Hóa ra, không chỉ ở phổ thông, mà nay, lạm thu "cắm" sâu ở trường đại học.
Chục khoản phí bắt buộc, như, lệ phí nhập học, lệ phí thư viện chính quy, giáo trình tài liệu số, kiểm tra tiếng Anh đầu vào, kiểm tra tin học…
Cùng với đó, còn phí tự chọn với các khoản tên gọi… rất "đại học".
Gia đình có con em là tân sinh viên "rát" mặt với học phí và lệ phí. Tôi liên tưởng đến, thu vậy khác chi một loại "thuế sinh viên" do các trường đại học đặt ra để tăng khoản thu cho trường (ngoài khoản thu được cấp từ ngân sách đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập).
Trong bối cảnh kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19, nhiều gia đình cầm cự qua được cuộc sống hằng ngày đã là một cố gắng lớn. Nay con đi học đại học, những khoản thu từ vài trăm ngàn đến vài triệu, gộp lại (cả học phí) lên đến vài chục triệu, họ lo "tiền trường" bằng cách nào đây!?
Khám sức khỏe, trường đại học nào cũng có phòng y tế, sao không yêu cầu bộ phận này, theo số lượng sinh viên xét tuyển vào trường, lên lịch khám sức khỏe? Số lượng đông, có thể phối hợp với các trạm y tế, trung tâm y tế quận (huyện).
Tất nhiên phải chi trả cho các đơn vị ấy, nhưng tính toán để "thu bù chi". Nếu làm thế, phí khám sức khỏe cho sinh viên có vượt quá 100.000 đồng?
Kiểm tra tiếng Anh, kiểm tra tin học là nội dung thuộc chương trình đào tạo, là trách nhiệm của giảng viên, của khoa nhằm nắm tình hình học tập (bộ môn) của tân sinh viên để từ đó có kế hoạch giảng dạy phù hợp.
Sinh viên đã đóng học phí, tức là, các em được cung cấp dịch vụ (kiểm tra đầu vào), nay đặt ra khoản thu bắt buộc, khác nào phí chồng phí? Có không "đánh tráo" khái niệm để tận thu?
Giáo trình tài liệu số, trước hết, giảng viên phải soạn, soạn chất lượng để dạy tốt, đó là trách nhiệm. Sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM lẽ ra được tiếp cận nguồn học liệu này vì đã đóng học phí, sao lại thu đến 800.000 đồng (giáo trình tài liệu số do Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM biên soạn)?
Nếu phải mua giáo trình, nhóm sinh viên mua một giáo trình tài liệu số để giảm chi phí, vừa tăng cường học tập, trao đổi qua nhóm - tại sao trường không làm? Chuyển đổi số mà vẫn 1 giáo trình - 1 sinh viên, có đúng không?
Lệ phí thư viện đại học chính quy cả khóa học (4 năm), Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM bắt buộc thu 690.000 đồng. Thư viện để phục vụ sinh viên học tập, nghiên cứu - đó là dịch vụ sinh viên được cung cấp, có quyền đòi hỏi.
Lạ hơn, sao lệ phí thư viện thu những… 4 năm? Nếu có thu, để thư viện phục vụ tốt hơn cho bạn đọc (sinh viên) thì học năm nào, thu năm đó chứ!
Gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến, wifi học tập, cơ sở nào mà bắt buộc thu mỗi tân sinh viên 500.000 đồng? Phương tiện này lẽ ra sinh viên được hưởng khi theo học tại trường đại học, đó là quyền lợi mà người học - do đã đóng học phí - được thụ hưởng?
Mà, lạ chưa, nếu sinh viên dùng mạng 4G, 5G thì sao bắt buộc các em mua "wifi học tập"? Trường đại học công lập thu vậy, coi sao được đây!
Giải thích của ông Nguyễn Anh Vũ - trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM - liên quan đến những khoản phụ phí - là để "bù đắp kinh phí đầu tư", cá nhân tôi cho rằng, hết sức lập lờ. Chẳng hạn, theo ông Vũ, sinh viên chỉ trả phí mua học liệu số khoảng 19.000 đồng/môn học.
Nếu tính đến số lượng sinh viên nhập học một năm, rồi những năm đã qua, những năm tiếp sau - sẽ thấy, "bán" học liệu bắt buộc cho sinh viên, trường thu về lợi nhuận "khủng". Trong khi đó, giáo trình (dù cứng, hay mềm), sinh viên phải được cung cấp đầy đủ, kịp thời, tại thư viện, thư viện điện tử, không phải bắt buộc mua, trường ĐH có làm không?
Có trường đại học thu tiền nước uống của sinh viên là 100.000 đồng! Và, còn nhiều khoản lệ phí khác, nhìn vào mục nào cũng thu từ cao đến cao ngất!
Khi Chính phủ quyết không tăng học phí năm học này, các trường đại học có khó, nhưng biện pháp tháo gỡ phải là, chắt chiu từng khoản chi, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, để một chủ trương nhân văn được phủ kín, đồng bộ đến sinh viên.
Đồng hành với gia đình sinh viên, tạo sự tin tưởng, an tâm khi con em họ nhập trường, bắt đầu một giai đoạn học tập mới (sau tốt nghiệp THPT). Đằng này, từ lạm thu đến lạm thu, dồn phụ huynh khốn khó vào thế cùng cực!
Tự chủ gắn với trách nhiệm, sự thấu hiểu với người học, lấy sinh viên làm trung tâm - nội dung cốt lõi mà trường đại học cần chí công, vô tư thực hiện. Ở góc độ kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ sự cần thiết của lệ phí (bắt buộc, tự chọn) với tân sinh viên.
Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh/thành phố, các đại học cần yêu cầu các trường đại học có hợp đồng đào tạo giữa nhà trường và sinh viên với những điều khoản tường minh đảm bảo lợi ích chính đáng cho cả hai bên. Công khai, minh bạch nội dung đào tạo, trách nhiệm, quyền lợi…, thông qua hợp đồng, mới mong xóa tệ lạm thu ở các trường đại học.
Khi "vòi" lạm thu dài đến… giảng đường, hệ lụy khôn lường, các trường đại học có hay?
Trường tiểu học Hải Trạch (Hải Phú, Bố Trạch, Quảng Bình) đã phải trả lại nhiều khoản tiền trước đó lạm thu cho phụ huynh sau khi bị tố.