Dùng thủ đoạn "ve sầu thoát xác" để thuê nhà
Liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao do Nguyễn Hoàng Thạch cầm đầu, vừa bị Công an TPHCM triệt phá (Chuyên đề Công an TPHCM đã thông tin trên số báo trước), trước đó, Công an TPHCM và Công an một số quận, huyện, TP.Thủ Đức nhận trình báo của nhiều người dân về việc bị kẻ gian giả nhân viên ngân hàng TPBank, lừa chiếm đoạt tiền phí bảo hiểm gói vay. Đáng nói, trong hai tháng 8 và 9-2022, số nạn nhân tăng lên tới hàng trăm người, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Ban Giám đốc Công an TPHCM chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an các quận, huyện, TP.Thủ Đức truy bắt thủ phạm gây án.
Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM và Công an Q.Tân Phú phát hiện tại căn nhà số 48 Trần Quang Quá (P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú) mỗi ngày có rất đông người đến và về, giống như một doanh nghiệp. Căn nhà này do Trần Kiều Quốc Dũng (SN 1998, ngụ TP.Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) thuê.
Kết quả xác minh, trinh sát phát hiện Nguyễn Hoàng Thạch đã lấy thẻ CCCD của Dũng để thuê nhà. Thạch có căn nhà riêng ở Hương lộ 2 (Q.Bình Tân) và thuê thêm căn nhà 3 tầng trong hẻm gần đó để làm kho chứa hàng hóa. Mỗi ngày, Thạch đi cùng vài người về căn nhà trên bằng ôtô, đem bao tải chứa các gói hàng hóa vào trong. Sau đó, nhóm Thạch vội khóa cửa kho rồi lên xe rời đi.
Cơ quan điều tra xác định, đây là đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến 13 giờ 30 ngày 26-9, Công an Q.Tân Phú phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM ập vào kiểm tra nhà số 48 Trần Quang Quá, phát hiện tại đây có 82 đối tượng đang làm việc trên nhiều máy móc, thiết bị viễn thông. Qua khai thác nhanh, nhóm này khai đã mạo danh nhân viên ngân hàng để gọi điện cho người dân, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng bắt giữ nhiều tang vật, gồm: Điện thoại bàn, tai nghe, máy vi tính, máy in, giấy ghi chép thông tin nạn nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ), danh sách các nạn nhân đã nộp tiền... Từ lời khai của các nhân viên, cơ quan công an bắt giữ Thạch và 3 đồng phạm thân cận là Hoàng Anh Tuấn (SN 1995, ngụ Bình Thuận), Nguyễn Minh Trung (SN 2002, ngụ Tây Ninh), Trần Văn Tuấn (SN 1999, ngụ Thái Nguyên; tất cả cùng tạm trú TPHCM).
Trong tối 26 và ngày 27-9, Công an TPHCM tiến hành khám xét nhiều địa điểm ở hai quận Tân Phú và Tân Bình. Căn nhà nhiều tầng ở số 48 Trần Quang Quá là cơ sở chính của Thạch. Tại các tầng, lực lượng công an lấy lời khai từng đối tượng là nhân viên (độ tuổi từ 18 đến 40, có cả nam lẫn nữ) của Thạch để làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng người.
Kịch bản tinh vi, xảo quyệt
Tại trụ sở công an, bước đầu, Thạch đã thừa nhận hành vi phạm tội. Đối tượng khai nhận thấy nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn sau đại dịch Covid-19 nên có nhu cầu vay tiền, đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của họ. Thạch cùng Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Minh Trung và Trần Văn Tuấn lập ra đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thạch mượn thẻ CCCD của Dũng để thuê 2 căn nhà ở Q.Tân Phú, Q.Tân Bình để nhân viên làm việc và làm kho chứa hàng hóa.
Nhóm đối tượng đăng tin trên mạng xã hội để tìm kiếm nhân viên, với mức lương từ 8 - 10 triệu đồng/tháng, chưa kể hoa hồng; mua lại danh sách thông tin của nhiều cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ...). Tại căn nhà ở đường Trần Quang Quá, Thạch cùng các thành viên chủ chốt thiết kế 3 tầng riêng biệt, mỗi tầng là mỗi bộ phận khác nhau, hết sức kín kẽ.
Thạch yêu cầu nhân viên không được tiết lộ thông tin công việc cho gia đình, bạn bè biết. Các nhân viên làm việc có bàn, điện thoại bàn, tai nghe, máy tính riêng. Mỗi ngày, Thạch cùng các thành viên chủ chốt cung cấp cho nhân viên danh sách người dân để gọi điện. Nhóm Thạch yêu cầu các nhân viên mạo danh là nhân viên của Ngân hàng TPBank, lên "kịch bản" soạn sẵn rồi hướng dẫn cách liên lạc, tư vấn, dụ dỗ nạn nhân vay tiền.
Nhân viên P.Q.T (SN 2000, ngụ Gia Lai) khai mới vào làm việc tại "công ty" của Thạch được vài tuần. Từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày, T. phải gọi cho ít nhất là 50 khách để tư vấn. Do mới vào nên T. phải dán tờ giấy được "sếp Thạch" giao cho để thực hiện cho đúng các bước theo "kịch bản". Trong số các nạn nhân T. gọi tư vấn mỗi ngày thì có 2 người sập bẫy lừa.
Sau khi dụ dỗ người dân đồng ý vay vốn, nhưng phải đóng phí bảo hiểm cho gói vay, nhóm đối tượng sẽ lấy thông tin cá nhân của họ rồi chuyển lại cho Thạch để làm giả hồ sơ ngân hàng đồng ý cho vay vốn. Sau đó, nhóm Thạch thuê dịch vụ chuyển phát nhanh tại Bưu cục Minh Phụng (P5Q6) để giao hợp đồng giả kèm thẻ Ngân hàng TPBank giả cho khách, đồng thời thu hộ phí bảo hiểm gói vay. Khách hàng nhận hồ sơ giả thì tin tưởng, trả phí bảo hiểm gói vay bằng tiền mặt cho nhân viên bưu điện. Sau đó, Thạch liên hệ bưu điện nhận tiền được thu hộ rồi chiếm đoạt.
Nhiều nạn nhân định… bỏ qua!
Trích xuất dữ liệu điện tử, cơ quan điều tra xác định, có rất nhiều nạn nhân trên địa bàn cả nước, riêng tại TPHCM là khoảng 600 người. Tổng số tiền bị chiếm đoạt do đối tượng khai nhận ban đầu là hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, số các nạn nhân bị lừa đảo thực tế có thể lên tới hàng ngàn người.
Đáng nói, trong quá trình điều tra, lực lượng công an xác định được nhiều người là nạn nhân của nhóm Thạch nên liên hệ làm việc. Tuy nhiên, lãnh đạo Công an Q.Tân Phú cho biết, nhiều nạn nhân nghĩ rằng số tiền 1,7 triệu đồng hoặc gần 3,9 triệu đồng là không lớn, nên không đi trình báo cơ quan chức năng. Thậm chí, có người còn không phối hợp cung cấp thêm thông tin cho công an.
Theo lời khai của Thạch và đồng bọn, nạn nhân của đường dây lừa đảo này là người dân ở nhiều, tỉnh thành trong cả nước. Thạch còn treo thưởng hoa hồng với nhân viên khi lừa đảo được khách là từ 100 - 130 ngàn đồng/đơn hàng.
Đặc biệt, khi nạn nhân đồng ý vay vốn, nhóm đối tượng in thẻ ATM giả, hợp đồng cho vay vốn giả, rồi thông báo tiền vay đã được nạp vào thẻ này. Nhiều trường hợp, Thạch chuyển hộp chứa thẻ ATM qua đường bưu điện còn kèm theo quà tặng khuyến mãi như: ví, kính mát... Thế nhưng khi khách mang thẻ ATM đến trụ ATM của ngân hàng kích hoạt để đổi mã Pin thì mới biết mình bị lừa.
Công an TPHCM kêu gọi các nạn nhân của đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao do Thạch cầm đầu, mạnh dạn liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để cung cấp thông tin liên quan, nhằm phục vụ công tác điều tra.
Mặt khác, người dân nào có nhu cầu vay vốn ngân hàng thì cần cẩn trọng, tìm hiểu thật kỹ thông tin liên quan, trực tiếp đến trụ sở hoặc chi nhánh ngân hàng và chỉ nên tiếp cận với các giao dịch tín dụng, vay vốn ngân hàng hợp pháp để tránh sập bẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao.
Lời khai của một số đối tượng trong tổ chức lừa đảo
Đại tá Lại Phước Xuân, Trưởng Công an Q.Tân Phú đã lấy lời khai các nhân viên trong đường dây lừa đảo công nghệ cao do Thạch cầm đầu. Các đối tượng đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có trình độ học vấn và nhận thức còn hạn chế. Sau khi bị Thạch cùng các cộng sự giăng ra viễn cảnh màu hồng, chúng dễ dàng chiêu nạp được lượng lớn nhân sự về cộng tác cùng mình.
Trung bình mỗi tháng các "chuyên viên" được Thạch trả từ 5 đến 7 triệu đồng tùy vị trí. Với những "sale" (người làm nhiệm vụ chào hàng trực tiếp) liên tục chốt được nhiều đơn hàng, số tiền thưởng cũng được chi trả thêm. Bằng sự phân tầng, phân cấp một cách chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa nhân viên ở các tầng lầu với nhau nên gần như chính những "chuyên viên" tư vấn này cũng không biết chính mình đang đi lừa đảo.
Ngay trong đêm 27-9, sau khi các đối tượng chủ chốt trong đường dây này khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, Cơ quan CSĐT CAQ Tân Phú khẩn trương thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp tại 2 địa chỉ nơi Thạch đang cư trú ở Q.Bình Tân; thu giữ nhiều vật phẩm, tang vật chứng minh cho hoạt động lừa đảo của các đối tượng.
Đại tá Lại Phước Xuân, Trưởng CAQ Tân Phú cho biết, mỗi ngày Thạch cung cấp cho các đối tượng một bảng danh sách thông tin cá nhân của nhiều người dân sinh sống trên địa bàn toàn quốc (họ tên, số điện thoại, địa chỉ) và kịch bản được soạn sẵn để tư vấn. Nhân viên này sẽ căn cứ theo bảng danh sách, sử dụng điện thoại bàn gọi điện để chiêu dụ nạn nhân.
Chúng mạo danh nhân viên Ngân hàng TP Bank đưa ra thông tin gian dối về việc ngân hàng cho vay các khoản từ 20 - 100 triệu đồng với lãi suất 0%, khách hàng chỉ phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ một đến 4 triệu đồng. Gật đầu đồng ý, nhân viên sẽ lấy thông tin nạn nhân rồi chuyển lại cho kẻ chủ mưu làm giả hồ sơ.
Ngoài ra, chúng sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh tại Bưu cục Minh Phụng (Q6) để giao hợp đồng giả kèm theo một thẻ Ngân hàng TP bank giả và yêu cầu bưu cục thu hộ các khoản phí bảo hiểm tiền vay nói trên qua dịch vụ "giao hàng thu tiền hộ". Khi nạn nhân trả một khoản tiền thù lao, Thạch liên hệ với Bưu cục để chiếm đoạt.
Tại Cơ quan CSĐT CAQ Tân Phú, lực lượng chức năng xác định, nhóm đối tượng trên đều do Thạch thuê và trả công. Số này có 70 "chuyên viên" được phân công nhiệm vụ liên lạc tư vấn, dẫn dụ khách; 12 "chuyên viên" làm nhiệm vụ tổng hợp số liệu nạn nhân, kiểm tra việc khách thanh toán phí bảo hiểm qua bưu điện.
Thu giữ thông tin tài liệu tại tầng 3 tòa nhà 48 Trần Quang Quá, Công an xác định có rất nhiều bị hại trên địa bàn cả nước, riêng số lượng bị hại trên địa bàn TPHCM (khoảng 600 người). Tổng số tiền bị chiếm đoạt ban đầu do đối tượng khai nhận hơn 1 tỷ đồng.
Huỳnh Kim B. là nhân viên tư vấn của đường dây lừa đảo do Thạch cầm đầu, làm việc tại đây gần 2 tháng. Dù được giao nhiệm vụ trực tiếp đưa ra những lời chiêu dụ cho nạn nhân về những khoản vay không có thật, nhưng B. vẫn chưa qua 18 tuổi. Sau một tháng làm việc, chân tướng về một đường dây lừa đảo tinh vi dần được B. mường tượng ra. Thông qua việc được kết nạp vào một nhóm chat kín trên MXH Zalo, B. tá hỏa phát hiện mình đang tiếp tay cho các đối tượng xấu.
Để "trói chân" được nhân viên phải làm việc cho mình, ngoài việc Thạch đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn về lương, thưởng thì đối tượng còn sử dụng cả những lời đe dọa. Với việc thành công nắm giữ được thông tin cá nhân, đặc biệt là theo dõi được tài khoản MXH chính chủ, Thạch sẽ nắm bắt sát sao hành tung của nhân viên. Chỉ cần phát hiện bất kỳ động thái lạ nào từ "thuộc cấp", lập tức những lời đe dọa sẽ được đưa ra.
Giang Hoàng K.D (21 tuổi, ngụ Q6) cho biết, nhiệm vụ chính của mình tại đường dây lừa đảo là nhập liệu thông tin các nạn nhân sau khi bị vướng vào chiếc bẫy lừa. Sau gần 20 ngày làm việc, D. phát hiện công ty này thực tế là một đường dây lừa đảo. Lấy lý do gia đình có tang, D. tìm cách thoái lui nhưng bất thành. Thạch vừa trực tiếp và gián tiếp đưa ra những lời đe dọa hết sức thâm độc dành cho nhân viên của mình nhằm dằn mặt.
Sự việc tương tự cũng xảy ra với Hoàng Gia B. (23 tuổi, ngụ Bình Thuận). B. khai được Thạch giao nhiệm vụ ngồi trực điện thoại, trả lời các câu hỏi của khách hàng liên hệ. Sau khi làm việc được gần một tháng, B. phát hiện mình đang làm việc cho một công ty lừa đảo nên đề cập việc rút lui. Tuy nhiên, khi yêu cầu Thạch phải chi trả tiền lương cho mình thì chàng trai 23 tuổi lại nhận về những lời đe dọa.
ĐỨC NAM