Trong cuộc phỏng vấn dành cho Tuổi Trẻ, Đại sứ Jaya Ratnam điểm lại những kết quả nổi bật từ chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ năm của Thủ tướng Lý Hiển Long trong ba ngày từ 27 đến 29-8.
* Chuyến thăm vừa qua của Thủ tướng Lý Hiển Long đã chứng kiến nhiều kết quả quan trọng. Theo ông, đâu là những kết quả nổi bật nhất?
- Hướng tới đích đến tiếp theo trong quan hệ song phương, Thủ tướng Lý Hiển Long và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, tín dụng carbon và nền kinh tế kỹ thuật số.
Những hợp tác này nằm trong khuôn khổ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh (GDEP) mà hai nhà lãnh đạo đã đưa ra vào tháng 2-2023. Hai thủ tướng cũng chứng kiến việc ký kết một số thỏa thuận và sáng kiến cấp chính phủ không chỉ duy trì mà còn mở rộng phạm vi hợp tác song phương trong khuôn khổ GDEP.
Đáng chú ý, để đảm bảo phối hợp tốt hơn trong việc triển khai GDEP, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã trao đổi công thư nâng cấp Hiệp định khung kết nối Singapore - Việt Nam (CFA). Trong đó xác định các trụ cột hợp tác mới là kết nối năng lượng, phát triển bền vững, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số và đổi mới cũng như tính kết nối giữa hai nước.
Hai thủ tướng cũng nhất trí tổ chức các cuộc gặp cấp thủ tướng hằng năm để thảo luận về chương trình nghị sự song phương và các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Ngoài ra, với sự mở rộng về chất lượng mối quan hệ giữa chúng ta trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí xem xét khả năng nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện trong tương lai.
* Việc xem xét khả năng nâng cấp quan hệ và thiết lập cơ chế gặp thường niên giữa hai thủ tướng rất đáng chú ý. Theo ông, vì sao lại là thời điểm này?
- Cuộc gặp thường niên giữa thủ tướng hai nước là sự thể chế hóa những gì đã diễn ra khi các nhà lãnh đạo chúng ta thường xuyên gặp nhau, không chỉ trong các chuyến thăm song phương mà còn bên lề các hội nghị quốc tế và khu vực lớn.
Cuộc gặp đầu tuần qua thực sự là cuộc gặp thứ năm giữa hai thủ tướng chỉ trong hơn hai năm!
Những cam kết cấp cao và có tính thường xuyên giữa hai nước, sự phong phú về các lĩnh vực mà Singapore và Việt Nam bổ sung cho nhau, cũng như những khó khăn chung của chúng ta trước môi trường khu vực và toàn cầu đầy thách thức đã tạo động lực mạnh mẽ để chúng ta tổ chức cuộc gặp thường niên giữa hai thủ tướng.
Như tôi đã nói, đó là sự chính thức hóa và thể chế hóa các cuộc thảo luận về hợp tác song phương và nhiều vấn đề cùng quan tâm.
Trong khi đó, việc nghiên cứu nâng cấp quan hệ của chúng ta lên Đối tác chiến lược toàn diện là kết quả tự nhiên của sự hợp tác song phương mạnh mẽ mà chúng ta đã có, đặc biệt là trong những năm gần đây. Như Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói, chúng ta sẽ nỗ lực xác định các biện pháp thực chất để khi chúng ta triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, việc nâng cấp mối quan hệ của chúng ta thực sự có ý nghĩa.
* Ông cũng vừa nhắc đến GDEP, việc triển khai sẽ như thế nào sau chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Hiển Long?
- Chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong khoảng thời gian ngắn, thể hiện rõ qua việc ký kết một số quan hệ đối tác trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long. Điều này sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác của cả hai nước trong nền kinh tế xanh, kinh tế số và đổi mới.
Việc ký kết các thỏa thuận, dưới sự chứng kiến của thủ tướng hai nước, minh chứng cam kết của cả Việt Nam và Singapore trong việc xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực mới nổi này.
Như Thủ tướng Lý Hiển Long đã lưu ý, chúng ta đã bắt đầu biến những thỏa thuận trên giấy thành các dự án thực tế. Singapore hoan nghênh việc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phê duyệt giấy phép khảo sát địa điểm điện gió ngoài khơi để phục vụ dự án mua bán điện xuyên biên giới giữa hai nước. Cơ quan thị trường năng lượng Singapore (EMA) cũng đã gửi thư bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ của Singapore cho dự án này.
Chúng ta cũng ký bản ghi nhớ về Chương trình trao đổi tài năng sáng tạo (ITX) để tăng cường mối liên kết đổi mới giữa hai nước. Chương trình sẽ cho phép các chuyên gia Singapore tìm kiếm cơ hội làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới tại Việt Nam và ngược lại.
Điều này sẽ giúp trang bị cho các nhân tài Singapore và Việt Nam những kỹ năng và kinh nghiệm để nắm bắt những cơ hội thú vị trong lĩnh vực đổi mới, đồng thời tạo điều kiện cho việc trao đổi chéo các ý tưởng và cách làm tốt nhất. Hai bên sẽ thành lập một nhóm công tác chung để hỗ trợ thực hiện bản ghi nhớ này.
Tăng cường liên kết hàng không
Theo Đại sứ Jaya Ratnam, một lĩnh vực mà Thủ tướng Lý Hiển Long đề xuất có thể được đưa vào quá trình nghiên cứu là mở rộng kết nối và tăng cường liên kết hàng không giữa hai nước.
Đại sứ Singapore cho biết việc cho phép quyền tự do đi lại hàng không thứ năm giữa Việt Nam, Singapore và một nước thứ ba sẽ tạo cơ hội cho cả hai bên trong các lĩnh vực như hàng không và logistics.
Quyền tự do đi lại hàng không thứ năm cho phép một máy bay xuất phát từ nước A, đến nước B nhận khách và hàng hóa, sau đó trả khách và hàng hóa tại nước C.
Đại biểu, doanh nghiệp Việt Nam và Singapore đã ngồi kín phòng sự kiện tại trụ sở Chính phủ. Khi hai thủ tướng đặt tay lên các quả cầu, dòng chữ VSIP hiện lên, cả khán phòng tràn ngập tiếng vỗ tay, đánh dấu việc Việt Nam có thêm ba khu VSIP.