Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) phát hiện bốn bó cáp dự ứng lực được chôn sâu 1,8-2 m thuộc cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đã bị đứt, nơi đứt có xảy ra giao cắt với hệ thống cống hộp thoát nước.
Đào thăm dò tìm nguyên nhân cáp đứt
Sau sự cố cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị đứt cáp dự ứng lực ngầm tại nhịp chính cầu, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản yêu cầu cấm xe tải và xe trên 16 chỗ qua cầu.
Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh hiện đang cấm xe tải và xe trên 16 chỗ lưu thông. Ảnh: KC |
Ghi nhận của PV tại cầu Nguyễn Hữu Cảnh vào sáng 28-9, nhiều băng rôn và bảng treo việc cấm xe qua cầu đã được thực hiện. Hố đào thăm dò chỗ cáp đị đứt đã được lắp lại, các xe ngoài phương tiện bị cấm vẫn lưu thông qua cầu bình thường.
Cùng ngày, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, cho biết đã có thông cáo báo chí về vụ việc này để gửi cơ quan báo đài.
“Trong quá trình kiểm tra, khảo sát chuẩn bị cho công tác duy tu, sửa chữa định kỳ, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (TT QLHT), Ban giao thông phát hiện bốn bó cáp dự ứng lực được chôn sâu 1,8-2 m thuộc cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh trước đây đã bị đứt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết cấu, khả năng chịu lực của cầu và phải khẩn trương khắc phục” - thông cáo báo chí ngày 28-9 của Ban giao thông cho biết.
Trước đó, ngày 20-9, TT QLHT đã có văn bản gửi Sở GTVT TP về vấn đề này. Theo đó, trong quá trình khảo sát thực địa tại cầu này, tại nhịp chính dài 55,5 m nằm giữa trụ T24 và T25 xuất hiện võng tại mặt cắt giữa nhịp chính giữa trụ T24 và T25 (nhịp kết cấu khung).
Đầu dầm bản của nhịp dẫn đã kê lên vị trí mút thừa của nhịp chính khung. Phần mút thừa của nhịp chính khung và đầu dầm bản của nhịp dẫn đã không còn kê trên gối cầu mà tách khỏi gối cầu và xà mũ một khoảng trung bình 3-5 cm.
Các mặt cắt giữa nhịp chính kết cấu khung từ phạm vi L/4 đến 3L/4 (L là chiều dài nhịp chính khung) xuất hiện nhiều vết nứt theo phương ngang cầu tại tất cả dầm chủ (bao gồm các vết nứt xuất hiện từ sườn dầm kéo dài hết đáy dầm và các vết nứt kéo dài trong phạm vi đáy dầm).
Vào ngày 19-9, trước sự chứng kiến của các đơn vị (Ban giao thông, Đội 3 Thanh tra Sở GTVT, Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh, Công ty cổ phần Công trình cầu phà TP và đơn vị tư vấn) về kết quả đào thăm dò cáp dự ứng lực ngầm của cầu cho thấy hiện trạng nhịp chính cầu có bốn bó cáp dự ứng lực, mỗi bó gồm bảy tao cáp (tao cáp là một bó gồm các sợi thép có lõi ở giữa và các sợi xoắn xung quanh).
Bên ngoài bó cáp được bảo vệ bởi lớp vữa và ống nhựa PVC có đường kính 200 mm. Mỗi bó cáp dự ứng lực được đặt trong mương bê tông cốt thép và bên trên được đậy tấm đan bê tông cốt thép.
Tại vị trí bó cáp thứ hai, từ trụ T24 đến T25 theo hướng từ đường Điện Biên Phủ vào, sau khi đào đến độ sâu l,8 m so với mặt đất thì phát hiện bó cáp dự ứng lực của cầu bị cắt tại vị trí giao cắt với cống hộp 2 m x 2 m của hệ thống thoát nước thuộc dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông trong khu vực cầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Không biết có hệ thống cáp dự ứng lực bên dưới
Theo biên bản cuộc họp ngày 19-9 giữa TT QLHT, Ban giao thông, Thanh tra giao thông, Công ty CP Xây dựng hạ tầng Trung Tín (đơn vị tư vấn), Công ty CP Công trình Cầu phà TP có nêu ý kiến của các bên dự họp.
Cụ thể, ý kiến của Ban giao thông: Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh không có hồ sơ hoàn công và theo đó trong quá trình thi công (thi công cống hộp 2 m x 2 m của hệ thống thoát nước thuộc dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh. Dự án này đã hoàn thành vào ngày 30-4-2021 - PV), nhà thầu thi công không biết được hệ thống cáp dự ứng lực bên dưới.
Các sợi cáp dự ứng lực được ngầm dưới đất từ trụ T24 đến T25, khác biệt rất lớn so với các cầu có dự ứng lực thông thường khác. “Trong quá trình thi công, nhà thầu thi công không biết việc đứt cáp dự ứng lực nêu trên” - ý kiến của Ban giao thông nêu rõ trong biên bản họp.
Trước sự cố của cầu, Ban giao thông đã đưa ra bốn phương án giải quyết. Thứ nhất, cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông trong khu vực cầu Nguyễn Hữu Cảnh và bảo vệ kết cấu công trình.
Thứ hai, đã triển khai và duy trì công tác tuần tra, quan trắc theo dõi tình trạng công trình nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến biến dạng, chuyển vị kết cấu công trình.
Thứ ba, cơ quan chức năng đang tập trung, khẩn trương tiến hành công tác khảo sát, đánh giá, kiểm định, xây dựng phương án khắc phục tình trạng các bó cáp dự ứng lực bị đứt nêu trên. Từ đó đảm bảo khả năng chịu lực, kết cấu, công năng sử dụng, tuổi thọ... công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Đồng thời duy tu, bảo dưỡng, khai thác, vận hành an toàn, hiệu quả công trình trong thời gian tới.
Thứ tư, tiếp tục làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến việc các bó cáp dự ứng lực bị đứt và xử lý theo quy định.
Giải pháp xử lý sự cố cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh
Cáp dự ứng lực ngầm bị đứt. Ảnh: CTV |
Ngày 28-9, Sở GTVT TP.HCM đã có cuộc họp về báo cáo và giải pháp xử lý sự cố đứt cáp ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Cuộc họp do ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, chủ trì. Đại diện Sở GTVT TP cho biết đây là cuộc họp nội bộ nên chưa thể công khai thông tin.
Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), có tổng chiều dài 618,29 m; bề rộng toàn cầu 12,7 m. Cầu được xây dựng vào năm 2001. Trụ cầu nhịp chính dài 55,5 m dạng chân xiên bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đặt trên hệ cọc khoan nhồi. Trụ cầu nhịp dẫn bằng bê tông cốt thép đặt trên hệ cọc khoan nhồi.