vĐồng tin tức tài chính 365

Năm làm nông bất lợi của Ấn Độ

2023-09-08 08:06

Cà chua gần đây đã xuất hiện trở lại ở chợ đầu mối Okhla, phía nam New Delhi. Vào khoảng 6 giờ sáng, những thùng cà chua màu đỏ từ những chiếc xe tải đã đi hàng nghìn km từ Ahmedabad, Bangalore và Nashik được dỡ xuống với sự thích thú đặc biệt của người mua.

"Cà chua mới đang đến và chất lượng rất tốt", Pappu Singh, một thương nhân đã mua hàng 35 năm ở chợ cho hay. Ông mua sỉ và bán lại cho các nhà hàng và những người bán rong ở huyện láng giềng.

Hồi tháng 7, những cơn mưa gió mùa xối xả và sâu bệnh đã tấn công ở các vùng trồng cà chua của Ấn Độ. Bất lợi gia tăng khi đường sá bị tắc nghẽn do lũ lụt, cản trở việc vận chuyển. Kết quả là giá cà chua - loại nông sản chủ yếu, được sử dụng trong nhiều món ăn Ấn Độ - đã tăng vọt, có lúc tới 700%.

"Tôi cần 1.000 kg cà chua mỗi ngày nhưng chỉ nhận được 100 kg vì thời tiết xấu. Hơn nữa, giá bán buôn đã lên tới 200 rupee (2,36 USD) một kg", Singh kể lại. Đến cuối tháng 8, giá giảm xuống còn 50 rupee một kg (0,59 USD), giúp mọi người thở phào nhẹ nhõm. "Mọi người đều vui vì cà chua rẻ", một thương nhân khác nói.

Mùa hè năm nay, Ấn Độ trải qua "cuộc khủng hoảng cà chua". Giai đoạn này cà chua trở thành mặt hàng quý hiếm, các vụ trộm cà chua tại trang trại và trên xe tải vận chuyển bùng phát. Đầu tháng 7, một nông dân ở Karnataka đã bị cướp từ 50 đến 60 bao cà chua trị giá 250.000 rupee, tương đương gần 3.000 USD.

Người dân xếp hàng mua cà chua được trợ giá của Liên đoàn Hợp tác xã Người tiêu dùng Quốc gia Ấn Độ (NCCF) tại New Delhi vào tháng 7. Ảnh: PTI

Người dân xếp hàng mua cà chua được trợ giá của Liên đoàn Hợp tác xã Người tiêu dùng Quốc gia Ấn Độ (NCCF) tại New Delhi vào tháng 7. Ảnh: PTI

Một người trồng khác cùng khu vực đã đệ đơn khiếu nại sau khi những người lạ vào hái số cà chua trị giá 1,5 triệu rupee, hơn 17.100 USD. Do đó, khi vụ thu hoạch mới đến gần, nông dân ở Karnataka và các vùng trồng như Maharashtra, Madhya Pradesh phải canh gác suốt ngày đêm.

Lần lượt lúc đó, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh thông báo loại cà chua khỏi thực đơn do mất mùa và giá cả tăng cao. Quyết định của McDonald's, Subway và Burger King có thể khiến một số người cảm thấy hài hước nhưng giá cả tăng vọt thực sự ảnh hưởng đáng kể với chi tiêu các hộ gia đình Ấn Độ.

Một số người nội trợ đi thẳng đến chợ đầu mối để mua cà chua rẻ hơn. Hầu hết đều phải sửa lại công thức và thực đơn ăn uống. Khi cà chua đạt giá 300 đến 350 rupee một kg (3,54 đến 4,2 USD), bà Bhupinder Kaur, 52 tuổi, bắt đầu nấu rau mà không dùng nước sốt cà chua. "Tôi quyết định chỉ sử dụng một quả cà chua trong món cà ri dù ngày thường cần ba quả. Ở đỉnh điểm khủng hoảng, tôi thay cà chua tươi bằng cà chua xay nhuyễn công nghiệp", bà nói.

Trong báo cáo tháng 7 về tình hình nền kinh tế, Ngân hàng trung ương Ấn Độ bày tỏ lo ngại về giá cà chua tăng. Thực phẩm chiếm gần một nửa rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này. Trong tháng 7, CPI đạt 7,44%, cao nhất trong hơn một năm. Riêng nhóm thực phẩm tăng vọt 11,51%, cao nhất từ tháng 4/2020. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Ấn Độ quyết định giữ lãi suất cơ bản ở mức 6,5%.

Thay vào đó, chính phủ quyết định thực hiện các biện pháp chủ động. Cơ quan chức năng thu mua cà chua để bán trợ giá cho người tiêu dùng tại các trung tâm tiêu dùng lớn như Delhi, Bihar, Rajasthan và Uttar Pradesh. Trong nỗ lực hạn chế tăng giá, Ấn Độ cũng cho phép nhập khẩu cà chua từ nước láng giềng Nepal.

Khi giá cà chua đã giảm đáng kể thì lo lắng về hành tây nổi lên. Bà Bhupinder Kaur cho biết giá hành tây hiện đã tăng gấp đôi, từ 20 rupee lên 40 rupee (24 cent lên 48 cent) mỗi kg. Suresh Kumar, một người bán hàng ở chợ Okhla cho biết dù giá có tăng thế nào, mọi người vẫn phải mua hành tây vì không thể xoay sở được nếu thiếu chúng trong món ăn.

Với chế độ ăn uống của người Ấn Độ, 3 loại nông sản "TOP" là rất quan trọng, TOP là viết tắt của cà chua (tomato), hành tây (onion) và khoai tây (potato). Tuy nhiên, người tiêu dùng nhạy cảm hơn khi nhắc tới hành tây, vì nó là nguyên liệu khó có thể thay thế bằng các sản phẩm khác trong công thức nấu.

Người dân phân loại hành tây ở Chikmagalur, Karnataka. Ảnh: PTI

Người dân phân loại hành tây ở Chikmagalur, Karnataka. Ảnh: PTI

Hành tây là nguyên liệu chủ yếu được mọi hộ gia đình, dù giàu hay nghèo, đều cần. Trên thực tế, nó quan trọng đến mức người ta cho rằng nó có sức mạnh để lật đổ các chính phủ. Ví dụ, tổng tuyển cử năm 1980 được mệnh danh là "cuộc bầu cử củ hành", chứng kiến sự thắng lợi của Indira Gandhi, người đã đánh bại đảng cầm quyền. Hay vào năm 1998, giá hành tăng mạnh đã khiến đảng Bharatiya Janata của Narendra Modi thất bại trong cuộc bầu cử địa phương ở Delhi.

Các nhà lãnh đạo không chấp nhận bất kỳ rủi ro nào khi nói đến loại nông sản này, đặc biệt là trong giai đoạn tiền bầu cử. Một số bang như Rajasthan, Madhya Pradesh và Chhattisgarh sẽ tổ chức bầu cử từ bây giờ đến cuối năm, và Thủ tướng Ấn Độ sẽ tái tranh cử lần thứ ba vào mùa xuân năm 2024. Vì thế, chính phủ đã nhanh chóng áp thuế xuất khẩu 40% lên hành tây và thậm chí lên kế hoạch bán trợ giá chúng tại các cửa hàng địa phương.

Ngoài rau quả, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và gạo trắng non-basmati để giảm đà tăng giá trên thị trường nội địa. Thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ (parboiled rice ) cũng đã được áp dụng. Các hạn chế hiện áp dụng cho tất cả các loại gạo. Nước này cũng được cho là đang xem xét giảm thuế nhập khẩu lúa mì.

Trong phát biểu hôm 15/8 ở New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói phải thực hiện nhiều bước hơn theo hướng hạn chế xuất khẩu để giảm thiểu gánh nặng lạm phát đối với người dân. "Và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện bước đó"," ông nói thêm.

Himanshu, Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kế hoạch tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho biết giá rau tăng đang được chú ý nhiều hơn, nhưng vấn đề thực sự nằm ở lạm phát của các mặt hàng chủ lực như gạo, lúa mì hoặc các loại đậu.

Ông lập luận rằng giá rau một phần liên quan đến tính thời vụ và tỷ trọng chi tiêu cho chúng trong ngân sách hộ gia đình không đáng kể bằng gạo hoặc lúa mì, những thứ mà người Ấn Độ không thể thiếu. "Bạn có thể sống mà thiếu cà chua, nhưng bạn không thể sống thiếu gạo hoặc lúa mì, những loại cây trồng chính ở Ấn Độ, được mọi tầng lớp người dân tiêu thụ", ông giải thích.

Rahul Bajoria, nhà kinh tế tại Ngân hàng Barclays, đồng quan điểm. "Chúng tôi lo lắng hơn về các mặt hàng chủ lực. Chính phủ cũng như vậy và đang tập trung vào gạo, dầu ăn, đồng thời để mắt đến lúa mì, các loại đậu, cũng như hành", ông nói. Chuyên gia này cho hay các mặt hàng trên chiếm 40% đến 50% chi tiêu cho thực phẩm của Ấn Độ.

Abhirup Sarkar, cựu chuyên gia kinh tế tại Viện Thống kê Ấn Độ, cho biết thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn trong ngân sách hộ gia đình đến mức chính phủ đang sử dụng công cụ duy nhất có được để kiểm soát giá cả là hạn chế xuất khẩu.

Ông dự đoán các biện pháp như vậy có thể tiếp tục được triển khai, do mùa mưa năm nay ở Ấn Độ kém. Lượng mưa ở các bang sản xuất lúa gạo chủ lực thấp hơn ít nhất 12% so với bình thường, trong khi vụ thu hoạch mùa đông trước đã kém. Ngoài ra, các vùng sản xuất đường cũng có lượng mưa thấp. Hơn nữa, hiện tượng thời tiết El Niño hiện có nguy cơ gây hại cho cây con.

Avinash Kishore, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cho biết giá lương thực tăng đang ảnh hưởng nặng nề đến người nghèo.
"Chính sách của Ấn Độ luôn là bảo vệ người tiêu dùng, ngay cả khi điều đó gây thiệt hại cho nông dân và thị trường thế giới", chuyên gia nhận định.

Vì Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nên các hạn chế sẽ tác động đến giá cả toàn cầu và gây bất lợi cho các nước nhập khẩu, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), giá gạo đã tăng 2,8% trong tháng 7 so với tháng trước và 19,7% trong năm nay. FAO cho biết sự gia tăng này "làm dấy lên mối lo ngại đáng kể về an ninh lương thực đối với phần lớn dân số thế giới". Tuy nhiên, chỉ còn một năm nữa là đến cuộc tổng tuyển cử, chính phủ Ấn Độ chắc chắn sẽ tiếp tục ưu tiên cho người dân của mình.

Phiên An (theo Le Monde)

Xem thêm: lmth.0350564-od-na-auc-iol-tab-gnon-mal-man/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Năm làm nông bất lợi của Ấn Độ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools