Có hơn 7.400 tỉ, cả quý 2 chỉ sử dụng gần 6 tỉ đồng quỹ bình ổn giá xăng dầu
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý 2-2023 còn gần 7.425 tỉ đồng, tuy nhiên tổng số sử dụng quỹ bình ổn giá trong quý 2-2023 là 5,91 tỉ đồng, dư quỹ tăng hơn 1.784 tỉ đồng so với quý 1-2023.
Theo báo cáo chi tiết việc trích chi, sử dụng quỹ của 34 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu trong quý 2-2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn giá cuối kỳ đến ngày 30-6-2023 cao nhất với hơn 3.198 tỉ đồng, chiếm 43% tổng số dư quỹ.
Tiếp đến là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612 tỉ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức với hơn 468 tỉ đồng, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp hơn 454 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM với hơn 333 tỉ đồng...
Báo cáo ghi nhận 4 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Đứng đầu là Công ty cổ phần xăng dầu Tân Nhật Minh với âm hơn 32 tỉ đồng. Tiếp đến là Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty cổ phần (PV Oil) âm hơn 22 tỉ đồng...
8 tỉnh thành đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD trở lên
Theo Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm, trong 63 tỉnh, thành cả nước có 8 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỉ USD trở lên gồm TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Nội.
Đáng chú ý, Đồng Nai đã bị Hải Phòng và Bắc Giang vượt về quy mô kim ngạch. Cụ thể, cùng kỳ 2022, Đồng Nai đứng vị trí thứ 5 (sau TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên), nhưng 8 tháng đầu năm nay, địa phương này đã rơi xuống thứ 7 sau Hải Phòng (thứ 5) và Bắc Giang (thứ 6).
Hết tháng 8, xuất khẩu của Đồng Nai chỉ đạt 14,34 tỉ USD, giảm gần 3 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng thời điểm, Hải Phòng đạt 15,59 tỉ USD (cùng kỳ năm ngoái đạt 15,76 tỉ USD); Bắc Giang đạt 14,5 tỉ USD, tăng 3,57% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng khoảng 500 triệu USD.
Hết tháng 8, TP.HCM, Bắc Ninh và Bình Dương vẫn duy trì 3 vị trí dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của cả nước với kết quả lần lượt là 27,7 tỉ USD, 24,5 tỉ USD, 20,18 tỉ USD, nhưng các kết quả này đều giảm mạnh so với cùng kỳ 2022.
TP.HCM đề xuất thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị
UBND TP.HCM vừa có tờ trình báo cáo Thủ tướng dự thảo quyết định thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND các quận huyện, trên cơ sở tổ chức lại đội thanh tra xây dựng địa bàn các quận huyện thuộc Thanh tra Sở Xây dựng.
Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của đội thanh tra xây dựng các quận huyện; tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường lòng lề đường, nơi công cộng của phòng quản lý đô thị các cấp huyện.
Sau đó, TP sẽ giải thể đội quản lý trật tự đô thị thuộc phòng quản lý đô thị nhằm tinh gọn bộ máy.
Thời gian qua, tại TP.HCM xuất hiện nhiều chợ tự phát, hoạt động kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… cần có lực lượng thường xuyên tuần tra, giám sát, phát hiện nhanh để xử lý. Theo tờ trình, đội quản lý trật tự đô thị này là "cần thiết, hoạt động thường xuyên, liên tục, không kể ngày đêm, ngày nghỉ để kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm trật tự đô thị".
TP.HCM phát hiện nhiều trường hợp dùng chứng chỉ hành nghề y giả
Ngày 13-9, Sở Y tế TP.HCM thông tin trong hai năm 2022 - 2023 sở này đã phát hiện 25 trường hợp sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh giả.
Tất cả trường hợp phát hiện đã được Sở Y tế chuyển đến cơ quan công an để điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong năm 2023 Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và xử phạt 21 cơ sở nha khoa hành nghề trái phép hoặc vi phạm các quy định về hành nghề.
Đối với các nhà thuốc tư nhân, Sở Y tế đã xử lý 45 cơ sở với nhiều hành vi vi phạm khác nhau, trong đó có hành vi vắng mặt dược sĩ phụ trách chuyên môn trong thời gian hoạt động của nhà thuốc.
Sở Y tế kêu gọi người dân tiếp tục phản ảnh trực tiếp và kịp thời về Thanh tra Sở Y tế qua ứng dụng "Y tế trực tuyến", số điện thoại đường dây nóng 0989.401.155 khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến việc mua bán, cho thuê chứng chỉ hành nghề y, dược.
Trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ cùng sở y tế các tỉnh thành lân cận chia sẻ kinh nghiệm tìm giải pháp quản lý hành nghề y dược, sớm chấm dứt tình trạng sử dụng chứng chỉ hành nghề giả từ địa phương này sang địa phương khác đăng ký hành nghề.
Còn 17 nạn nhân vụ cháy chung cư mini chưa xác định được danh tính
Đến nay, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính 39 người trong số 56 nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư mini đêm 12 rạng sáng 13-9 tại Hà Nội, còn 17 nạn nhân chưa xác định được.
Công an TP Hà Nội cũng cho biết có 37 người bị thương trong vụ cháy hiện đang được điều trị tại các bệnh viện.
Hiện Trung tâm Phân tích gene GENTIS đã có thông báo đề nghị được hỗ trợ gia đình bị nạn làm giám định ADN miễn phí để xác định nhân thân, giúp người nhà tìm người thân bị nạn trong vụ cháy và không nhận dạng được.
Các gia đình có thể gọi đến số đường dây nóng 1800 2010 hoặc tầng 8, 249A Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội để cung cấp thông tin.
Tối 13-9, tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã ký công văn thông báo trích quỹ phúc lợi của ngành, hỗ trợ các gia đình nạn nhân vụ cháy mức 2-3 triệu đồng/người.
Đồng thời yêu cầu Bảo hiểm xã hội Hà Nội phối hợp với các bệnh viện tạo mọi điều kiện, đảm bảo thuốc, vật tư cứu chữa nạn nhân; giải quyết nhanh nhất, sớm nhất chế độ mai táng phí, chế độ tuất với người tham gia bảo hiểm xã hội là nạn nhân trong vụ cháy.
Một số tin tức đáng chú ý: Trịnh Thăng Bình phủ nhận bị liệt nửa mặt, nhận lỗi hát live; Thanh Hằng và học trò diện đồ Đỗ Mạnh Cường; 'Cô đào hát' lỡ hẹn dịp giỗ Tổ sân khấu...