vĐồng tin tức tài chính 365

'Gánh con' đi suốt cuộc đời - Kỳ 2: Thương đứt ruột những đứa con lớn ngược

2022-09-27 10:34
Gánh con đi suốt cuộc đời - Kỳ 2: Thương đứt ruột những đứa con lớn ngược - Ảnh 1.

Bà Tráng đã cao tuổi vẫn ngày ngày bóp tay chân cho con đỡ đau nhức - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Miền quê Kinh Bắc những năm sau đổi mới còn cảnh đói nghèo, nhưng bà con nơi đây đã chứng kiến chuyện tình đẹp giữa một cô thôn nữ với chàng trai khuyết tật làng bên.

Tình yêu của cô thôn nữ

Có tiếng xì xào về sự dại khờ của cô gái, nhưng nhiều người cảm phục tình yêu của cô. Một ngày nắng đẹp, hôn lễ giản dị đã diễn ra, cô dâu và chú rể ngồi sau xe đạp vì không có cả chiếc xe lăn. Kết thúc những lời dị nghị, chuyện tình "đũa lệch" đã gặt hái cái kết có hậu.

Bà Đinh Thị Tráng, nay đã 70 tuổi (ở thôn Nhất Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, Bắc Ninh), chính là cô dâu ngày xưa. Người chồng đã về nơi chín suối, bà đang sống hạnh phúc bên con cháu, tuy khó khăn vẫn chưa dừng lại.

"Ngày tôi gặp ông nhà, hai chân ông yếu vì bại liệt từ năm 12 tuổi. Không đi lại được nhưng ông là người sáng dạ, sống tình cảm nên tôi thương. Gia đình cản, bạn bè cũng ngăn nhưng quyết tâm nên cuối cùng các cụ đồng ý cho lấy nhau. Ngày xưa đói khổ lắm, sống với nhau vì tình thôi" - bà Tráng trải lòng.

Năm 1983, ông bà vui mừng đón con gái Nguyễn Thị Nhàn chào đời. Cô bé lành lặn, da trắng bóc, lanh lợi, khiến đôi vợ chồng trẻ được tiếp thêm nguồn sống. Đến năm 1985, họ lại đón thêm niềm vui là con trai Nguyễn Văn Thanh ra đời. Nhà có nếp có tẻ, các con bà lớn nhanh, càng đẹp như tranh vẽ, dù ăn uống kham khổ.

Nhưng cuộc sống lại thử thách bà lần nữa, người chồng đổ bệnh, đến cả ngồi cũng khó khăn. Ông phải dừng việc vẽ tranh và xem tướng số, thu nhập ít ỏi để giúp vợ con cũng không còn. Đôi vai bà một bên "gánh" chồng, bên còn lại "gánh" hai con thơ.

"Lúc đó còn trẻ khỏe, con cái là động lực để tôi làm không biết mệt. Làm hết việc đồng áng ở nhà lại đi làm thuê, việc gì tôi cũng nhận làm" - bà Tráng nhớ. Bà còn làm được điều mà nhiều gia đình thời ấy không làm được, đó là cho cả hai con đến trường học.

Cứ nghĩ cuộc đời công bằng, lấy đi sức khỏe người chồng sẽ bù lại cho bà những đứa con khỏe mạnh để làm chỗ dựa về sau. Nhưng không, số phận đã đẩy bà vào tấn kịch bi thương nhất đời người.

Hai con đang khỏe mạnh bỗng lần lượt đổ bệnh chỉ sau một cơn sốt. Cơ thể hai đứa trẻ cứ yếu dần, chân tay co quắp, quay lại thân thể yếu ớt của trẻ nhỏ.

"Nhàn bị sốt năm 8 tuổi, Thanh bị năm 12 tuổi. Trước đó cả hai không ốm đau gì, trận sốt cũng chỉ kéo dài hai hôm. Nhưng khi đó cơ thể hai đứa nóng rực, mặt đỏ bừng lên, không giống cảm sốt thông thường", bà Tráng thấy con hết sốt nhanh nên không đưa đi viện. Bà không biết đó là dấu hiệu của căn bệnh nan y.

Con gái mắc bệnh thời gian đầu còn nhẹ, đến khi con trai cũng gặp biến chứng tương tự thì vợ chồng bà mới tin con bị bệnh giống bố. Chồng bà Tráng cũng bị sốt năm 12 tuổi, với những triệu chứng hoàn toàn giống các con.

Con gái dần không thể đứng, đi được bằng hai chân, con trai ngày nào vẫn đạp xe tung tăng cùng bạn bè tới trường, giờ phải ngồi xe lăn. Chồng thì nằm bẹp hẳn trên giường, đến trở mình cũng phải có bà giúp.

Và thế là bà Tráng trở thành đôi chân, đôi tay cho chồng và hai con!

Gánh con đi suốt cuộc đời - Kỳ 2: Thương đứt ruột những đứa con lớn ngược - Ảnh 2.

Bà Tráng cùng con cháu trong gia đình yêu thương nhau - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Phải sống vì chồng, vì con

"Nhiều người làng nói tôi bỏ đi nơi khác sống cho khỏe, làm sao phải gánh vác gia đình toàn người đau ốm vậy. Tôi chẳng trả lời họ, lòng chỉ nghĩ đó là chồng mình, con mình, máu mủ mình sinh ra sao mà bỏ được. Lúc chồng con đang cần mình nhất thì lại bỏ đi sao nỡ" - bà Tráng tâm sự mình còn phải trải qua miệng đời ngày ấy như thế.

Những năm đầu, người mẹ này đạp xe đưa hai con đi khám bệnh khắp nơi, từ bệnh viện ở Hải Phòng rồi lên Hà Nội. Tới khi bác sĩ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực châm cứu Nguyễn Tài Thu trực tiếp khám, báo hết cách bà mới ngậm ngùi chấp nhận số phận của con.

"Vẫn còn an ủi là ông trời đã không lấy hết mọi thứ của các con". Tuy cơ thể, chân tay yếu mềm không thể làm gì được, nhưng đầu óc các con bà lại sáng suốt đến lạ thường. "Các con biết suy nghĩ và ăn nói đâu ra đó, không ai bị mất lòng. Cuộc sống có niềm vui, tiếng cười đùa của các con cũng bớt mệt mỏi", bà Tráng khẽ cười.

Tuy nhiên, bệnh chồng trở nặng, một đêm bà phải thức tới tám lần để giúp ông lật người. Ban ngày bà giúp chồng con ăn uống, vệ sinh, ban đêm ngủ không tròn giấc. Thêm phần bà ăn uống nhường nhịn cho con, làm việc luôn tay, hết đồng ruộng của nhà thì đi cắt lá dứa, dọn cỏ thuê. 

Bà thường bị ngất vì bệnh tim và một bệnh mới xuất hiện, bệnh bạch tạng, khiến toàn thân da trắng, tóc trắng lạ thường. Đó là những tháng ngày bà vô cùng kiệt sức, nhưng tự nghĩ trong lòng không được phép nghỉ ngơi dù chỉ một ngày, không được phép bệnh và cũng không được... chết, bởi sự sống của chồng, con đang hoàn toàn phụ thuộc vào bà.

Năm 2012, chồng bà trút hơi thở cuối cùng. Bà Tráng tiếp tục những ngày tháng cùng các con chiến đấu với bệnh tật.

Nhàn và Thanh đến tuổi trưởng thành, nghĩ cách kiếm tiền cho mẹ đỡ vất vả. Cả hai theo nhóm bạn khuyết tật đi bán tăm bông, hát rong ở chợ và các góc phố. Chính những chuyến đi đã giúp hai chị em tìm được người bạn đời cùng cảnh ngộ. Người này có đôi chân, đôi tay, người kia có bộ óc bù đắp những thiếu hụt của nhau.

Vượt qua mặc cảm, định kiến, cả lo lắng của gia đình, hai con của bà đã tìm được hạnh phúc riêng, có người bầu bạn giúp đỡ các con, gánh nặng trên vai bà cũng được san sẻ.

Năm 2013, con dâu mang bầu, điều bất ngờ ngoài mong đợi của bà Tráng. Con dâu được bà xem như con gái. Cơ thể cô nhỏ bé, một bên bả vai bị còng lên, đi đứng, hít thở không dễ, nhưng quá trình mang bầu, sinh con lại thuận lợi. Cháu trai chào đời khỏe mạnh, kháu khỉnh, bà thêm phần bận rộn mà không giấu được niềm vui.

Ba năm sau, con gái bà cũng bất ngờ báo tin có bầu. Lần này bà Tráng lo nhiều hơn mừng, vì cơ thể con gái yếu ớt, không thể đi lại. Việc mang bầu, sinh con có thể nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn con.

Đến ngày con gái đi viện mổ sinh, bà thức trắng mấy đêm liền ở viện, có lúc người ta thấy bà quỳ gối, chắp tay cầu khẩn. Cuối cùng thì phép mầu đã tới, con gái và cháu gái mới sinh đều bình an vô sự.

Giờ đây cháu nội của bà đã lên 9 tuổi, cháu ngoại 6 tuổi, đều khỏe mạnh, xinh xắn. Cả hai đang hào hứng bước vào năm học mới, tiếng gọi bà ríu rít từ nhà ra vườn. Các con trai, gái, dâu, rể đều ở chung một nhà với bà. Hai ngôi nhà tình thương thông nhau, món quà ý nghĩa được chính quyền hỗ trợ xây dựng.

Bà Tráng vẫn miệt mài với công việc, đi cắt củ dong thuê dù tay đã yếu, bước chân đã chậm hơn nhưng gương mặt bà đã bừng niềm vui sống. Ngôi nhà nhỏ của bà không chỉ có tiếng cười trẻ thơ mà còn là nơi gặp gỡ, trú chân của những người đồng cảnh ngộ với các con.

Con dâu Nguyễn Thị Hòa từ khi về làm dâu đã xem bà Tráng như mẹ ruột: "Tôi mất mẹ từ sớm nên khi về làm dâu, tôi ôm mẹ chồng ngủ cho đỡ nhớ. Cách mẹ yêu thương người đã dạy tôi làm điều đó với mọi người".

Anh Thanh thường làm thơ về mẹ, bài anh mới làm dịp lễ Vu lan thêm một tiếng lòng về tình thương yêu vô bờ bến của người mẹ hiền:

"Tôi thương mẹ bên cuộc đời trầm lặng

Mặc gió mưa lướt nhẹ giữa đời thường

Chẳng bao giờ mẹ mơ ước cao sang

Ngoài những hạt thóc vàng mẹ gieo cấy

........

Mẹ đang khóc nhưng buồn hay vui nhỉ?

Bởi có lần xa xăm mẹ thường nói

Vì mẹ vui nên mẹ khóc đấy mà".

Chàng trai nằm ngọ nguậy một chỗ là chủ CLB "Không gian đọc hy vọng", nhưng người giúp anh hiện thực hóa giấc mơ chính là mẹ.

Kỳ tới: Ước mơ con trên đôi vai gầy của mẹ

'Gánh con' đi suốt cuộc đời - Kỳ 1: Mẹ khóc với tiếng hú của con lúc nửa đêm

TTO - Chúng tôi tới thăm, Quỳnh đang ngồi trên giường bật quạt, vuốt tóc, cười một mình. Mái tóc vừa được mẹ buộc lại kéo xõa ra. Ngôi nhà hai gian và một gác xép không có đồ vật nào đáng giá.

Xem thêm: mth.93694731262902202-cougn-nol-noc-aud-gnuhn-tour-tud-gnouht-2-yk-iod-couc-tous-id-noc-hnag/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Gánh con' đi suốt cuộc đời - Kỳ 2: Thương đứt ruột những đứa con lớn ngược”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools