đạo đáng chú ý khác bao gồm tân Thủ tướng Anh Liz Truss, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi... Đại diện tham dự phía Nga là Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Theo tuyên bố từ Phố Downing, Thủ tướng Anh Liz Truss sẽ lần đầu gặp song phương Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 21-9. Hai nhà lãnh đạo được cho là có chung lập trường trong việc theo đuổi đường lối cứng rắn với Nga và Trung Quốc.
MINH KHÔI
TTO - Tròn 6 tháng chiến sự Nga - Ukraine kể từ ngày 24-2, Liên Hiệp Quốc cho biết có 5.587 dân thường thiệt mạng và 7.890 người bị thương kể từ lúc chiến sự xảy ra. Ngoài ra có gần 18 triệu người Ukraine cần được hỗ trợ nhân đạo.
Xem thêm: mth.56071723291902202-couq-peih-neil-auc-gnort-nauq-el-naut/nv.ertiout