Thủ tướng Đức kết thúc chuyến công du vùng Vịnh
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 - vốn chiếm khoảng 40% lượng khí đốt Nga vận chuyển hàng năm cho châu Âu vẫn chưa được mở lại từ đầu tháng 9. Đức - quốc gia phụ thuộc vào đường ống này hơn ai hết đang vô cùng sốt ruột như ngồi trên đống lửa.
Đích thân Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa kết thúc chuyến công du con thoi kéo dài 2 ngày tới 3 quốc gia tại Vùng Vịnh nhằm tìm kiếm những đối tác mới cung cấp năng lượng khẩn cấp cho nước Đức. Cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến sự giữa Nga và Ukraine đang mở ra thời cơ để tăng cường sức ảnh hưởng cho các quốc gia Vùng Vịnh.
"Thời kỳ bùng nổ tại Vùng Vịnh" là từ khoá và cũng là trang bìa được tạp chí The Economist số ra mới nhất tuần này lựa chọn để nói về vai trò của những ông hoàng Arab trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay tại châu Âu.
Tại Saudi Arabia, ông Olaf Scholz gặp Thái tử nước này Mohammed bin Salman, ngoài tìm kiếm nguồn cung, Berlin còn muốn mở rộng hợp tác về công nghệ năng lượng mới, như hydro xanh.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trao đổi với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong khuôn khổ chuyến thăm. Ảnh: HNM.
Tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo Đức đã chứng kiến lễ ký thoả thuận hợp tác năng lượng mang tính lịch sử với UAE.
Theo đó, một biên bản ghi nhớ cung cấp dài hạn khí đốt giữa hai bên được ký kết. Trước mắt lô khí đốt khoảng 137 nghìn m3 đầu tiên sẽ được chuyển đến Đức ngay trong tháng 12 tới.
Chặng dừng chân cuối cùng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz là Qatar. Đây là quốc gia xuất khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Tuy nhiên có vẻ như 2 bên vẫn đang trong quá trình đàm phán giá khi Qatar khá "cứng rắn cả về giá cả và thời hạn của các thỏa thuận tiềm năng".
Vịnh tránh "bão" năng lượng của châu Âu?
Những hợp tác năng lượng vừa đạt được có thể giúp Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu tự tin hơn về an ninh năng lượng, sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định.
Theo dự báo từ người đứng đầu cơ quan Mạng lưới Năng lượng Đức, việc lấp đầy 95% kho dự trữ khí đốt của nước này vào tháng 11 cũng sẽ chỉ đủ để sưởi ấm, sản xuất công nghiệp và sản xuất điện trong 2,5 tháng nếu Nga vẫn khoá van đường ống cung cấp khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1. Do vậy, Vùng Vịnh đang nổi lên là nguồn cung khí đốt và dầu mỏ vô cùng quan trọng.
Khí đốt châu Âu nhập về trước đến nay chủ yếu là qua đường ống. Trong đó 40% là từ Nga, khoảng 25% từ Na Uy, qua biển Bắc và sau đó là một số nước khác như Azerbaijan hay Algeria. Thời gian qua, Na uy đã tăng nguồn cung khí đốt hết công suất cho EU, dự kiến có thể bù đắp được một nửa lượng thiếu hụt từ Nga.
Nhưng sang năm tới khả năng cao Na Uy sẽ không thể tiếp cung khí đốt với mức như hiện nay được. Nhiều cơ sở khai thác của nước này đã đến hạn bảo trì, năm nay họ đã cố trì hoãn nhằm hỗ trợ Liên minh châu Âu. Trong bối cảnh như vậy, Vùng Vịnh nổi lên như một ưu tiên hàng đầu để châu Âu tìm nguồn cung khí đốt mới bởi ưu thế của Vùng Vịnh chính là khả năng xuất khẩu khí hóa lỏng hàng đầu thế giới.
Với khí hóa lỏng, vận chuyển được như xăng dầu thì châu Âu mới có thể nhập ngay về mà không cần phải phụ thuộc vào các đường ống. Vùng Vịnh lại cũng gần châu Âu, vận chuyển chi phí thấp hơn nhiều nếu so với Mỹ hay Australia - cũng là những quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng hàng đầu thế giới hiện nay.
Tiềm năng về khí hóa lỏng ở Vùng Vịnh hay Trung Đông về dài hạn rất lớn như Qatar dự kiến đến năm 2027 có thể đạt tới sản lượng đủ đáp ứng 1/3 nhu cầu thị trường khí đốt toàn cầu hiện nay. Bộ trưởng Năng lượng Qatar mới đây cũng cho biết là nước này sẵn sàng tăng đáng kể nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong vòng 5 - 7 năm nữa.
Liệu có những vướng mắc, trở ngại nào không?
Về mặt lý thuyết, tiềm lực khí đốt của Qatar cùng một số nước Trung Đông khác hoàn toàn có thể thay thế được Nga là nguồn cung chính cho châu Âu. Qatar và Iran đang chia sẻ mỏ khí đốt lớn nhất thế giới.
Nhưng vấn đề ở đây như chính phía Qatar cũng nói, họ sẵn sàng tăng đáng kể nguồn cung khí đốt cho châu Âu, nhưng phải là 5 - 7 năm nữa. Thị trường khí đốt có một tập quán là hầu hết giao dịch thông qua các hợp đồng dài hạn. Hiện 4/5 lượng khí đốt của Qatar cũng là đã bán theo các hợp đồng dài hạn. Châu Âu muốn mua phải chờ khi các hợp đồng này hết hạn.
Cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến sự giữa Nga và Ukraine đang mở ra thời cơ để tăng cường sức ảnh hưởng cho các quốc gia Vùng Vịnh. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, châu Âu hiện nay cũng e ngại, không muốn bị bó buộc vào các hợp đồng dài hạn với Qatar. Các hợp đồng phía Qatar đề xuất là thời hạn 10 - 15 năm. Nhiều nước EU tin rằng đến lúc đó năng lượng tái tạo đã phát triển nhiều rồi. Chưa nói đến việc đàm phán giá khí đốt bây giờ, châu Âu chắc chắn phải ở thế yếu. Mà mua khí đốt với giá hớ đến 10 - 15 năm không khó hiểu một châu Âu dù khát năng lượng cũng phải cảm thấy chần chừ.
Chuyến công du 3 nước Trung Đông của Thủ tướng Đức O.Scholz là minh chứng rõ ràng cho thấy Berlin coi đa dạng hóa nguồn cung năng lượng từ bên ngoài là lối thoát quan trọng cho nền kinh tế. Trong đó, tìm kiếm và mở rộng hợp tác với các quốc gia Vùng Vịnh đang là ưu tiên cấp bách, trong bối cảnh châu Âu đang đứng trước thềm mùa Đông lạnh giá.
Tuy nhiên, liệu Vùng Vịnh có thật sự là một vịnh tránh "bão" năng lượng hoàn hảo cho lục địa già không thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ và cần quan sát thêm khi đi kèm với đó là việc phải chốt giá trước cùng những hợp đồng dài hạn lên tới 10 - 15 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.86522201172902202-ua-uahc-auc-gnoul-gnan-oab-hnart-hniv-hniv-gnuv/et-hnik/nv.vtv