Với không ít bạn trẻ, đây là lần đầu tiên họ được đặt chân lên quê hương Việt Nam của mình.
Hành trình 16 ngày đi dọc 10 tỉnh thành của đất nước, thăm các danh lam, di tích và lắng nghe nhiều câu chuyện lịch sử dân tộc đã làm sâu sắc hơn sợi dây kết nối giữa những bạn trẻ này với quê hương Việt Nam.
Trại hè Việt Nam 2023 là sự kiện thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) chủ trì tổ chức. Năm nay là lần thứ 18 sự kiện này diễn ra.
Dang tay chào đón yêu thương đồng bào
Dù cho xuôi ngược phương nào
Việt Nam hai tiếng tự hào nơi đây"
Hành trình nhiều cảm xúc
Với Nguyễn Hữu Hưng Thịnh, (17 tuổi, kiều bào tại Bulgaria), đây là lần đầu tiên bạn được về Việt Nam thăm gia đình và cũng là lần đầu về với quê hương Hà Tĩnh anh hùng. Bố của Hưng Thịnh sinh ra trong một hầm trú ẩn giữa thời chiến, vì vậy khi đến ngã ba Đồng Lộc, Thịnh không giấu nổi niềm xúc động và chắp bút viết lên những vần thơ:
"Đồng Lộc huyền thoại ngã ba
Cũng là quê nội, thiết tha bồi hồi
Chuông ngân hương tỏa núi đồi
Mười cô huyền thoại, muôn đời ghi danh…"
Bài thơ Dặm dài đất nước được cậu thiếu niên sáng tác ngay trên xe và đoạt giải nhì tại cuộc thi Tài năng trẻ tiếng Việt trong khuôn khổ Trại hè Việt Nam 2023. Thịnh quyết định sáng tác thơ để dự thi vì gia đình cậu có truyền thống làm nghề giáo cũng như có bà và bố mẹ đều rất yêu những vần thơ Việt Nam. Thông qua bài thơ này, Thịnh muốn thể hiện tình yêu với quê hương và sự tri ân lịch sử anh hùng của dân tộc ta.
"Trại hè đã dạy cho em rất nhiều thứ, nhất là tình đoàn kết và quan trọng hơn là tình yêu với Tổ quốc", Hưng Thịnh nói.
Say mê âm nhạc, bạn Nguyễn Vũ Hảo đã tự học đàn bầu thông qua video hướng dẫn trên Internet suốt hai năm qua.
Rời Việt Nam đến Úc từ khi mới chỉ là cậu bé lên 5, Vũ Hảo nay đã là một thanh niên 25 tuổi, ôm cây đàn bầu trở về quê hương như sự tri ân với mảnh đất nơi cậu đã sinh ra: "Với tôi, đàn bầu nói lên tất cả những điều thuộc về dân tộc Việt Nam, từ sức mạnh vượt qua đau thương cho đến sự kiên trì của con người Việt Nam để đưa đất nước phát triển như hiện tại".
Cậu Việt kiều khoác lên bộ trang phục người lính, biểu diễn đọc thơ và đánh đàn bầu ca khúc Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.
"Khi nghe bài hát này, tôi liên tưởng đến một người lính đang phải xa nhà để bảo vệ quê hương và sự tự do, độc lập của Tổ quốc" - Hảo chia sẻ. Màn trình diễn đầy cảm xúc ấy đã đem về cho kiều bào trẻ tại Úc này ngôi vị quán quân trong cuộc thi Tài năng trẻ tiếng Việt.
Cộng đồng người Việt ở năm châu vốn nổi tiếng vì sự gắn bó thân tình. Tinh thần ấy cũng chẳng hề mất đi dù mỗi bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở những nền văn hóa khác biệt, ngay từ lần đầu gặp gỡ, dòng máu Việt Nam chảy trôi trong mỗi người đã giúp những bạn trẻ này gắn kết.
Những tiếng cười rộn ràng cả một khoảng trời khi các bạn trẻ cùng nghe hát xoan ở Phú Thọ, cùng nhau nhảy sạp, đi cà kheo, chơi trò chơi dân gian ở Thanh Hóa hay khoác lên cổ phục Việt Nam để "check-in" cố đô Huế.
Những giọt nước mắt cũng đã rơi trong giờ phút chia tay ở TP Đà Nẵng, kiều bào trẻ không quên lời hẹn hãy giữ liên lạc và nhất định gặp lại nhau.
Cũng có những khoảng lặng đầy cảm xúc khi hành trình Trại hè Việt Nam đưa kiều bào trẻ dừng chân ở tỉnh Quảng Trị, đến Nghĩa trang Trường Sơn, thăm thành cổ Quảng Trị, ghé qua các "địa chỉ đỏ" và thả đèn hoa đăng trên sông Thạch Hãn để hiểu hơn về sự hy sinh xương máu của cha ông vì độc lập và hòa bình của Tổ quốc.
Chương trình năm nay cũng quyên góp được gần 200 triệu đồng để tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ, tiếp sức cho các bạn nhỏ ở Làng trẻ em SOS Thanh Hóa và những hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Bình.
Mùa hè năm 2023 đã trở thành một ký ức đẹp với bạn Thục Anh, 16 tuổi, kiều bào Việt Nam trở về từ Kazakhstan.
"Chúng em cùng nhau ăn uống, chèo thuyền, khám phá cảnh đẹp và đốt lửa trại. Đó là cơ hội giao lưu chỉ có một lần trong đời", Thục Anh nhớ lại hành trình.
Về Việt Nam để tìm lại nguồn cội
Do điều kiện lịch sử và sự phát triển qua các thế hệ, nhiều kiều bào trẻ đã dần rời xa gốc gác của mình. Mỗi năm, Trại hè Việt Nam đón hơn 100 bạn trẻ về với quê hương nhưng còn hàng triệu kiều bào cũng muốn được trở về và đưa con cháu của họ về lại mảnh đất mà tổ tiên đã sinh ra và lớn lên.
Du lịch về nguồn cội, đi thăm di tích, gặp những nhân chứng lịch sử để họ kể câu chuyện Việt Nam đã trở thành đất nước ngày hôm nay như thế nào sẽ giúp họ tìm lại và thấu hiểu nguồn cội, bản sắc ấy.
Không phải lần đầu tiên trở về Việt Nam, song chỉ khi tham gia Trại hè Việt Nam, Vũ Hảo mới cảm nhận rõ nét sự kết nối với nguồn cội, gốc gác của bản thân.
"Trước đây, tôi thấy bản thân đã có sẵn những kết nối với văn hóa và luôn tự hào mình là người Việt Nam. Nhưng giờ đây tôi thấy tâm hồn, tầm nhìn rộng mở hơn, tôi đã có thêm những động lực mới. Giờ tôi chỉ mong được ở lại và đóng góp cho những chương trình quy tụ kiều bào tại Việt Nam hoặc làm sao để văn hóa Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại Úc", Hảo nói.
"Hãy về Việt Nam đi" - đó là lời nhắn nhủ của Hưng Thịnh dành cho những kiều bào trẻ còn chưa có cơ hội được trở về quê hương.
"Là một người con đất Việt thì phải biết sử Việt, tiếng Việt và quê hương Việt Nam. Với bề dày hàng ngàn năm, Việt Nam không thua kém gì bất cứ quốc gia hùng mạnh nào khác.
Những năm vừa qua, Việt Nam đã lọt top 10 quốc gia có giao thương nhiều nhất với Mỹ, vượt qua Đức - một trong những nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới. Về với Việt Nam sẽ thay đổi cảm nghĩ của các bạn về quê hương của chính mình đấy", Hưng Thịnh chia sẻ đầy tự hào.
Còn Hà Ngọc Khánh Linh (19 tuổi, kiều bào Nga) xúc động vì đã về Việt Nam nhiều lần nhưng mỗi lần trở về đều thấy sự thay đổi và phát triển của quê hương.
Đối với những bạn chưa có cơ hội về nước, Linh rất mong các bạn sẽ dành thời gian để một lần được nhìn ngắm quê hương, thấy hết vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Với kiều bào trẻ, đó là những điều "không bao giờ có thể truyền tải đầy đủ qua những tấm ảnh hay câu chuyện".
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Lanh Doktor-Nguyen (33 tuổi, kiều bào Hungary) cho rằng cần hơn nữa những tiếp cận, truyền thông làm sao để khơi dậy tình cảm đầy tự nhiên của các bạn trẻ, giúp họ cảm thấy trở về quê hương là một món quà chứ không chỉ là mong muốn của riêng cha mẹ.
"Là phụ huynh, tôi rất mong các cháu được về Việt Nam và cũng không tiếc tiền để các con có dịp học hỏi văn hóa dân tộc, chỉ cần đảm bảo xây dựng chương trình uy tín, có người đáng tin cậy giới thiệu".
Kiều bào trẻ - những đại sứ du lịch
Thế hệ trẻ là tương lai, vóc dáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong khi du lịch là môi trường hòa bình, yên lành giúp các bạn cảm nhận hồn quê hương đất nước. Bởi vậy, khi tổng kết về Trại hè Việt Nam 2023, ông Đinh Hoàng Linh - vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - nhận định: "Không ai làm đại sứ du lịch tốt hơn kiều bào trẻ".
Trại hè Việt Nam 2023 đã khép lại nhưng nó lại gợi mở nhiều ý tưởng để mỗi kiều bào trẻ góp phần quảng bá quê hương. Xuyên suốt hành trình, các bạn trẻ cũng được tìm hiểu khái niệm "du lịch an toàn" tại Việt Nam sau COVID-19, đồng thời hiểu được thông qua du lịch họ có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
"Em muốn quay lại Việt Nam, chụp những danh lam thắng cảnh để giới thiệu vẻ đẹp của đất nước mình", kiều bào trẻ Hưng Thịnh với niềm đam mê nhiếp ảnh hào hứng nói. Cậu tiết lộ từ lâu đã ấp ủ dự định tạo một tài khoản trên mạng xã hội Instagram để đăng tải những bức ảnh phong cảnh Việt Nam do cậu tự chụp.
Ngoài ra, với kinh nghiệm lập trình, việc tạo một trang web để chia sẻ những bức ảnh này cũng nằm trong kế hoạch làm đại sứ du lịch Việt Nam của Hưng Thịnh.
"Em mong việc đóng góp quảng bá du lịch Việt Nam có thể giúp một chút cho đất nước của chúng ta", Thịnh nói với Tuổi Trẻ.
Còn chàng nghệ sĩ Vũ Hảo lại muốn mang tiếng đàn bầu đi khắp nơi để kể câu chuyện về Việt Nam với bạn bè quốc tế: "Tôi muốn trình diễn đàn bầu trên đường phố Úc và trong nhiều hoạt động của cộng đồng người Việt để cả kiều bào lẫn bạn bè nước ngoài đều biết đến âm nhạc truyền thống và văn hóa của Việt Nam" - Vũ Hảo nói.
Hảo cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều chương trình ý nghĩa như thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng, trại trẻ mồ côi để kiều bào thực sự cảm nhận được tình nghĩa quê hương.
Khi được hỏi liệu có muốn trở về để đóng góp thêm cho đất nước, cô bạn Hà Ngọc Khánh Linh (Nga) lập tức trả lời sau này muốn có cơ hội đến ở và góp phần xây dựng Đà Nẵng vì đây là TP đáng sống, có nhiều món ăn ngon và người dân thân thiện.
Là sinh viên năm hai ngành kinh tế đối ngoại, Khánh Linh đang dành nhiều thời gian nghiên cứu về kinh tế, du lịch để tìm ra ý tưởng giới thiệu về du lịch Việt Nam cho cộng đồng người Việt tại Nga.
Cầu nối giữa Việt Nam và thế giới
Phát biểu bế mạc Trại hè Việt Nam 2023 đầu tháng 8 tại Đà Nẵng, bà Lê Thị Thu Hằng - thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - tin rằng từ hành trình ngọt ngào để kết nối với nguồn cội, kiều bào trẻ rồi sẽ trở thành những đại sứ, là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới, tiếp tục gửi đi những thông điệp về một Việt Nam hòa bình, thân thiện, đang ngày càng phát triển và luôn mở rộng vòng tay chào đón bà con kiều bào.
"Tôi tin là các em đã được tận mắt chứng kiến sự thay đổi, phát triển của quê hương đất nước, được tìm hiểu về truyền thống lịch sử của dân tộc, được trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, âm nhạc của nhiều vùng miền Tổ quốc. Đất nước mình đẹp quá phải không các em?
Việc các em ủng hộ trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi, các bạn học sinh nghèo vượt khó cũng thể hiện tinh thần tương thân tương ái, mang đậm chất nhân văn Việt Nam.
Dù sống ở nơi xa và hành trình tương lai có thể không có nhiều cơ hội về với quê hương, tôi tin tưởng các em vẫn sẽ mang theo những giá trị truyền thống đáng quý như thế của dân tộc Việt Nam" - bà Thu Hằng xúc động chia sẻ.
Từ 26 quốc gia trên khắp thế giới, 120 thanh niên là kiều bào Việt Nam đã có mặt tại Hà Nội ngày 20-7 để khởi động sự kiện Trại hè Việt Nam 2023.