Bác sĩ khám thấy bé bị béo phì, mới có 8 tuổi mà cân nặng tới 50kg. Sau khi khám xong, bác sĩ nói với mẹ: "Bé bị bệnh gai đen do bị béo phì. Vì vậy mẹ nên giảm cân cho bé bằng cách cho bé ăn uống hợp lý kết hợp khuyến khích bé vận động thể dục thể thao mỗi ngày. Khi bé giảm cân, chỉ cần giảm 5kg là vùng đen ở da cải thiện liền. Chị nhớ kiên trì giúp bé và không bỏ cuộc nha".
Bệnh gai đen là một rối loạn về da dẫn đến những vệt màu từ nâu nhạt đến đen xuất hiện ở vùng cổ, nách, háng và dưới rãnh vú. Lúc đầu, da có thể chỉ đổi màu xam xám, nhìn có vẻ như bị dơ dơ, sau đó da sẽ đen dần lên, sờ thấy sần sùi, nham nhám vì nổi các u nhú và dày hơn.
Bệnh gai đen ở trẻ béo phì thường liên quan đến tình trạng kháng insulin và thay đổi nội tiết tố. Insulin là một hormone ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, nếu như thiếu hụt insulin, đường trong máu tăng cao thì gây ra đái tháo đường.
Các nhà khoa học giải thích khi bé bị béo phì, cơ thể bé bị tăng chất mỡ tự do lưu thông cao trong máu, nó cản trở việc truyền tín hiệu insulin trong tế bào và góp phần gây kháng insulin.
Tình trạng kháng insulin xảy ra khi các tế bào của cơ thể không phản ứng hiệu quả với insulin, dẫn đến dù nồng độ insulin trong máu tăng cao nhưng tế bào cơ thể lại không đáp ứng được.
Chính insulin dư thừa sẽ kích thích sự phát triển của các tế bào da sản xuất nhiều sắc tố melanin, là một sắc tố màu đen của da, dẫn đến các mảng da dày, sẫm màu, gọi là bệnh gai đen.
Ngoài nguyên nhân liên quan đến béo phì, bệnh gai đen còn do một số nguyên nhân khác như tăng hormone nam, u ác, gene đột biến kháng insulin.
Về điều trị, quan trọng nhất là giảm cân; ngưng các loại thuốc gây sạm da; chăm sóc da tại chỗ bằng thoa kem làm sáng da; dùng xà phòng có tính kháng khuẩn và sử dụng nhẹ nhàng, không kỳ cọ mạnh dễ làm da bị tổn thương.
Để phòng bệnh gai đen, bà con cần khuyến khích bé tập luyện vận động thường xuyên, ăn giàu rau củ, ít năng lượng để tránh tình trạng dư cân béo phì; phát hiện và điều trị bệnh đái tháo đường sớm, nhất là thể kháng insulin giúp hạn chế hình thành tổn thương bệnh gai đen; phát hiện và điều trị triệt để các u ác nếu có.
Ngày 10-8, bác sĩ Ông Huy Thanh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết ê kíp bác sĩ khoa sơ sinh đã điều trị thay máu toàn phần thành công cho một bé sơ sinh 2 ngày tuổi, bị vàng da nặng do bất đồng nhóm máu mẹ con.