Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Nam, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, TP.HCM trong cuộc trò chuyện với PV Thanh Niên về những khát vọng của địa phương và cam kết cụ thể để sát cánh cùng doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế - xã hội.
* Hơn nửa nhiệm kỳ đã đi qua với nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Bình Chánh đã vượt qua như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Nam: Năm 2021, Bình Chánh là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, và khi đó cả hệ thống chính trị cùng người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua. Điều đáng mừng nhất mà chúng tôi cảm nhận được là đến nay kinh tế đã phục hồi tốt sau đại dịch.
Huyện ủy Bình Chánh vừa sơ kết giữa nhiệm kỳ hồi tháng 6.2023 để đánh giá tình hình. Có 17/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Năm 2021, Bình Chánh vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng dành cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Năm 2022, các mặt công tác có nhiều kết quả tích cực, Huyện ủy Bình Chánh được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có thể nói, kết quả này là sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, của từng cán bộ, đảng viên.
Hơn 2 năm thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, huyện đã đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng 410 công trình, từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của huyện, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân.
Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, giải phóng mặt bằng 117 dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia như Vành đai 3, Quốc lộ 50, cụm y tế Tân Kiên, rạch Xóm Củi…
* Quy hoạch được nhắc đến như điểm nghẽn lớn nhất, Bình Chánh đã tháo gỡ những gì?
- Trong đồ án quy hoạch chung của huyện từ năm 2012, cơ cấu đất nông nghiệp chiếm 60%, đất phi nông nghiệp chỉ có 40% (trong đó chỉ 12% là đất ở). Dân số của huyện gia tăng liên tục, bình quân 30.000 - 40.000 người/năm, nhu cầu nhà ở của người dân rất nhiều nhưng quy hoạch chưa theo kịp.
Huyện được thành phố cho thí điểm thực hiện điều chỉnh quy hoạch. Bình Chánh đã tổ chức thành công hội thảo khoa học và cuộc thi ý tưởng quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Chánh đến năm 2040 và đang đề xuất thành phố định hướng lập quy hoạch vùng huyện Bình Chánh.
Khi đồ án được thông qua, đây sẽ là điều kiện để huyện tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là tiền đề thúc đẩy huyện phát triển lên thành phố.
Phấn đấu trở thành 'thành phố trong thành phố'
* Định hướng sắp tới của huyện là gì, thưa ông?
- Bình Chánh có vị trí đặc biệt, nằm ở cửa ngõ tây nam TP.HCM kết nối với 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ. Huyện có nhiều tuyến giao thông kết nối vùng, liên vùng, nội đô với mạng lưới đường sắt, đường bộ, đường sông quy hoạch bài bản. Huyện rộng hơn 25.000 ha (khoảng 10% diện tích toàn TP.HCM), dân số hơn 850.000 người, trong đó phần lớn là dân số trẻ.
Nhiều người nói dân số đông là áp lực, nhưng tôi cho rằng đó là thách thức nhưng cũng là nguồn lực. Do vậy, mình phải làm song song 2 việc; vừa giải quyết khó khăn, bất cập, vừa chăm lo an sinh xã hội, vừa tận dụng nguồn nhân lực để phát triển kinh tế.
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, huyện Bình Chánh đã đạt 26/30 chỉ tiêu của đơn vị hành chính cấp thành phố. Với những điều kiện thuận lợi trên, Bình Chánh phấn đấu hoàn thành những chỉ tiêu còn lại, nhất là chỉ tiêu giao thông để sớm trở thành một đô thị vệ tinh. Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện đặt ra mục tiêu phát triển Bình Chánh trở thành "thành phố trong thành phố" phía tây nam của TP.HCM.
Trong 4 chỉ tiêu chưa đạt, khó nhất là giao thông. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì phải chờ rất lâu mới đạt được. Do vậy, huyện kiến nghị tạo cơ chế thông thoáng để khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông.
Đồng lòng thực hiện tốt nhất chức trách, nhiệm vụ
* Để "se duyên" cùng nhà đầu tư, với cơ chế và nguồn lực đất đai liệu rằng đã đủ?
- Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Chánh đánh giá rất sát, rất sâu về những tiềm năng, lợi thế của huyện mà các địa phương khác không có. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bản thân huyện phải tự nỗ lực, từ người đứng đầu cho đến cán bộ, đảng viên cố gắng thực hiện tốt nhất chức trách, nhiệm vụ của mình.
Phương châm của chúng tôi là "Bình Chánh đổi mới và phát triển". Mỗi cán bộ, đảng viên tự ý thức phải năng động, sáng tạo, trách nhiệm và kỷ cương. Đứng trước khó khăn, thách thức về ngân sách, huyện cũng chủ động thành lập 3 trung tâm phục vụ công tác điều hành, gồm Trung tâm tư vấn và hỗ trợ xúc tiến đầu tư, Trung tâm dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin, và Trung tâm điều hành thông minh.
Huyện cũng chủ động ký kết hợp tác toàn diện với Đại học Quốc gia TP.HCM về đào tạo nguồn nhân lực, mở các lớp đào tạo ngắn hạn, văn bằng 2, thạc sĩ, ngoại ngữ cho cán bộ huyện trên tất cả lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
* Tháng 6.2023, Bình Chánh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Huyện đã thu về những kết quả nào, thưa ông?
- Đây là hội nghị mở màn trong 4 hội nghị xúc tiến đầu tư vào 4 lĩnh vực: giáo dục, du lịch, nông nghiệp và thương mại trong năm 2023 của địa phương. Nó xuất phát từ nhu cầu trường lớp của con em trên địa bàn và tiềm năng về đất đai, dân số của huyện. Mình phải chủ động tự tìm kiếm nhà đầu tư chứ không thể ngồi chờ được.
Điều đáng mừng là hội nghị nhận được sự tham gia đông đảo của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, nhiều tập đoàn giáo dục lớn, trung tâm Anh ngữ. Sau hội nghị, nhiều doanh nghiệp ngỏ ý tìm hiểu 84 khu đất mà huyện kêu gọi để xây dựng trường lớp. Trong quý 3/2023, huyện tiếp tục tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào 3 lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, thương mại.
Mình phải chủ động tự tìm kiếm nhà đầu tư chứ không thể ngồi chờ được
* TP.HCM đặc biệt quan tâm, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, huyện Bình Chánh vận dụng cơ chế này như thế nào để khơi thông các nguồn lực?
- Quán triệt sâu sắc Kết luận số 14-KL/TW năm 2021 của Bộ Chính trị và từ thực tiễn địa phương, chúng tôi đã chủ động xây dựng, đề xuất TP.HCM cho chủ trương đối với 8 đề án mang tính đột phá.
Kết quả bước đầu đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương 3 đề án. Trong đó, 2 đề án đang trong quá trình thực hiện là nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao (nay là Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện) và xã hội hóa 3 khu đất giáo dục trong các dự án chuyển giao cho huyện. Riêng đề án phòng khám đa khoa vệ tinh tại các trạm y tế xã đã thực hiện và đưa vào hoạt động.
Ngoài ra, huyện cũng chủ động mời lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM và các sở ngành về huyện làm việc để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên từng lĩnh vực.
Huyện đã đề xuất TP.HCM tháo gỡ 29 khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, trong đó có những bất cập, chồng chéo về quản lý đầu tư, xây dựng tại khu đô thị mới nam thành phố. Huyện cũng sẽ kiên trì đeo bám, xử lý rốt ráo 323 dự án kéo dài trên 10 năm ảnh hưởng quyền lợi của người dân.
Xin cảm ơn ông!
Giữ màu xanh cho mai sau
Từ hơn chục năm trước, TP.HCM di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoại thành, Bình Chánh là địa bàn tiếp nhận nhiều cơ sở từ Q.6, Q.11, Q.12 chuyển về.
Lúc đầu, những cơ sở này nằm xa khu dân cư. Nhưng khi đô thị hóa mạnh mẽ thì khu dân cư phát triển quanh các cơ sở sản xuất, người dân than phiền nhiều về ô nhiễm môi trường. Cuối năm 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh ban hành Chỉ thị 06 về tăng cường công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường với mục tiêu cao nhất là giữ môi trường luôn trong lành.
Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng TN-MT huyện Bình Chánh cho biết có 185 cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm xen cài trong khu dân cư phát sinh nước thải công nghiệp. Đến nay, huyện đã vận động di dời 24 cơ sở, chuyển đổi ngành nghề 11 cơ sở và cưỡng chế công trình vi phạm, di dời 1 cơ sở.
Với 149 cơ sở còn lại, 135 cơ sở đã thực hiện đầu tư, xây dựng công trình xử lý nước thải. Riêng 4 khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn với 362 cơ sở đang hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động truyền dữ liệu về Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường TP.HCM.
Bên cạnh xử lý các cơ sở ô nhiễm, huyện Bình Chánh cũng tập trung cải thiện cảnh quan môi trường. Các xã, thị trấn tổ chức hàng ngàn lượt tổng vệ sinh môi trường trên 319 tuyến đường, vớt rác, lục bình 90 tuyến kênh rạch trên địa bàn với 73.000 lượt người tham gia.
Nỗ lực này đã xóa 148 điểm đen về rác thải, đồng thời trồng gần 28.000 cây xanh và hoa kiểng các loại, chuyển hóa điểm đen về rác thành vườn hoa, khu vui chơi thiếu nhi.
Điểm đến của những trải nghiệm
Đến với Bình Chánh, du khách thỏa sức tham quan, tìm hiểu các "địa chỉ đỏ" trên vùng đất giàu truyền thống như khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò, khu truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nghe những câu chuyện về nữ dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc...
Du khách cũng có thể check-in ở làng mai Bình Lợi mỗi độ xuân về, tìm hiểu chùa Thanh Tâm (chùa Phật Cô Đơn), Học viện Phật giáo hay làng nghề làm nhang gần 100 năm ở xã Lê Minh Xuân…
Với khoảng 20 tài nguyên có thể khai thác và phục vụ du khách, huyện Bình Chánh xây dựng đề án phát triển du lịch tập trung vào 3 loại hình: du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và du lịch tâm linh tại các xã Tân Nhựt, Bình Lợi và Lê Minh Xuân. Địa phương kỳ vọng đến năm 2025 sẽ ra mắt ít nhất một tour du lịch chính thức, thu hút 200.000 - 300.000 du khách/năm.