Theo bác sĩ Quách Thị Hà Giang - Bệnh viện Da liễu trung ương, đó là câu hỏi mà hầu hết các bệnh nhân ung thư đặt ra khi chuẩn bị hóa trị liệu.
"Rụng tóc là một tác dụng không mong muốn thường gặp đối với bệnh nhân điều trị ung thư toàn thân. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh. Tuy nhiên tóc sẽ hồi phục sau khi kết thúc điều trị, vì vậy bệnh nhân không cần quá lo lắng", bác sĩ Giang cho hay.
Về nguyên nhân hóa trị gây rụng tóc, bác sĩ Giang giải thích tại bất kỳ thời điểm nào cũng sẽ có 80 - 90% nang tóc trên da đầu đang ở trong giai đoạn tăng trưởng. Da đầu được ước tính chứa trung bình 100.000 sợi tóc, trong đó 100 đến 150 sợi tóc bị rụng hằng ngày như một phần của chu kỳ tóc bình thường.
Khi điều trị ung thư, các loại thuốc hóa trị liệu tiêu diệt các tế bào sinh trưởng nhanh, đây là đặc tính điển hình của tế bào ung thư. Vì vậy các thuốc này cũng tác động đến các tế bào bình thường có chu kỳ sinh trưởng nhanh khác như tế bào ở tủy xương, hệ tiêu hóa, nang tóc.
Theo bác sĩ Giang, rụng tóc do hóa trị liệu dễ nhận thấy rõ nhất ở những vùng có mật độ tóc thấp, đặc biệt là vùng đỉnh và trán của da đầu.
Rụng tóc có thể lan tỏa toàn bộ hoặc rụng tóc khu trú từng mảng. Ngoài ra, có thể rụng lông mày và lông mi, lông tay chân, cũng như lông nách và lông mu. Tuy nhiên, tóc ở những khu vực này phục hồi thường nhanh hơn so với tóc trên da đầu.
Thời gian rụng tóc phụ thuộc vào loại thuốc điều trị toàn thân, liều lượng và liệu trình. Đối với hầu hết các phác đồ điều trị, tình trạng rụng tóc thường bắt đầu sau khoảng 2-3 tuần điều trị.
Khả năng gây rụng tóc của các tác nhân hóa trị liệu phụ thuộc vào từng tác nhân cụ thể và đường dùng, liều lượng và phác đồ dùng. Nguy cơ rụng tóc khác nhau giữa các loại thuốc, một số thuốc không hoặc ít gây rụng.
"Rụng tóc do hóa trị thường có thể hồi phục, các nang tóc tiếp tục hoạt động bình thường trong vòng một vài tuần sau khi ngừng điều trị. Tóc mọc lại có thể nhận thấy thấy rõ ràng trong vòng 3-6 tháng.
Tuy nhiên, thông thường tóc mới thường có những đặc điểm khác với tóc ban đầu. Theo các nghiên cứu có khoảng 65% bệnh nhân gặp phải tình trạng tóc bạc, quăn.
Đây có thể là do tác động khác nhau của hóa trị liệu lên tế bào sắc tố nang lông và biểu mô lớp trong, những tác động này thường cải thiện theo thời gian", bác sĩ Giang cho hay.
Bác sĩ Giang cũng cho hay hiện nay chưa có thuốc nào được cơ quan quản lý chấp thuận chỉ định làm giảm rụng tóc trên bệnh nhân ung thư điều trị hóa chất.
TTCT - Có một trận “dịch” khác đang diễn ra song song với đại dịch Covid-19: dịch rụng tóc. Ban đầu có thể chỉ là hơi băn khoăn, nhưng khi mà những mớ tóc cứ rụng mãi, rụng mãi, nhiều người đã trở nên lo lắng, thậm chí hoang mang… Chuyện gì đang xảy ra và chúng ta nên làm gì để tóc mọc lại?