Thủ tướng chỉ đạo nhiều nội dung thúc đẩy giải ngân đầu tư công - Ảnh: VGP
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành cũng đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân của việc chậm giải ngân, liên quan tới cơ chế, chính sách cũng như tổ chức thực hiện là chủ yếu. Đơn cử như công tác lập kế hoạch chưa sát, không phân bổ được vốn giao dẫn đến vốn chờ dự án, thủ tục; việc công bố chỉ số giá xây dựng nhiều nơi chưa sát thị trường, bị động...
Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, khảo sát dự án chưa tốt, nhất là các dự án ODA, do đó tỉ lệ giải ngân thấp hơn so với tỉ lệ chung (46,7%). Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm công tác này, một số ban quản lý chưa đủ năng lực, một số hợp đồng chủ đầu tư và nhà thầu chưa rõ ràng, việc thanh toán còn chậm trễ…
Theo báo cáo, ước giải ngân đến cuối tháng 9-2022 đạt trên 253.000 tỉ đồng, tăng hơn 34.000 tỉ đồng so với cùng kỳ. Có 12 bộ, ngành, địa phương tỉ lệ giải ngân trên 70%. Giải ngân đầu tư công tuy tăng về số liệu tuyệt đối nhưng về tỉ lệ mới đạt 46,7% kế hoạch giao, thấp hơn 0,7% cùng kỳ năm 2021. Có 16 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt thấp dưới 20%.
Tuy vậy, nhìn nhận thẳng thắn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu nguyên nhân chủ quan là chính. Đây cũng là cuộc họp thứ 3 của Chính phủ về vấn đề này. "Vậy tại sao công tác này vẫn chậm?" - Thủ tướng đặt ra vấn đề để các đơn vị liên quan phải suy nghĩ giải pháp khắc phục.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cắt giảm ngay các thủ tục; các bộ, ngành, địa phương cũng phải hạn chế việc dàn trải, manh mún; làm việc nào dứt việc đó. Cơ quan, đơn vị bên dưới trong quá trình triển khai nếu thấy vướng ở điểm nào phải kịp thời báo cáo, kiến nghị cấp trên, hạn chế "văn bản vòng vo".
Thủ tướng họp trực tuyến về thúc đẩy đầu công và triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: VGP
Về những tồn tại được nêu, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tập hợp các vướng mắc, báo cáo Chính phủ trước ngày 20-10 để vướng ở cấp nào, cấp đó giải quyết. Về khâu tổ chức thực hiện, Thủ tướng cũng phê bình các bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt việc giải ngân, cần kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, báo cáo trong tháng 10-2022.
Theo đó, cần đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; tiếp tục rà soát lại các dự án, bảo đảm trọng tâm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tránh chia cắt, dàn trải, manh mún, kéo dài.
Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo, chính quyền phải tổ chức thực hiện, huy động người dân vào cuộc, nâng cao kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực chuẩn bị các dự án; đầu tư của các địa phương, đơn vị còn dàn trải thì phải rà soát loại, cắt giảm, ưu tiên những gì cần làm trước.
Về những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập với một số dự án lớn, Thủ tướng giao các cơ quan tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền với các dự án khác.
Thủ tướng chỉ đạo những tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần coi công tác này là công việc ưu tiên, dành thời gian lãnh đạo, tổ chức thực hiện, với tinh thần "làm ngày làm đêm, làm hết việc chứ không hết giờ. Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân phục vụ, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tình hình không bình thường thì làm việc cũng phải khác bình thường.
TTO - Theo giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện các dự báo Việt Nam và quốc tế đều nhận định bão số 4 (bão Noru) không có sự suy giảm về cường độ, đổ bộ vào các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định với cường độ từ cấp 13 đến cấp 16.