Nhiều doanh nghiệp (DN) dù đã được cấp chứng nhận thẩm định và phê duyệt, thiết kế về PCCC nhưng khi áp dụng theo quy định mới thì không đáp ứng được, dẫn đến phải chỉnh sửa hệ thống PCCC, gây tốn kém. Ông B.T.T, giám đốc một DN ở Q.Cẩm Lệ, bức xúc khi quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC cho nhà và công trình liên tục thay đổi, chỉ trong 2 năm có đến 3 văn bản khiến DN rất khó theo kịp, chuyển đổi, gặp nhiều trở ngại trong hoạt động.
Trong lĩnh vực karaoke, với quy định mới về PCCC, hầu hết cơ sở xây dựng trước đây đều không đủ điều kiện. Vướng mắc lớn nhất là thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, trang bị các giải pháp an toàn PCCC… Do đó, 2 năm qua, đa số karaoke trên toàn địa bàn thành phố đã tạm dừng hoạt động. Như cơ sở karaoke của ông H.N.C ở Q.Thanh Khê, sau 2 năm đóng cửa vì dịch Covid-19 mới sửa sang, nhưng vừa đưa vào hoạt động thì bị đình chỉ theo quy định PCCC mới. Bà V.T.A.T, chủ cơ sở karaoke đường Ngô Văn Sở (Q.Liên Chiểu), cho biết cơ sở của mình tồn tại từ trước khi các quy định mới, nay chấp nhận sửa chữa, cải tạo cho an toàn nhưng đề xuất các quy định an toàn PCCC cần nới lỏng hơn, không quá cứng nhắc để tránh phải điều chỉnh kết cấu nhà (phần tốn kém nhất). "Như khoảng cách cầu thang, nếu cứng nhắc theo quy định thì phải đập đi xây lại, hoặc những cơ sở không đủ diện tích theo chuẩn mới chắc chắn phải đóng cửa", bà T. nói.
ĐỐI THOẠI, GIẢI QUYẾT TỪNG TRƯỜNG HỢP
Công an TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung hướng dẫn, tìm giải pháp tháo gỡ cho các cơ sở. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có gần 200 cơ sở có khả năng khắc phục các lỗi như chưa trang bị hệ thống PCCC, khoảng cách PCCC, chưa có tài liệu chứng minh tính chống cháy của vật liệu trên đường thoát hiểm… Khoảng 950 cơ sở khó khắc phục hoặc không có khả năng khắc phục, liên quan các lỗi thoát nạn (cầu thang chưa kín, thiếu thang máy…); nếu cải tạo, sửa chữa sẽ ảnh hưởng đến kết cấu, kiến trúc công trình. Ngoài ra, có 165 dự án, công trình còn tồn tại chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC; 37 dự án, công trình còn tồn tại chưa được nghiệm thu về PCCC.
Để tiếp tục tháo gỡ cho DN, từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã 3 lần đối thoại với hơn 300 DN, cơ sở để tiếp thu kiến nghị, hướng dẫn chi tiết. Qua đó, tháo gỡ 8 công trình liên quan sơn chống cháy, 39 công trình khắc phục tồn tại nghiệm thu. Đã có hơn 20 cơ sở karaoke sau khi hướng dẫn tháo gỡ đã được hoạt động trở lại…
Đại tá Phan Văn Dũng, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cho biết đã yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ tiếp tục nghiên cứu vận dụng có hiệu quả nội dung hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Đồng thời, phân loại theo từng nhóm, loại hình, đánh giá từng trường hợp có hay không khắc phục được, từ đó nghiên cứu đề ra giải pháp cụ thể, hướng dẫn tạo điều kiện cho DN sớm nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
Đáng chú ý, Công an TP.Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công an phối hợp Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ cho các công trình hiện hữu không có khả năng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC tại thời điểm đưa vào hoạt động để kịp tháo gỡ vướng mắc tại các công trình sai phạm hiện hữu. Qua đó, giúp người dân, DN sớm khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh. "Công an TP.Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành liên quan tham mưu Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về PCCC và cứu nạn cứu hộ nhằm khắc phục, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc, bảo đảm phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội", đại tá Phan Văn Dũng nói.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an TP.Đà Nẵng, hiện thành phố có 1.122 cơ sở vi phạm về PCCC khó khắc phục (gồm 14 cơ quan nhà nước, 48 chung cư, KTX, 175 cơ sở giáo dục, 18 cơ sở y tế, 65 quán bar, karaoke, 40 cơ sở thẩm mỹ, spa, 40 cơ sở dịch vụ thương mại, 570 cơ sở lưu trú, 121 trụ sở làm việc, 7 kho hàng hóa...). Trong đó, 349 cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt về PCCC, 773 cơ sở đã được thẩm duyệt nghiệm thu nhưng còn tồn tại, vi phạm.