Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 8/9 tăng 250.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã đảo chiều giảm 150.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 68,05 – 68,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 2,9 USD lên 1.919,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co nhẹ ở quanh 1.924 USD/ounce cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,99 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.993 đồng/USD, tăng 14 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.920 – 24.260 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 25.800 USD thì sang phiên hôm nay đã có nhịp tăng khá mạnh lên trên 26.300 USD, trước khi hạ nhiệt về gần 26.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,21 USD (+0,24%), lên 87,08 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,31 USD (0,34%), lên 90,23 USD/thùng.
VN-Index điều chỉnh nhẹ
Gác lại những lo ngại về tỷ lệ dư nợ margin/vốn hóa đang ở vùng đỉnh lịch sử, cũng như xu hướng giảm tiếp diễn đẩy VN-Index kiểm định lại các ngưỡng hỗ trợ 1.232 điểm hoặc thấp hơn, thị trường chỉ biến động trong biên độ hẹp và đứng vững trên vùng giá 1.240 điểm khi đóng cửa.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6,15 triệu đơn vị, với giá trị mua ròng 119,31 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 8/9: VN-Index giảm 1,66 điểm (-0,13%), xuống 1.241,48 điểm; HNX-Index tăng 0,06 điểm (+0,02%), lên 256,2 điểm; UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%), lên 94,72 điểm.
Chứng khoán Mỹ
S&P 500 và Nasdaq giảm vào thứ Năm (7/9), do ảnh hưởng lớn từ Apple, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm làm dấy lên lo ngại về lạm phát dai dẳng sẽ khiến Fed giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Cổ phiếu Apple bất ngờ giảm tới gần 3%, do tin tức rằng Trung Quốc đã mở rộng việc hạn chế sử dụng iPhone của nhân viên nhà nước, yêu cầu nhân viên tại một số cơ quan chính phủ trung ương ngừng sử dụng điện thoại di động này tại nơi làm việc.
Kết thúc phiên 7/9: Chỉ số Dow Jones tăng 57,54 điểm (+0,17%), lên 34.500,73 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,34 điểm (-0,32%), xuống 4.451,14 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 123,64 điểm (-0,89%), xuống 13.748,83 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, do ảnh hưởng của Phố Wall phiên đêm qua, trong bối cảnh lo lắng về chính sách thắt chặt hơn của Fed và lệnh cấm iPhone của Trung Quốc.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,16% xuống 32.606,84 điểm. Trong tuần, chỉ số này giảm 0,32%.
Chỉ số Topix giảm 1,02% xuống 2.359,02 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này tăng 0,4% trong tuần.
Các công ty công nghệ và công nghiệp nằm trong số những công ty giảm mạnh nhất, với gã khổng lồ thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron giảm 3,83% và là lực cản lớn nhất của Nikkei 225.
Trong khi đó, cổ phiếu của công ty quảng cáo và trò chơi di động CyberAgent giảm 6,83%, mức giảm mạnh nhất trên Nikkei 225.
"Cho đến hết ngày thứ Tư, Nikkei 225 đã chứng kiến tám ngày tăng liên tiếp và đây là môi trường chín muồi cho một số điều chỉnh vị thế và chốt lời", Maki Sawada, chiến lược gia tại Nomura Securities cho biết.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi sự lạc quan của nhà đầu tư đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy yếu, trong khi đồng nhân dân tệ lao dốc đã gây thêm áp lực lên thị trường chứng khoán.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,18% xuống 3.116,72 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,49% xuống 3.739,99 điểm và mất 1,4% trong tuần.
Số liệu thương mại hôm thứ Năm cho thấy khả năng ổn định trong suy thoái của Trung Quốc, nhưng các nhà kinh tế cho biết nền kinh tế nước này vẫn có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng là khoảng 5%. Một số biện pháp nới lỏng gần đây có thể có ít tác động đến nền kinh tế đang chậm lại, họ nói thêm.
Đáng chú ý khác là trên thị trường tiền tệ, đồng Nhân dân tệ suy yếu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2007 vào thứ Sáu so với đồng USD, do thâm hụt thương mại dịch vụ ngày càng tăng và khoảng cách lợi suất với các nền kinh tế khác, đặc biệt là Mỹ, ảnh hưởng đến dòng vốn và thương mại.
Cổ phiếu của các công ty năng lượng và công ty truyền thông giảm lần lượt 1,4% và 2,3%.
Chứng khoán Hồng Kông đã tạm dừng giao dịch lần thứ hai trong tháng này, sau khi Đài quan sát địa phương đưa ra cảnh báo mưa lũ ở cấp độ cao nhất.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, sau khi bị kéo xuống khá thấp bởi đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu chip.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,58 điểm, tương đương 0,02% xuống 2.547,68 điểm, sau khi giảm tới 0,71% trong phiên. Trong tuần, chỉ số này giảm 0,63%.
Nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 0,14%, trong khi công ty cùng ngành SK Hynix giảm 4,05% do lo ngại về tác động lan tỏa từ việc quan hệ Trung-Mỹ xấu đi, sau khi Trung Quốc gần đây đã mở rộng các biện pháp hạn chế đối với việc sử dụng iPhone của nhân viên nhà nước.
Tuy nhiên, chỉ số KOSPI đã thu hẹp đà giảm về cuối phiên nhờ lực mua nước ngoài trên thị trường kỳ hạn, Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities cho biết.
Hầu hết các cổ phiếu lớn đều giảm, bao gồm các ngành sản xuất ô tô, sản xuất pin và các công ty nền tảng trực tuyến, nhưng các nhà sản xuất dược phẩm sinh học tăng và nhà sản xuất thép POSCO Holdings tăng 2,64%.
Kết thúc phiên 8/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 384,24 điểm (-1,16%), xuống 32.606,84 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,63 điểm (-0,18%), xuống 3.116,72 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 0,58 điểm (-0,02%), xuống 2.547,68 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Các cuộc khủng hoảng chồng chéo có thể phá vỡ hệ thống tài chính toàn cầu
Giống như con tàu Titanic, nền kinh tế toàn cầu được xem như một cỗ máy không thể chìm, nhưng thực tế chúng ta có thể không đạt được điều đó..>> Chi tiết
- Dư nợ margin không cao, ước đạt 150.000 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ dư nợ margin/vốn hoá ở vùng đỉnh lịch sử
Diễn biến đảo chiều chóng mặt có thể dẫn đến việc nhà đầu tư đề cao cảnh giác trong giai đoạn tới, nhất là khi thị trường vận động có phần “lỏng lẻo”. Do đó, thị trường có thể có những biến động lớn trong thời gian tới..>> Chi tiết
- “Vòi” đã mở, chờ tiền chảy
Kỳ vọng tín dụng sẽ được bơm vào nền kinh tế mạnh hơn trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tập trung cho hoạt động kinh doanh, đáp ứng các đơn hàng là yếu tố nền tảng giúp thị trường chứng khoán tích cực hơn..>> Chi tiết
- Thời điểm để bắt đầu kế hoạch đầu tư, kinh doanh mới
Với nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ, đây là thời điểm để đến, ở lại và bắt đầu các kế hoạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ là “chất xúc tác” quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến trình này..>> Chi tiết