Giải ngân vốn đầu tư chậm
Theo đó, năm 2023, kế hoạch đầu tư công tập trung được HĐND tỉnh Nghệ An giao là 5.583,8 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 1.550,828 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch đầu tư công tập trung năm 2023 phải thực hiện là 7.134,628 tỷ đồng. Nhưng tính đến ngày 10/8, tổng vốn đầu tư công tập trung đã giải ngân được 2.438 tỷ đồng, đạt 34,18% KH. Trong đó, kế hoạch 2023 giải ngân đạt 36,02%, cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ 33,37%); Nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 kéo dài sang 2023 mới đạt 27,54%.
Đã có 24 đơn vị giải ngân trên 50% kế hoạch; có 35/70 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 34,18%), trong đó có 13 đơn vị chưa thực hiện giải ngân. Một số đơn vị giải ngân thấp, có số vốn lớn như: Tương Dương (5,31%), Quế Phong (7,67%), Kỳ Sơn (19,08%), TX Hoàng Mai (22,58%), Quỳ Châu (26,5%)...; Khối ngành: Sở Y tế (0%); Sở Du lịch (3,37%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (1,9%), Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (3,24%)...
Tính theo số dự án (chưa bao gồm Chương trình MTQG): Có 87/160 dự án giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh, trong đó có 45 dự án chưa giải ngân đồng nào. Một số đơn vị có nhiều dự án giải ngân chậm như: TX Hoàng Mai (5 dự án), Yên Thành (5 dự án), Sở Văn hóa và Thể thao (4 dự án)…
Một số cơ quan, đơn vị có số vốn còn lại chưa giải ngân lớn, nhiều dự án giải ngân thấp cần tập trung chỉ đạo: Tương Dương (còn 388 tỷ đồng), Kỳ Sơn (còn 350 tỷ đồng), Quế Phong (còn 237 tỷ đồng), Con Cuông (còn 202 tỷ đồng), Quỳ Châu (còn 183 tỷ đồng)...; Khối ngành: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (còn 489 tỷ đồng), Sở NN&PTNT (còn 215 tỷ đồng), Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam (còn 198 tỷ đồng), Sở Giao thông vận tải (mặc dù tỷ lệ giải ngân tốt, nhưng do KH vốn lớn và mới bổ sung nên còn 391 tỷ đồng. Đối với các dự án trọng điểm liên vùng đang tập trung triển khai thực hiện. Đối với 5 dự án/số vốn 748 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi, hiện mới giải ngân đạt 13,76%...
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân. Cụ thể, nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An chậm do giá cả nguyên, nhiên, vật liệu biến động; công tác giao kế hoạch một số nguồn vốn vẫn còn chậm (như nguồn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội); quy trình thủ tục thực hiện các dự án ODA phức tạp hơn so với dự án trong nước; tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn Chương trình Mục tiêu Quốc chưa đồng bộ, kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn... Bên cạnh đó, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn hạn chế, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán ngay sau khi có khối lượng. Năng lực chuyên môn của một số Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn… chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, công tác khảo sát, thiết kế một số dự án chưa tốt, chưa kỹ, một số dự án kéo dài quá lâu dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh thiết kế dự toán mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương còn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng…
Chạy “nước rút” những tháng cuối năm
Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, nguồn vốn đầu tư công, vốn 3 Chương trình MTQG có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu của người dân… Vì vậy, việc giải ngân các nguồn vốn này là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của các cấp chính quyền với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chính quyền phối hợp với cấp ủy các địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời các địa phương, sở, ngành phải tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn.
Ngày 30/8, ông Nguyễn Đức Trung đã ký ban hành Công điện số 24/CĐ-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. Theo đó, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình MTQG; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, dự án có tác động lan tỏa,...; xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư.
Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung hoàn thiện hồ sơ thủ tục các dự án; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công để giải ngân vốn; có chế tài xử lý theo quy định pháp luật các Ban quản lý dự án, các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.
Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023 của tập thể, cá nhân,…
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả tỉnh 10 ngày/lần phải gửi báo cáo giải ngân và giải quyết vướng mắc gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Ngoài ra, công văn cũng phân công rõ nhiệm vụ của từ sở, ban, ngành, …trong việc đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công cho những tháng “nước rút” cuối năm.
Hà Hằng - Minh Tâm