Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho hay bức thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chứa đựng những nhắn gửi ý nghĩa, sâu sắc.
Mỗi học sinh trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình
Theo bà Nga, điểm đầu tiên trong thư Chủ tịch nước nhắn nhủ học tập là nhiệm vụ quan trọng của cả cuộc đời. Đây là điều rất mới và mang ý nghĩa lớn lao.
Lá thư tuy gửi nhân ngày khai trường nhưng lời nhắn nhủ này không chỉ hướng tới học sinh mà hướng tới tất cả mọi người trong xã hội phải xác định học tập là nhiệm vụ quan trọng suốt đời.
"Trước đây chúng ta hay nói là phấn đấu ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Học hành, đó là quyền lợi.
Còn với thời đại mới hiện nay, bên cạnh quyền lợi học hành thì cần coi học hành là nghĩa vụ, trách nhiệm không những với bản thân, gia đình mà với toàn xã hội, đất nước, dân tộc", bà Nga nói.
Điểm thứ 2, theo bà Nga, trong thư của Chủ tịch nước đã nhấn mạnh đến việc "các em phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình và trở thành một phần đáng tự hào của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu".
Bà Nga chỉ rõ đây cũng là điều rất mới, bởi nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đều nhấn mạnh phải làm sao để mỗi cá nhân học sinh phải phát huy được năng lực, sở trường của mình chứ không phải phát triển một nền giáo dục áp đặt.
"Chủ tịch nước nhấn mạnh điều này là rất quan trọng để nhắc nhở các thầy cô, học trò đừng chạy theo bệnh thành tích. Đừng khoác một bộ "đồng phục" với tất cả học sinh mà mỗi em sẽ có năng lực, sở trường riêng nên cần phát huy tối đa.
Đồng thời, năng lực, sở trường nào cũng đều phải được tôn trọng, đáng quý như nhau. Đây là điều rất mới, sâu sắc từ lá thư của Chủ tịch nước", bà Nga nhấn mạnh.
Điểm thứ ba, bà cho rằng rất tâm đắc khi Chủ tịch nước trong thư luôn nhấn mạnh phẩm chất về nhân cách đạo đức trước khi đề cập đến tài năng.
"Bác Hồ đã nhiều lần nhấn mạnh người có tài mà không có đức là vô dụng, còn có đức mà không tài thì làm việc gì cũng khó. Như vậy, tài với đức phải đi song song.
Nhưng trước khi trở thành những người tài, các em phải phấn đấu thành con người có tình yêu Tổ quốc, đồng bào, sống tử tế... Tất cả những phẩm chất đó cộng với tài năng, trí tuệ các em thu nhận được trong trường học mới trở thành một công dân hoàn hảo", bà Nga bày tỏ.
Nữ đại biểu nhắc lại thực tế thời gian qua có những tin vụ án này, vụ án khác mà hung thủ là người rất trẻ, bạo lực học đường tràn lan hay thất vọng về giáo dục đạo đức cho học sinh...
"Từ đó mới thấy những lời dặn dò của Chủ tịch nước trong việc xây dựng phẩm giá con người là điều rất đáng để suy nghĩ. Đây cũng là định hướng cho ngành giáo dục bên cạnh dạy chữ phải rất chú trọng đến dạy các em thành người", bà Nga nói thêm.
Những lời động viên kịp thời, rất cần thiết
Cô Bùi Thị Nhài (giáo viên dạy ngữ văn tại tỉnh Hưng Yên) nhắc lại trong thư Chủ tịch nước đã bày tỏ mong muốn "các cô giáo, thầy giáo hãy luôn giữ vững niềm đam mê, tâm huyết với nghề, bản lĩnh vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người cao quý".
Theo cô Nhài, trong bối cảnh lương, đời sống giáo viên còn khó khăn, số lượng nghỉ việc thời gian qua theo thống kê khá lớn thì những lời động viên của Chủ tịch nước là rất cần thiết, kịp thời.
"Chủ tịch nước nói rất trúng tâm lý và giúp chúng tôi có thêm niềm tin, động lực. Tôi và các thầy cô đều mong rằng trong năm học mới sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền bằng các quyết sách thực tế, kịp thời, đúng đắn", cô Nhài nói thêm.
Thêm nhiều cơ hội thực hiện khát vọng tuổi trẻ
Chia sẻ sau khi đọc những dòng thư của Chủ tịch nước, Trần Thị Thu Hiền (ngụ huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), thủ khoa đợt xét tốt nghiệp sớm của Trường đại học Ngoại thương năm 2023, nói: "Tôi cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc, tạo điều kiện hết mực của toàn thể quốc gia nói chung đối với sự nghiệp giáo dục. Việc trồng người, phát triển, nuôi dưỡng lớp trẻ không chỉ là câu chuyện của riêng những người làm cha mẹ, những thầy cô trực tiếp giảng dạy mà đó là mối quan tâm của cả đất nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, những người trẻ như chúng tôi cũng ấp ủ khát vọng được bước ra thế giới, trở thành một công dân toàn cầu nhưng vẫn giữ được những nét độc đáo riêng của bản thân, hòa nhập nhưng không hòa tan. Tôi tin rằng, với những định hướng mà Chủ tịch nước đã nêu ra, thì những khát vọng ấy càng có nhiều cơ hội được trở thành hiện thực.
Nhân tài là gốc rễ của sự phát triển đất nước phồn thịnh và bền vững về sau. Cũng vì vậy mà từ xa xưa các đấng thánh đế, minh vương ai cũng lấy việc bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên.
Hiện nay, chúng tôi - lớp thế hệ trẻ đang ở trong kỷ nguyên công nghiệp, công nghệ phát triển mạnh mẽ, khi mà giáo dục được tạo điều kiện hết sức thì nhân tố chủ thể của sự nghiệp giáo dục là chúng tôi phải ngày càng cố gắng, tự trau dồi, rèn luyện toàn diện về đức và tài để đáp ứng được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước ngày một phát triển hơn nữa".
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa có thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024, trong đó nhắn nhủ học sinh hãy luôn xác định học tập là nhiệm vụ quan trọng của cả cuộc đời.