HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank; HoSE: LPB) vừa công bố Nghị quyết thông qua việc triển khai thực hiện phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 phê duyệt.
Theo đó, nhà băng này dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 15%. Với hơn 1,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ngân hàng sẽ phát hành thêm hơn 225,5 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức lần này.
Đồng thời, LienVietPostBank cũng lên kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tổng số lượng chào bán dự kiến là 300 triệu cổ phần.
Ngoài ra, đối với việc chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài đã lên kế hoạch từ đầu năm, LienVietPostBank cho biết, sẽ thực hiện vào thời điểm phù hợp.
Sau khi hoàn thành các đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ mức 15.035 tỷ đồng lên 20.291 tỷ đồng, tương đương mức tăng 35%. Thời gian thực hiện tăng vốn dự kiến sẽ trong năm 2022 và 2023, sau khi có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính soát xét bán niên, LienVietPostBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 5.920 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước, chủ yếu do thu nhập lãi cho vay khách hàng và thu nhập lãi tiền gửi tăng mạnh.
Đáng chú ý, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này tăng mạnh, đến 71%, đạt 4.537 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng kỳ này lại tiếp tục lỗ 949 tỷ đồng, tăng đến 54,3% so với năm trước.
Sau khi khấu trừ các chi phí, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 3.588 tỷ đồng, tăng 76,1% so với con số cùng kỳ năm trước. Năm nay, LienVietPostBank đạt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 4.800 tỷ đồng, như vậy, sau 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã hoàn thành gần 75% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của ngân hàng là 300.919 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 226.914 tỷ đồng, tăng trưởng 8,6%.
Đáng chú ý, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh, đến hơn 51%, đạt 4.824 tỷ đồng. Trong đó tiền gửi bằng VNĐ là 4.824 tỷ đồng, giảm 4.854 tỷ đồng so với năm ngoái, đồng thời, tiền gửi bằng ngoại tệ cũng giảm hơn 20 lần, đạt 9,9 tỷ đồng.
Cũng tại ngày 30/6, nhà băng này đang có tổng nợ xấu nội bảng là 3.183 tỷ đồng, tăng 11,2% so với đầu năm do nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh 38% lên 1.837 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,4%.