Ngày 6-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, sẽ kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu địa phương.
Dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7
Tham luận phục vụ sự kiện này, Bộ Tài chính cho biết đã triển khai xây dựng các dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT sửa đổi).
Trong đó, với thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ngày 18-7, bộ đã có tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Ngày 28-7, Chính phủ đã ban hành nghị quyết thông qua đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Cũng theo Bộ Tài chính, dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật để gửi Bộ Tư pháp trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đăng ký bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành và các ủy ban của Quốc hội để nghiên cứu xây dựng luật này, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).
Trong tham luận, Bộ Tài chính cũng nêu rõ các khó khăn, vướng mắc như một số nội dung đề xuất tại dự án luật có thể sẽ dẫn đến phản ứng từ các doanh nghiệp và người dân.
Đặc biệt trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn và thực tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã phải ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thực hiện an sinh xã hội.
Ví dụ như nghị quyết của Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1-7 đến hết ngày 31-12-2023.
Bộ đề xuất về phía cơ quan soạn thảo, các nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung tại luật sẽ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và tham vấn ý kiến các chuyên gia, cơ quan, tổ chức trước khi trình các cấp có thẩm quyền.
Về phía các cơ quan phối hợp, đề nghị các bộ ngành, các ủy ban của Quốc hội quan tâm, có ý kiến chỉ đạo, phối hợp tham gia trong quá trình xây dựng luật để Luật Thuế VAT (sửa đổi) đảm bảo có chất lượng và trình Quốc hội thông qua theo đúng tiến độ đã đăng ký.
Đăng ký bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024
Đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính cho hay dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật để trình Chính phủ thông qua.
Trên cơ sở đó trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đăng ký bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành và các ủy ban của Quốc hội để nghiên cứu xây dựng luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025).
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của luật thuế này rộng, ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh.
Dự kiến phải rà soát lại, đánh giá kết quả tổng thể chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất chính sách ưu đãi thuế phù hợp với chủ trương, đường lối, đảm bảo cải thiện môi trường đầu tư, phù hợp với yêu cầu phát triển trong tình hình mới và thông lệ quốc tế.
Do đó, khối lượng công việc sẽ rất nhiều như tổng kết, đánh giá việc thực hiện luật; rà soát, tổng hợp vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện luật.
Rà soát tổng thể các quy định về chính sách thuế này tại các luật chuyên ngành có mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp...
Đối với Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi).
Đồng thời, đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10-2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 5-2026.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quán triệt rõ quan điểm chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.