vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ kiện lịch sử đòi phụ nữ 'được quyền làm luật sư' ở Anh

2023-09-14 03:33

Gwyneth sinh năm 1889 ở Oxford, có cha là hiệu trưởng trường St David's College, ông ngoại là bác sĩ. Thời điểm này, luật là nghề cuối cùng ở Anh, ngoài nhà thờ, chống lại sự gia nhập của phụ nữ. Các cô gái ở đây đã tranh đấu suốt nửa thế kỷ để được quyền học luật.

Năm 1908, Gwyneth đỗ vào khoa luật của Đại học Oxford danh giá, là người phụ nữ thứ sáu trong lịch sử nước Anh, theo học ngành này. Nhưng việc chấp nhận cho nữ giới học luật, không đồng nghĩa họ sẽ được nhận bằng tốt nghiệp.

Sau 4 năm học hành miệt mài, nữ sinh duy nhất của khoa luật khóa đó, Gwyneth, có kết quả học tập cao nhất trường. Cô trở thành thủ khoa song không được trao bằng tốt nghiệp, vì là nữ.

Gwyneth Bebb trong lễ phục ngày tốt nghiệp khoa luật, Đại học Oxford. Ảnh: Bodleian Library Blog

Gwyneth Bebb trong lễ phục ngày tốt nghiệp khoa luật, Đại học Oxford. Ảnh: Bodleian Library Blog

Năm 1913, cô và ba phụ nữ nộp đơn vào Hiệp hội Luật sư để tham gia các kỳ thi cấp chứng chỉ sơ bộ cần thiết trước khi trở thành luật sư. Họ từ chối đơn đăng ký và trả lại phí với lý do: Phụ nữ không được hành nghề luật sư. Trong thời gian này, Gwyneth đành xin việc và được nhận vào làm thanh tra của Bộ Kinh doanh Thương mại, nhưng đam mê nghề luật chưa bao giờ tắt.

Vài tháng sau, cô gửi đơn kiện Hội Luật gia. Hành động đã ghi tên cô vào một trong những vụ kiện nổi tiếng nhất nước Anh thế kỷ 20.

Phiên sơ thẩm diễn ra trong hai ngày 2 và 3 tháng 7/1913. Trong phần trình bày, Gwyneth dẫn Đạo luật Luật sư năm 1843, Điều 2 nêu: "Không người nào (person) được phép hành động với tư cách là luật sư hoặc cố vấn pháp luật trừ khi người đó được thừa nhận, đăng ký và có đủ tiêu chuẩn hợp lệ để làm luật sư hoặc luật sư".

Gwyneth lập luận phụ nữ phải được Hội Luật gia công nhận tư cách một con người (person), do đó hoàn toàn có quyền đăng ký, thi và được cấp chứng chỉ hành nghề nếu đủ điều kiện.

Hội đồng xét xử ra phán quyết chống lại, cho rằng không có ví dụ nào về nữ luật sư hoặc tiền lệ cho phép họ trở thành luật sư. Về cơ bản, phụ nữ không thể làm luật sư vì chưa có phụ nữ nào từng làm luật sư. Việc thay đổi luật là tùy thuộc vào quốc hội chứ không phải tòa án.

Gwyneth kháng cáo lên Tòa phúc thẩm và lại thua với cùng lập luận của tòa sơ thẩm. Tóm lại, phụ nữ không thể là luật sư vì trước đó, chưa có phụ nữ nào từng là luật sư.

Điểm khởi đầu của quan niệm này là một cuốn sách giáo khoa luật song ngữ Anh - Pháp, có từ thế kỷ 14 mang tên The Mirror of Justices - Tấm gương công lý. Trong sách có đoạn nêu "Fems ne poient estre attorneyes" - Phụ nữ không thể làm luật sư.

Sau đó, một học giả thế kỷ 16, Edward Coke, đã trích dẫn cuốn sách một cách tán thành. 300 năm sau, ba thẩm phán của Tòa phúc thẩm Anh vẫn dùng lý lẽ cổ xưa này để tuyên Gwyneth thua kiện.

Vụ án thất bại nhưng những người phụ nữ đã đưa ra quan điểm của mình và giành được sự ủng hộ của công chúng. Họ không kháng cáo lên Viện nguyên lão (House of Lords), khi đó là Tòa án cấp cao nhất đất nước, mà dồn sức vào chiến dịch cải cách luật pháp, với sự ủng hộ của một số nghị sĩ nam.

Chiến dịch mở cửa ngành luật cho phụ nữ tiếp tục diễn ra trong suốt Chiến tranh thế giới thứ nhất với những nỗ lực cải cách nội bộ, các dự luật trong Quốc hội và rất nhiều sự quảng bá rộng rãi, phần lớn do Gwyneth Bebb và những người ủng hộ thực hiện.

Tháng 3/1917, bà trở thành ủy viên Cơ quan Dịch vụ Phụ nữ Quốc gia, bảo vệ quyền phụ nữ. Một tháng sau, bà kết hôn với luật sư Thomas Weldon Thomson và được điều chuyển sang làm tại tại Bộ Lương thực.

Năm 1921, bà được trao tặng OBE, Huân chương Hiệp sĩ Hoàng gia, phần thưởng của Nữ hoàng Anh tặng những công dân Anh có thành tích xuất sắc trong nghệ thuật, khoa học, thiện nguyện, phúc lợi xã hội và các dịch vụ công cộng khác.

Tờ The Daily Sketch, ngày 11/12/1913, đưa tin về vụ kháng cáo của Gwyneth Bebb (trái) với tiêu đề: Các nam luật sư đang e dè bộ óc phái nữ sao?. Ảnh: The Law Blog

Tờ The Daily Sketch, ngày 11/12/1913, đưa tin về vụ kháng cáo của Gwyneth Bebb (trái) với tiêu đề: "Các nam luật sư đang e dè bộ óc phái nữ sao?". Ảnh: The Law Blog

Tác động của chiến tranh thế giới thứ nhất và nhận thức ngày càng tăng về quyền của phụ nữ do phong trào bầu cử có nghĩa là đã đến lúc phải thay đổi. Hiệp hội Luật sư đã bỏ phiếu chấp nhận phụ nữ làm luật.

Ngày 22/12/1919, Gwyneth sinh con gái. Hai ngày sau, Quốc hội cuối cùng đã thông qua Đạo luật loại bỏ phân biệt giới, trong đó tuyên bố: "Một người sẽ không bị phân biệt về giới tính hoặc hôn nhân, khi tham gia hoặc đảm nhận bất kỳ nghề nghiệp hoặc kho gia nhập vào bất kỳ tổ chức xã hội nào".

Gwyneth lập tức bỏ việc tại Bộ Lương thực và miệt mài vừa chăm con, vừa học để chuẩn bị cho kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề, đồng thời cố vấn cho chồng trong công việc luật sư của ông. Nhưng số phận đã không cho bà thỏa nguyện.

Tháng 8/1921, con gái thứ ba của Gwyneth sinh non, mất sau hai ngày. Người mẹ bị xuất huyết, thiếu máu, ngưng tim trong đêm 9/10/1921 khi mới 31 tuổi, kỳ thi cấp chứng chỉ luật sư chỉ còn cách vài tháng.

Chồng bà không tái hôn qua đời 8 năm sau, trong một tai nạn săn bắn.

Dù không trở thành nữ luật sư đầu tiên của lịch sử nước Anh nhưng trong lòng giới luật nước này, bà luôn giữ vị trí danh dự đó. Không chỉ vì vụ kiện lẫy lừng mang tên bà mà còn vì vai trò trung tâm mà bà đã đóng trong chiến dịch nữ quyền được hoạch định chiến lược lâu dài và cẩn thận, và đã thành công.

Hơn 110 năm sau vụ kiện, theo thống kê của Hiệp hội Luật sư Anh, hiện nước này có 153.000 luật sư, trong số này 53% là phụ nữ.

Hải Thư (Theo Oxford DNB, Independent, First 100 years UK, University of Oxford, Law Society Gazette)

Xem thêm: lmth.0131564-drofxo-coh-iad-aohk-uht-auc-us-taul-mal-coud-un-uhp-iod-us-hcil-neik-uv/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vụ kiện lịch sử đòi phụ nữ 'được quyền làm luật sư' ở Anh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools