Mỗi thùng Brent hiện mất 4,8%, về 86,11 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI giảm 5,5% còn 78,91 USD. Hai mức giá này thấp nhất kể từ đầu tháng 1. Trên góc độ kỹ thuật, cả hai loại dầu đều đang rơi vào vùng quá bán.
Tổng cộng trong tuần, WTI đã mất 7%. Brent giảm khoảng 6%. Đây là tuần thứ 4 liên tiếp hai loại dầu này đi xuống. Lần gần nhất việc này diễn ra là cuối năm ngoái.
Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản hôm 21/9, ngân hàng trung ương nhiều nước đã nối gót, làm tăng nguy cơ kinh tế đi xuống.
"Thị trường dầu thô chịu áp lực bán lớn, do USD vẫn mạnh và nhu cầu tài sản rủi ro giảm", các nhà phân tích tại hãng tư vấn Ritterbusch and Associates giải thích. Dollar Index hiện ở mức cao nhất 20 năm so với rổ tiền tệ lớn. Đồng đôla mạnh làm giảm nhu cầu dầu, do nó khiến dầu đắt đỏ với người mua bằng tiền tệ khác.
Tại eurozone, số liệu mới nhất cho thấy hoạt động kinh doanh đi xuống trong tháng 9. Việc này càng làm tăng rủi ro suy thoái trong bối cảnh người tiêu dùng giảm chi vì giá năng lượng cao. Chính phủ các nước châu Âu cũng khuyến khích người dân tiết kiệm khi Nga giảm nguồn cung năng lượng.
Về phía nguồn cung, các nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran đang chững lại. Nguyên nhân là Tehran muốn Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) dừng các cuộc điều tra về chương trình hạt nhân của nước này, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Việc này đã xóa tan kỳ vọng dầu Iran xuất khẩu bổ sung cho nguồn cung thế giới.
Hà Thu (theo Reuters)