Reuters đưa tin, Trung Quốc đang chuẩn bị ra mắt một Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp - được nhà nước hỗ trợ - nhằm “tiếp sức” cho các khoản đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất chip trong nước. Được biết, Trung Quốc đang nỗ lực tăng tốc trong cuộc đua bán dẫn.
Mục tiêu của quỹ là huy động được 300 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 41,1 tỷ USD (hơn 986 nghìn tỷ đồng). Điều này có thể khiến quy mô của quỹ mới vượt xa các quỹ vào các năm 2014 và năm 2019 trước đó do Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc (còn được gọi là Big Fund) thành lập.
Reuter viết, kế hoạch thành lập quỹ được chính phủ Trung Quốc phê duyệt trong những tháng gần đây. Bộ Tài chính nước này có thể sẽ đóng góp 60 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 8,2 tỷ USD. Quá trình này có thể mất một khoảng thời gian và danh tính của những tổ chức còn lại chưa được tiết lộ.
Những bên đóng góp trước đây bao gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, tập đoàn viễn thông China Telecom và Tổng Công ty thuốc lá. Một trong những nguồn tin thân cận của Reuters nói rằng lĩnh vực đầu tư chính của quỹ là thiết bị sản xuất chip.
Trong những năm qua, Big Fund đã hỗ trợ một số doanh nghiệp sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Semiconductor Manufacturing International, Yangtze Memory Technologies,...
Ngoài ra, bằng những nỗ lực của mình, ngành bán dẫn của Trung Quốc đã đạt được một số dấu mốc nhất định. Theo Bloomberg thông báo trước đây, công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE) đã sẵn sàng cung cấp thiết bị sản xuất chip 28 nanomet đầu tiên vào cuối năm. Nó được đánh giá là một bước tiến quan trọng.
Hay gần đây, với sự ra mắt của điện thoại Huawei Mate 60 Pro, nhiều người trong ngành đã vô cùng ấn tượng khi sản phẩm sử dụng chip Kirin 9000s - mẫu chip cao cấp được Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế SMIC sản xuất trong nước.
Tham khảo Reuters, Bloomberg