vĐồng tin tức tài chính 365

18 năm bị giam cầm, thao túng tâm lý của nữ 'nô lệ tình dục'

2023-09-08 03:34

Ngày 10/6/1991, mẹ Jaycee đi làm từ sớm. Jaycee, 11 tuổi, mặc bộ đồ toàn màu hồng yêu thích ra khỏi nhà ở thị trấn Meyers, phía nam thành phố South Lake Tahoe, California. Cô bé đi bộ lên đồi để bắt xe buýt của trường.

Ở bến xe, một chiếc ôtô màu xám tiến đến gần, Jaycee tưởng tài xế định dừng lại để hỏi đường, nhưng hắn kéo cửa sổ xuống và dùng súng điện bắn cô bé bất tỉnh.

Bố dượng của Jaycee, Carl Probyn, chứng kiến vụ bắt cóc từ nhà. Carl kể nhìn thấy hai người trên chiếc ôtô màu xám cỡ trung, quay đầu xe ở bến xe buýt trường học nơi Jaycee đang đứng, sau đó một phụ nữ cưỡng ép cô bé vào xe. Carl đuổi theo bằng xe đạp nhưng không kịp.

Vài giờ sau khi Jaycee mất tích, các phương tiện truyền thông đưa tin về vụ việc. Hầu hết mọi nguồn lực trong cộng đồng được huy động để tìm kiếm cô bé. Màu sắc yêu thích của Jaycee là màu hồng nên cả thị trấn được bao phủ bởi những dải ruy băng hồng. Vụ bắt cóc thu hút sự chú ý của cả nước Mỹ và được nhắc đến trong chương trình America's Most Wanted vào ngày 14/6/1991. Bất chấp nhiều nỗ lực, Jaycee không được tìm thấy suốt 18 năm sau đó.

Cô bé Jaycee Dugard trước khi bị bắt cóc. Ảnh: DR

Cô bé Jaycee Dugard trước khi bị bắt cóc. Ảnh: DR

Ngày 24/8/2009, một người đàn ông tên Phillip Garrido, sinh năm 1951, đưa hai con gái 15 tuổi và 12 tuổi đến Đại học California, Berkeley, để xin phép tổ chức một sự kiện. Nữ quản lý nhận thấy hắn có hành vi "bất thường" và hai cô bé trông "ủ rũ và phục tùng", nhợt nhạt như thể chưa được tiếp xúc với ánh mặt trời. Cô yêu cầu Phillip để lại tên và đến vào ngày hôm sau, rồi báo cho cảnh sát phụ trách an ninh trong trường. Cảnh sát kiểm tra lý lịch, phát hiện Phillip là tội phạm tình dục đang bị quản chế vì tội bắt cóc và hiếp dâm.

Sau khi nhận được báo cáo vào hôm sau, hai sĩ quan quản chế lái xe đến nhà Phillip, còng tay hắn và lục soát ngôi nhà, nhưng chỉ tìm thấy vợ hắn là Nancy Bocanegra và người mẹ già mắc chứng mất trí.

Khi bị chở về đồn, Phillip nói hai cô bé đi cùng hắn đến trường "là con gái của họ hàng" và đã được bố mẹ họ cho phép đưa đi. Dù Phillip vi phạm lệnh cấm tiếp xúc với trẻ vị thành niên và đi quá xa khỏi nơi cư trú khi chưa được phép, cảnh sát vẫn cho hắn về nhà và yêu cầu dẫn bố mẹ hai đứa trẻ đến trình diện tại văn phòng vào hôm sau.

Ngày 26/8, Phillip đi cùng Nancy, hai con gái nhỏ và con gái lớn tên là "Allissa". Sĩ quan quản chế quyết định tách Phillip ra để hỏi rõ danh tính của các cô gái.

"Allissa" thú nhận với các điều tra viên rằng hai cô bé là con mình. Cô nói biết Phillip là tội phạm tình dục bị kết án nhưng nhận xét anh ta "đã thay đổi", là "người tuyệt vời" và "tốt với các con của cô", hai cô bé cũng nói giống mẹ.

Khi bị ép cung cấp các chi tiết có thể xác nhận danh tính, "Allissa" trở nên cực kỳ đề phòng và kích động, yêu cầu biết lý do bị thẩm vấn. Sau đó, cô nói bị chồng cũ bạo hành và phải chạy trốn từ bang Minnesota.

Trong khi đó, trước cảnh sát, Phillip thừa nhận đã bắt cóc và cưỡng hiếp Jaycee từ 18 năm trước. Chỉ sau khi hắn thú tội, "Allissa" mới xác định mình là Jaycee Dugard, cô được cho là có dấu hiệu của Hội chứng Stockholm.

Nhà kho giam cầm  Jaycee Dugard ở sân sau nhà Phillip Garrido. Ảnh: UPI

Nhà kho giam cầm Jaycee Dugard ở sân sau nhà Phillip Garrido. Ảnh: UPI

Theo hồ sơ, năm 1972, Phillip từng bị bắt và bị buộc tội cưỡng hiếp thiếu nữ 14 tuổi sau khi chuốc thuốc an thần cho nạn nhân, nhưng vụ án không được đưa ra xét xử vì nạn nhân từ chối làm chứng.

Năm 1976, hắn bắt cóc và cưỡng hiếp Katherine Callaway, 25 tuổi, ở South Lake Tahoe. Trong cuộc đánh giá tâm thần theo lệnh của tòa án, Phillip được chẩn đoán là "kẻ lệch lạc tình dục và lạm dụng ma túy", có biểu hiện trầm cảm và rối loạn nhân cách. Phillip bị kết án 50 năm tù vào tháng 3/1977. Tuy nhiên hắn chỉ phải thụ án 11 năm. Được ân xá năm 1988, Phillip phải đeo thiết bị theo dõi ở mắt cá chân và bị giám sát bởi các sĩ quan quản chế, cảnh sát địa phương.

Trong lời khai, Phillip thường xuyên thủ dâm trong ôtô đỗ cạnh trường học khi quan sát các nữ sinh. Nancy, kết hôn với Phillip tại nhà tù năm 1981, đã giúp chồng bắt cóc Staycee.

Cô ta kéo Jaycee vào xe, cởi bỏ quần áo, đắp chăn lên đầu và giữ chặt trong suốt ba giờ lái xe về nhà cách đó 190 km ở thành phố Antioch, California. Jaycee chỉ lên tiếng một lần duy nhất khi cầu xin rằng bố mẹ mình không đủ tiền chuộc.

Khi đến nhà, vợ chồng Phillip nhốt Jaycee trong một nhà kho nhỏ được cách âm ở phía sau nhà chính. Phillip còng tay Jaycee và để mặc cô bé khỏa thân, sau đó đóng chặt cửa lại, dọa có chó dữ canh bên ngoài.

Trong tuần đầu bị giam cầm, Jaycee vẫn bị còng tay, chỉ nói chuyện và tiếp xúc với Phillip. Hắn ép cô bé tắm cùng, thỉnh thoảng mang đồ ăn nhanh và đưa cho một cái xô để đi vệ sinh. Một tuần sau vụ bắt cóc, Jaycee bị hắn cưỡng hiếp lần đầu tiên, tiếp tục ít nhất một lần một tuần trong ba năm đầu cô bé bị giam cầm.

Hàng xóm của Phillip kể từng thấy Jaycee qua hàng rào trong sân nhà hắn ngay sau vụ bắt cóc. Cô bé tự nhận tên là "Jaycee", sau đó Phillip bước ra đưa cô bé vào trong. Cuối cùng, hắn xây một hàng rào cao 2,4 m quanh sân sau và dựng lều cho Jaycee.

Phillip thao túng Jaycee bằng cách cấm cô bé nói hoặc viết tên mình. Jaycee không bao giờ được đi khám bác sĩ hoặc nha sĩ suốt thời gian bị bắt cóc. Có lúc Phillip cung cấp cho Jaycee một chiếc tivi nhưng không thể xem tin tức.

Gần một tháng rưỡi sau khi bị bắt cóc, Phillip chuyển cô bé đến căn phòng lớn hơn bên cạnh, còng tay vào giường, bắt làm nô lệ tình dục.

Bảy tháng sau, Phillip cho Jaycee gặp vợ hắn. Nancy mang đến thú nhồi bông và sữa sôcôla cho cô bé, vừa khóc vừa xin lỗi. Tuy nhiên, Jaycee mô tả Nancy cũng là kẻ thích thao túng như Phillip, đôi lúc cô ta thể hiện sự quan tâm như người mẹ, lúc lại lạnh lùng và tàn nhẫn, tỏ ra ghen tị với Jaycee. Khi Phillip vắng nhà, Nancy thay chồng trông coi cô bé.

Gần ba năm sau, Phillip bắt đầu tháo còng tay cho Jaycee, dù vẫn nhốt trong căn phòng có chốt. Vào Lễ Phục Sinh năm 1994, lần đầu tiên họ cho cô bé ăn đồ nấu chín. Cặp đôi thông báo với Jaycee, khi đó 13 tuổi, rằng cô bé đang mang thai. Sau khi sinh con gái đầu lòng, Phillip ít cưỡng hiếp Jaycee hơn và ngừng hẳn khi cô bé mang thai con gái thứ hai, sinh vào năm 1997.

Để xoa dịu vợ, Phillip bắt mẹ con Jaycee gọi Nancy là mẹ, và Jaycee phải dạy hai con nhận mình là chị. Jaycee học các kiến thức từ chương trình trên tivi để dạy con và bảo vệ chúng khỏi Phillip.

Qua thời gian, mẹ con Jaycee được phép tiếp xúc với những người khác. Jaycee đi làm trong cửa hàng in của Phillip, có quyền truy cập tài khoản email và điện thoại. Khách hàng tại đây cho biết Jaycee chưa bao giờ nói bóng gió về vụ bắt cóc hay danh tính thực sự của cô. Các nhân chứng cho biết Jaycee được nhìn thấy ở trong nhà Phillip, đôi khi mở cửa trước để nói chuyện với mọi người, nhưng chưa bao giờ cầu cứu hoặc cố gắng rời đi.

Phillip Garrido (trái) và Nancy Bocanegra ra tòa năm 2011. Ảnh: Reuters

Phillip Garrido (trái) và Nancy Bocanegra ra tòa năm 2011. Ảnh: Reuters

Sau khi Phillip và vợ bị bắt, Jaycee được quyền nuôi hai con và đoàn tụ với gia đình vào ngày 27/8/2009.

Tháng 11/2009, văn phòng thanh tra đưa ra báo cáo liệt kê những sai sót của Sở Cải tạo và Hòa nhập cộng đồng California đã góp phần khiến Jaycee bị giam cầm kéo dài. Họ phát hiện Phillip bị phân loại không chính xác khi chỉ cần giám sát ở cấp độ thấp.

Các nhân viên thực thi pháp luật đã đến thăm nhà Phillip ít nhất hai lần nhưng không yêu cầu kiểm tra sân sau, và không phát hiện Jaycee hoặc các con của cô. Báo cáo trình bày chi tiết một trường hợp nhân viên giám sát gặp một bé gái 12 tuổi tại nhà Phillip nhưng chấp nhận lời giải thích rằng cô bé là con của em trai hắn và không làm gì để xác minh. Sau khi Jaycee được tìm thấy, cảnh sát địa phương phải đưa ra lời xin lỗi tới các nạn nhân trong họp báo.

Tháng 4/2011, Phillip và Nancy nhận tội bắt cóc và cưỡng hiếp sau quá trình tố tụng kéo dài.

Ngày 2/6/2011, Phillip bị kết án tù chung thân với thời hạn để được ân xá là 431 năm. Nancy cũng nhận án tù chung thân nhưng sẽ đủ điều kiện ân xá vào năm 2029.

Vì Phillip được ân xá vì tội hiếp dâm vào thời điểm Jaycee bị bắt cóc, Jaycee kiện tiểu bang California, nơi tiếp quản quyền quản chế hắn từ chính phủ liên bang vào năm 1999, chỉ ra cơ quan thực thi pháp luật đã có nhiều sai sót nên không phát hiện cô bị hắn giam giữ. Tháng 7/2010, Jaycee nhận được khoản bồi thường trị giá 20 triệu USD.

Trong cuộc phỏng vấn của ABC News năm 2016, Jaycee nói rằng lòng trắc ẩn và sự sẵn lòng tương tác với kẻ bắt giữ là cách duy nhất để cô sống sót. "Cụm từ Hội chứng Stockholm ngụ ý rằng các con tin bị đe dọa và lạm dụng trở nên có tình cảm với những kẻ bắt giữ họ... Tôi thấy bị sỉ nhục, khi gia đình tôi tin rằng tôi yêu kẻ bắt cóc này và muốn ở cùng hắn. Điều đó khác xa sự thật đến mức nó khiến tôi buồn nôn... Tôi đã thích nghi để tồn tại trong hoàn cảnh của mình", Jaycee nói. Cô nhiều lần tuyên bố rằng, nhiều nạn nhân buộc phải dựa dẫm vào kẻ bắt giữ mình như một cơ chế sinh tồn.

Jaycee xuất bản cuốn sách A Stolen Life: A Memoir (2011) và Freedom: My Book of Firsts (2016), ghi lại cuộc sống bị giam cầm và quá trình hồi phục sau sang chấn. Vụ án còn được tái hiện qua phim tài liệu Wicked Attraction, Captive in 18 Years: Jaycee Lee.

Tuệ Anh (Theo ABC News, LA Times)

Xem thêm: lmth.1020564-cud-hnit-el-on-un-auc-mac-maig-ib-man-81/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“18 năm bị giam cầm, thao túng tâm lý của nữ 'nô lệ tình dục'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools