Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động ngày 5-9, một số ngân hàng (NH) thương mại đã bắt đầu triển khai chính sách cho vay vốn để trả nợ khoản vay tại NH khác sau khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1-9.
Chưa nhiều ngân hàng triển khai
Cụ thể, các NH thương mại như BIDV, Vietcombank… đã thông báo tới khách hàng cá nhân về chính sách cho vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại NH khác. Theo BIDV, khách hàng đang vay vốn sản xuất - kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản bảo đảm là bất động sản (BĐS) tại các NH, có nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn; đồng thời tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể đến các chi nhánh BIDV để vay vốn. "Khách hàng có thể dùng chính tài sản bảo đảm đang thế chấp tại NH khác hoặc tiền gửi, BĐS khác của chính mình hoặc người thân để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại BIDV, đồng thời sử dụng nguồn trả nợ linh hoạt qua tài sản khách hàng sở hữu" - đại diện BIDV thông tin.
BIDV là ngân hàng thứ 2 triển khai cho vay trả nợ ngân hàng khác theo quy định mới của Thông thư 06 .Ảnh: BÌNH AN
Trước đó, Vietcombank là NH đầu tiên công bố chính sách cho vay này. Theo đó, khách hàng có thể vay vốn với thời gian lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại NH đang vay) và số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại NH đang vay. Ở thời điểm hiện tại, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hay 8%/năm trong 2 năm đầu. Vietcombank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Anh Việt Thanh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết anh đang có khoản vay mua nhà tại một NH thương mại với lãi suất 13%/năm, dư nợ hiện tại hơn 1,3 tỉ đồng. Với mức lãi suất này, mỗi tháng số tiền anh phải trả rất lớn so với thu nhập của gia đình. "Tôi có liên hệ với Vietcombank thì được giới thiệu lãi suất cố định 6 tháng là 6,9%/năm, 24 tháng khoảng 8%/năm. Còn thủ tục cụ thể thế nào chưa được giải thích rõ, đặc biệt phí phạt trước hạn tại NH đang có khoản vay có cao hơn phần lãi suất sẽ được giảm?" - anh Việt Thanh thông tin và nói anh đang liên hệ với cán bộ tín dụng để tìm hiểu kỹ trước khi quyết định chuyển khoản vay.
Chị Hoàng Oanh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho hay khoản vay mua nhà với dư nợ hơn 500 triệu đồng của chị đang phải trả lãi suất 11%/năm. "Tôi có liên hệ với BIDV thì được biết lãi suất khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng là từ 6%/năm và 12 tháng trở lên từ 6,8%/năm. Có điều nếu chuyển khoản vay từ các NH thương mại nhà nước sang vẫn phải chịu lãi suất tối thiểu 9,5%/năm" - chị Hoàng Oanh kể.
Đến chiều 5-9, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, một số NH khác cho biết đang xây dựng chính sách cho vay mới và chưa có thông tin cụ thể. Một thành viên lãnh đạo của Techcombank thông tin NH vừa họp để triển khai chính sách này trong thời gian sớm nhất.
Tạo sức ép giảm lãi suất cho vay
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một trưởng phòng giao dịch của Vietcombank tại TP HCM cho hay đã có một số khách hàng cá nhân tìm hiểu thủ tục, lãi suất… để vay vốn trả nợ trước hạn cho khoản vay mua nhà tại NH khác. Các doanh nghiệp (DN) BĐS cũng ngỏ ý vay tiền để góp vốn kinh doanh với các DN khác sau khi các quy định hạn chế cho vay đã dừng hiệu lực thi hành. Theo đó, nếu khách hàng có thêm tài sản thế chấp thì việc chuyển đổi khoản vay từ NH A đến NH B để được hưởng lãi suất thấp sẽ rất đơn giản.
Cũng theo trưởng phòng giao dịch này, khách hàng có thể không cần chuyển khoản vay sang NH khác mà yêu cầu NH B giảm lãi suất cho vay. Khi đó, sức ép giảm lãi suất cho vay sẽ lan tỏa toàn thị trường, thúc đẩy người dân vay tiền mua nhà, góp phần hỗ trợ thị trường BĐS hồi phục. Đây chính là tác dụng cốt lõi của chính sách NH cho vay để trả nợ NH khác được quy định tại Thông tư 06.
Lãnh đạo khối khách hàng cá nhân của NH TMCP Á Châu (ACB) thừa nhận lãi suất cho vay mua nhà tại ACB cao hơn Vietcombank khoảng 3 điểm % nên khách hàng của ACB có thể được các NH có lãi suất thấp hơn mời chào vay vốn để trả nợ trước hạn. "Chúng tôi sẽ bằng mọi cách giữ chân khách hàng. Trường hợp họ kiên quyết vay NH khác để trả nợ thì ACB sẽ tính đến phương án giảm lãi suất nhằm tiếp tục quan hệ tín dụng" - lãnh đạo khối khách hàng cá nhân ACB nói.
Thực tế này cũng được đại diện một số NH chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động. Giám đốc chi nhánh một số NH quy mô vừa và nhỏ hơn đang rất lo ngại việc khách hàng đang vay vốn có thể "chạy" sang NH khác, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm chưa như kỳ vọng. Giám đốc chi nhánh một NH cổ phần ở TP HCM cho hay NH nơi bà làm việc chưa có thông tin cụ thể về việc triển khai chính sách vay vốn trả nợ NH khác nên bà rất sốt ruột khi thấy một số NH quảng cáo chính sách cho vay mới rất hấp dẫn. "NH quy mô vừa và nhỏ vốn đã khó cạnh tranh về lãi suất với NH lớn, nay sẽ càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm khách hàng tốt và giải ngân tín dụng. Bài toán lúc này là phải giảm thêm lãi suất vay để giữ chân khách hàng" - giám đốc chi nhánh NH này băn khoăn.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NH Nhà nước, thông tin tín dụng BĐS hiện chiếm tỉ trọng khoảng 20% so với tổng dư nợ tín dụng nên khi tín dụng BĐS tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng BĐS tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung; trong đó vay mua - xây sửa nhà… chiếm đến 65% dư nợ phân khúc này lại giảm 1,12%. Đây là năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến cầu tín dụng BĐS sụt giảm là do lãi suất tăng nhanh và duy trì mức cao trong thời gian qua. Hiện lãi suất cho vay mua nhà đối với các khoản vay hiện hữu vẫn từ 12%-14%/năm.
Cơ chế cho vay cần thông thoáng hơn
Tổng giám đốc công ty môi giới BĐS quy mô lớn cho biết việc dừng hiệu lực thi hành các quy định hạn chế cho vay tại Thông tư 06 rất thuận lợi cho các chủ đầu tư, nhất là những người đang có nhu cầu thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất để triển khai dự án, góp vốn cổ phần... Nếu chủ đầu tư được hỗ trợ vay vốn thuận lợi để sớm triển khai dự án, DN sẽ có điều kiện hỗ trợ lại cho khách hàng trong việc thanh toán tiền mua sản phẩm. Điều này gián tiếp gia tăng thanh khoản cho thị trường.
Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty BĐS khác nói ông chưa biết làm hồ sơ vay vốn có thuận lợi hay không nhưng với quy định thoáng hơn và việc Chính phủ "bật đèn xanh" tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, công ty sẽ chuẩn bị hồ sơ để vay vốn. Tuy nhiên, quan trọng là lãi suất và cách thức duyệt hồ sơ của các NH ra sao để DN không gặp khó.
S.Nhung
Xem thêm: mth.56672802250903202-cahk-gnah-nagn-on-art-yav-ohc-uad-tab/et-hnik/nv.moc.dln