Biểu diễn tung lưới phục vụ du khách thưởng ngoạn ở đoạn sông qua Hội An - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
"Tuổi xế chiều rồi, tôi mong mình được thấy cảnh trên bến dưới thuyền nơi dòng sông Cổ Cò tắm mát thuở bé thơ", bà Nguyễn Thị Lượm (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) dẫn khách xuống ruộng rau muống dại rộng bạt ngàn bên vườn nhà và ao ước.
Mơ về dòng sông tuổi thơ
Cách đây gần 80 năm, ruộng rau này từng là khúc sông Cổ Cò rộng chứa cả bầu trời tuổi thơ của anh em bà. Giờ đây, khi Chính phủ cho phép các dự án triển khai nạo vét sông Cổ Cò để khơi lại dòng chảy, đôi mắt mờ đục của bà Lượm lại sáng lên những ánh hy vọng.
Nhìn tàu cát vươn vòi hút nạo khu vực bãi bồi, bà Lượm hồi hộp chờ ngày hoàn thiện như chờ mẹ đi chợ về. Bà chờ ngày sông mở rộng, dòng chảy tràn đầy sức sống ngày thơ trở về.
Thuở ấy, đoạn sông này không những là nguồn sống của gia đình bà mà còn của cả xóm chài nghèo khổ. Cô bé Lượm và anh trai nay đã mất ngày ngày vẫn ra sông mò ốc, bắt cá phụ cha mẹ đổi thức ăn.
Những năm 50 của thế kỷ trước cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập như cha ông kể không còn nữa nhưng đoạn sông qua nhà bà hãy còn rộng lắm. Người trong thôn vẫn đi lại trên con sông này để tới chợ và hầu như những đứa trẻ sinh ra đều thấm lời hát: "Ru con con théc cho muồi. Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu. Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu. Mua cau Vĩnh Điện, mua trầu Hội An".
"Mấy chục năm bom đạn, đến lúc quay trở lại quê hương thì hố bom hố đạn chằng chịt. Những đoạn sông bồi lấp thì người ta đổ đất làm đường nhỏ qua lại. Không còn đường thủy, những ngôi chợ bên sông trong vùng cũng không còn lý do để tồn tại nữa", bà Lượm bồi hồi.
Chúng tôi lặng lẽ làm cuộc du hành tìm về quá khứ theo những mô tả bởi nhiều bản đồ được vẽ cách đây mấy trăm năm. Tiếc thay những tác động thời cuộc đã biến dòng sông nổi tiếng một thời thành con lạch cạn. Dáng sông và sinh khí con nước chỉ lộ rõ ở hai đầu nối với sông Hàn và Thu Bồn. Càng vào giữa khúc sông dài gần 30 cây số này, mạch nước từng làm nên cảnh tượng trên bến dưới thuyền khiến những vị khách phương Tây phải trầm trồ năm xưa chỉ còn hoài niệm xa xăm.
Những vị cao niên ở làng Hà Sấu (phường Điện Dương) cho rằng việc dòng sông chảy theo trục Nam - Bắc song song với biển là điểm yếu chí tử khiến sông hay bị bồi lấp. Nhưng cũng nhờ vậy mà nước sông cũng không chảy xiết nên rất phù hợp với việc đi lại bằng thuyền. Đặc biệt khi khơi thông được thì không nơi nào giải quyết được bài toán thoát lũ cho hệ thống Vu Gia - Thu Bồn như nơi này.
Chính vì vậy mà rất nhiều người Quảng Nam - Đà Nẵng khấp khởi khi từ năm 2012 chính quyền hai địa phương cùng bắt tay nhau khơi thông trở lại dòng sông thơ mộng.
Những người cao niên như bà Lượm lại mơ một ngày nào đó được nhìn thấy dòng sông trong câu chuyện của ông bà được sống lại. Một thủy lộ đủ chỗ cho những du thuyền to lớn chở khách thưởng ngoạn. Một dòng sông đầy tôm cá như trong chuyện kể.
Cảnh trên bến dưới thuyền tại một khúc sông - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tuyến cảnh quan, du lịch
Nhiều năm qua, các dự án triển khai nạo vét sông Cổ Cò liên tục được triển khai. Dẫu chưa chính xác trước ngày về đích nhưng những người làm du lịch ở vùng đất miền Trung đã bắt đầu hy vọng một tương lai không xa khi du khách có thể "đóng vai" những tay thương lái năm xưa trên con thuyền buôn xuôi dòng từ cửa Hàn tìm đến di sản phố cổ của miền Trung.
Anh Nguyễn Thanh Tú (Công ty CP Hội An Travel), đơn vị chuyên khai thác du lịch cộng đồng, cho rằng với thế mạnh của Đà Nẵng và Hội An, khi "con đường tơ lụa" được khơi thông sẽ tiềm năng vô cùng to lớn để phát triển du lịch đường thủy.
Với dòng Cổ Cò, du khách sẽ được mang đến từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi cảnh quan thay đổi liên tục. Nếu đi từ hướng sông Hội An khách đi qua vùng sinh thái Nam Bộ trong rừng dừa Bảy Mẫu rồi ghé dừng chân chài lưới, làm nông dân với vườn rau Trà Quế.
Vào giữa sông, khung cảnh rừng nguyên sinh vẫn còn đó ở rừng Hà Gia. Từ đây, khách tiếp tục trải nghiệm cảm giác nhà giàu khi đi qua những sân golf đẳng cấp nhất thế giới và những khu đô thị mang đậm dấu ấn kiến trúc.
Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì khách có thể thưởng thức bởi khi ra tới Đà Nẵng, những vị khách sành về công nghệ chắc chắn sẽ thích ghé thăm đại bản doanh của FPT hoặc dừng bến thuyền dưới ngọn Kim Sơn để du chơi trên núi Ngũ Hành Sơn huyền thoại.
Trong tương lai khu di tích cách mạng căn cứ K20 bên bờ sông cũng sẽ được đưa vào khai thác du lịch để tô thêm lịch sử hào hùng của vùng đất xứ Quảng Đà.
Anh Tú cho rằng việc khơi thông sông Cổ Cò mang lại cảnh quan tuyệt vời cho những dự án nghỉ dưỡng ở đây để thu hút du khách bởi được thừa hưởng cảnh trước biển sau sông.
"Tôi đã ấn tượng khi nhìn thấy hình ảnh quảng bá du thuyền dạo chơi trên sông bên những thảm cỏ xanh mướt để những tay golf đẳng cấp thế giới phóng hết tài nghệ trên sân thi đấu 18 lỗ. Với những sân golf hiện đã ghi tên trên bản đồ thế giới, chắc chắn khi khơi thông dòng Cổ Cò thì màn quảng bá tuyệt vời này sẽ xuất hiện ở nước ta" - anh Tú tự tin nói.
Còn theo ông Phùng Phú Phong, giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, với những dự án đã phủ kín và hoàn thành ở hai bên bờ sông phía Đà Nẵng, dòng sông sẽ không mang nhiều ý nghĩa về khai thác quỹ đất hay hình thành các khu đô thị mới.
Nhưng việc khơi thông được dòng sông vẫn mang những mục tiêu cụ thể như để bảo vệ dòng sông, khai thác du lịch đường sông và xây dựng cảnh quan đô thị.
Từ hướng tiếp cận của một nhà quy hoạch, ông Phong cho rằng việc khai thác du lịch đường sông có ý nghĩa về thu hút du lịch và tạo công ăn việc làm cho người dân. Và quan trọng nhất, việc xây dựng cảnh quan về những miền đô thị mang tính biểu tượng cho sự sinh động và nhân văn.
"Đà Nẵng đã có Sơn Trà, Bà Nà góp phần lớn trong việc khắc họa một thành phố tươi đẹp, hấp dẫn và tình người. Tới đây dãy Hải Vân và sông Cổ Cò tham gia chung vào sứ mệnh đó sẽ tạo nên một đô thị có hạ tầng tốt và cảnh quan đẹp kết nối với miền di sản. Đặc biệt khi sống lại ký ức huyết mạch lưu thông trên dòng Cổ Cò sẽ kết lại một dải danh lam thắng cảnh từ Cửa Đại đến vịnh Thuận Phước với nhiều gam màu sắc", ông Phong nhìn nhận.
Biểu tượng gắn kết kinh tế hai địa phương
Đà Nẵng đã thực hiện dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò đoạn qua địa phận với mức đầu tư khoảng 500 tỉ đồng trên chiều dài 9km. Dự án tập trung vào 4 hợp phần: nạo vét lòng sông, đầu tư xây dựng hệ thống kè chắn, kiến tạo cảnh quan và nâng cấp các cây cầu.
Đến nay việc nạo vét lòng sông cơ bản hoàn tất để tiến hành hạng mục kè chắn. Trừ cầu Biện sẽ được nâng cao độ tĩnh không, Đà Nẵng đã hoàn thành 5 cây cầu qua sông Cổ Cò với chiều cao thông thuyền khoảng 3,5m.
Về phía Quảng Nam, các dự án nạo vét sông Cổ Cò dự kiến có tổng kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng chủ yếu thực hiện trên đoạn 10km trên địa phận Điện Bàn và Hội An (trong tổng chiều dài 20km chảy qua tỉnh).
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết hiện các dự án sông Cổ Cò triển khai để đạt tiêu chuẩn sông cấp IV với phạm vi nạo vét 90m. Sau khi nạo vét xong, ngoài phạm vi 90m mặt sông, hai bên còn khoảng không gian được quản lý thống nhất với bề rộng mỗi bên trung bình khoảng 130m. Chiều rộng bờ sông trung bình của sông Cổ Cò trên địa phận tỉnh Quảng Nam sau khi nạo vét là khoảng 350m.
Trong nhiều năm qua, hai địa phương liên tục ngồi lại với nhau để đi tìm sự đồng bộ trên toàn tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền lưu thông khu vực này. Dòng sông đã mất hơn một thế kỷ sẽ được nối lại để quá khứ và hiện tại trở thành sợi dây nối tiêu biểu nhất và mang tính biểu tượng cho sự hợp tác phát triển trên vùng đất Quảng-Đà.
TTO - Đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain khi mới thưởng thức bánh mì đường phố ở Hội An (Quảng Nam) đã nói rằng 'vị ở đây như một bản hòa âm khiến vị giác như muốn reo lên'.