Tiền rõ ràng là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân khắp thế giới. Không chỉ có vậy, nó còn giúp nền kinh tế vận hành trơn tru. Tuy nhiên, chỉ nhiêu đó chưa thể phản ánh hết vai trò của tiền.
Tiền là gì?
Trước khi tiền xuất hiện, mọi người sử dụng hệ thống trao đổi dựa trên những thứ họ có để đổi lấy những cái họ cần. Tuy nhiên, quy mô này chỉ phù hợp với những cộng đồng nhỏ. Khi dân số tăng và thương mại mở rộng, con người cần một hệ thống mới để làm trung gian thanh toán và tiền ra đời.
Nói chính xác, tiền hoạt động như một phương tiện lưu giữ giá trị để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch hàng ngày. Tiền có thể mua được đồ dùng, thức ăn, quần áo hay các dịch vụ khác. Không có tiền, rõ ràng việc đảm bảo lưu thông hàng hóa và dịch vụ sẽ vô cùng khó khăn.
Bên cạnh vai trò lưu trữ giá trị, tiền còn là phương tiện trao đổi, đóng vai trò trung gian giữa các bên trong giao dịch. Hệ thống trao đổi hàng hóa trước kia có những hạn chế vì nó đòi hỏi sự liên kết hoàn hảo giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, với tiền, người mua và người bán không cần phải có hàng hóa trao đổi ngay lập tức mà có thể chỉ cần đáp ứng nhu cầu của một bên. Chính điều này giúp giao dịch trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra, tiền còn là phương tiện phản ánh giá trị. Vì tiền được dùng làm phương tiện trao đổi hàng hóa và dịch vụ nên nó có khả năng giúp theo dõi giá hiện hành của hàng hóa và dịch vụ. Ví dụ, một ổ bánh mì thường chỉ có giá 2 USD nhưng trong thời kỳ lạm phát đã tăng lên 3 USD. Chiếc bánh mì vẫn là chiếc bánh mì nhưng giá của nó có thể đã tăng, giảm theo biến động thị trường. Và tiền phản ánh điều đó.
Vậy tiền tác động như thế nào tới nền kinh tế?
Đầu tiên là việc làm và tiền lương. Hầu hết mọi người đều được nhận tiền cho công việc họ làm dưới dạng thu nhập. Số tiền này thường được chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu như nhà ở, chăm sóc sức khỏe và thực phẩm cũng như những hàng hóa và dịch vụ khác mà họ mong muốn. Mỗi khi tiền được trao tay, dù với mục đích là gì, nó cũng đều tác động tới nền kinh tế. Nó sẽ được chuyển tới cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức khác. Dòng tiền chính là yếu tố giúp thúc đẩy kinh tế.
Thứ 2 là tiết kiệm và đầu tư. Khi mọi người có thu nhập và trả hết các khoản chi phí, số tiền còn lại thường được giữ tiết kiệm hoặc đầu tư vào doanh nghiệp, bất động sản hay thị trường chứng khoán. Đầu tư hay tiết kiệm không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn giúp các doanh nghiệp phát triển và có vốn để rộng đầu tư.
Thứ 3 là mô hình chi tiêu. Khi các cá nhân tích lũy được nhiều tiền hơn thông qua thu nhập hoặc tiết kiệm, sức mua của họ sẽ tăng lên. Điều này cho phép họ tự do tài chính hơn và lựa chọn nhiều hơn. Ngoài ra, các cá nhân có xu hướng đi vay nhiều hơn khi lãi suất thấp cũng làm tăng sức mua của họ. Điều này có thể tác động đến mô hình tiêu dùng, sau đó tác động đến các lĩnh vực sản xuất.
Cuối cùng là thuế và các khoản chi tiêu của chính phủ. Chính phủ các nước đều áp thuế, bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế hàng hóa dịch vụ cùng các nguồn khác. Thuế là nguồn thu quan trọng của các chính phủ và tiền từ thuế sẽ được sử dụng để thực thi các chương trình an sinh xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng cơ bản cũng như duy trì an ninh, trật tự trong cộng đồng.
Trong khi hệ thống trao đổi hàng hóa từng một thời thình hành và đặt nền móng cho thương mại, tiền ra đời giúp đẩy thương mại giữa trong cộng đồng, trong quốc gia và trên toàn thế giới lên một tầm cao mới. Đó chính là cách mà thế giới của chúng ta đang vận hành hôm nay.
Tham khảo: Royal Bank of Canada