Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau nằm chờ cát
Theo Bộ GTVT, hiện tại, ĐBSCL có 4 dự án (DA) giao thông trọng điểm đang được ưu tiên triển khai, gồm: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh. 4 DA trên có tổng chiều dài là 355 km, tổng mức đầu tư khoảng 82.871 tỉ đồng, tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3. Chính phủ đã giao 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp mỗi tỉnh cung cấp cho các DA 7 triệu m3; Vĩnh Long 5 triệu m3. Việc cung cấp cát ưu tiên bố trí ngay cho DA cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Tuy nhiên, đến nay, tình hình cung ứng cát cho các DA đang gặp rất nhiều khó khăn.
Khó nhất là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. DA có tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng 18,1 triệu m3; trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3. Thế nhưng, đến nay, DA mới chỉ nhận được từ An Giang 110.000 m3 cát. Đặc biệt từ tháng 7 đến nay, 1 mỏ cát cấp cho cao tốc đã buộc phải thu hồi giấy phép sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm; 1 mỏ cát khác buộc dừng vì liên quan đến doanh nghiệp khai thác cát trái phép đang bị Bộ Công an khởi tố, điều tra.
Tương tự, DA cũng mới tiếp nhận từ tỉnh Đồng Tháp 371.000 m3; còn 1,3 triệu m3 dự kiến cấp từ nguồn tăng công suất của các mỏ đang khai thác vẫn đang trình Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến. Còn tỉnh Vĩnh Long, mới chỉ có văn bản giao cho nhà thầu 1 mỏ với trữ lượng khoảng 750.000 m3 để thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, toàn bộ các DA khu vực ĐBSCL đi qua khu vực địa chất yếu, việc xử lý lún nền đường mất nhiều thời gian. Vì vậy, tiến độ các DA phụ thuộc rất lớn vào tiến độ bàn giao mặt bằng và đặc biệt là nguồn vật liệu cát đắp.
Giải thích về các khó khăn đang gặp phải, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cho biết, đang bối rối với việc giao mỏ cát mới cho nhà thầu khai thác phục vụ cao tốc theo cơ chế đặc thù.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết các nhà thầu hầu hết không có kinh nghiệm, phương tiện, năng lực khai thác nên chủ yếu trông chờ địa phương hỗ trợ giới thiệu các đơn vị khai thác cát chuyên nghiệp. Việc này khiến các địa phương không khỏi rụt rè khi thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã vạch ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý khai thác cát ở An Giang và Đồng Tháp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, lo ngại về cơ chế quản lý nguồn cát cung cấp cho các nhà thầu nếu không có sự phối hợp giám sát chặt chẽ sẽ khó tránh khỏi thất thoát và trách nhiệm khi đó sẽ lại liên đới đến các địa phương. Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng kiến nghị Phó thủ tướng xem xét việc cho cấp phép khai thác kết hợp với tận thu vật liệu từ các dự án nạo vét luồng lạch, các cù lao, cồn cát giữa sông nếu đảm bảo các điều kiện về môi trường…
Không đánh đổi môi trường
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, qua báo cáo từ các địa phương có thể thấy trữ lượng các mỏ không thiếu nhưng các địa phương, nhà thầu đang thiếu sự phối hợp, chưa hiểu cặn kẽ, đầy đủ quy định pháp lý, chưa đủ năng lực đánh giá tác động môi trường (TĐMT) đối với những mỏ lớn để đưa ra phương án khai thác phù hợp, bảo vệ môi trường.
Riêng việc giao các mỏ cho nhà thầu phục vụ cao tốc, Phó thủ tướng nhấn mạnh, các nhà thầu được giao mỏ cát có thể hợp tác với doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm khai thác và chịu trách nhiệm toàn diện đối với việc sử dụng nguồn vật liệu được khai thác đúng mục đích. Phó thủ tướng cũng đề nghị các địa phương và các bộ ngành xem xét phương án sử dụng nguồn vật liệu san lấp từ các DA nạo vét, khơi thông luồng lạch phục vụ cho DA cao tốc trên cơ sở đánh giá TĐMT kỹ càng. Đặc biệt là nhất trí việc lập tổ giám sát liên ngành đối với các mỏ phục vụ DA cao tốc trọng điểm quốc gia không để thất thoát ra bên ngoài…
Phó thủ tướng yêu cầu các Sở TN-MT, Xây dựng, GTVT phải làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho lãnh đạo địa phương khi vận dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép, gia hạn, nâng công suất khai thác mỏ, trong đó có những mỏ đã hết hạn nhưng trữ lượng vẫn còn hoặc quy hoạch mỏ đã hết hạn. Trong tháng 9.2023, các địa phương phải hoàn thành thủ tục, đưa những mỏ mới vào hoạt động cũng như gia hạn, nâng công suất các mỏ hiện có hoặc đã hết hạn nhưng trữ lượng vẫn còn. Cần nhanh chóng giải quyết những vấn đề vướng mắc pháp lý; đồng thời xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá TĐMT tổng thể làm cơ sở cấp phép khai thác mỏ cát ở ĐBSCL hợp lý nhưng cần đảm bảo không đánh đổi môi trường.