Ngân hàng cuối cùng trong nhóm Big 4 mới đây đã công bố hạ lãi suất điều hành. Theo đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – HoSE: CTG) công bố biểu lãi suất huy động mới với việc điều chỉnh giảm 0,2 – 0,3 điểm % tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và các kỳ hạn dưới 1 tháng được giữ nguyên ở mức 0,1% và 0,2%; các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng vẫn được hưởng lãi suất 3%/năm.
Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm 0,2 điểm %, từ 3,8% xuống 3,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 4,7% xuống 4,5%/năm.
Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên thay đổi mức lãi suất huy động cao nhất là 5,5%/năm, giảm 0,3 điểm % so với trước đó. Đây là mức lãi suất thấp lịch sử của Vietinbank cho các kỳ hạn dài, tương đương với các ngân hàng trong nhóm Big 4 khác.
Vietcombank và Agribank trước đó cũng đã giảm 0,2-0,3 điểm % lãi suất tiền gửi, đưa lãi suất cao nhất xuống còn 5,5%/năm. Ngày 18/9 vừa qua, BIDV cũng có động thái tương tự khi giảm 0,2-0,3 điểm % ở hàng loạt kỳ hạn.
Như vậy, toàn bộ nhóm 4 ngân hàng quốc doanh là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã giảm lãi suất huy động cao nhất xuống còn 5,5%/năm - ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn Covid-19.
Động thái giảm mạnh lãi suất huy động của các ngân hàng lớn diễn ra trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang đối mặt với tình trạng thừa tiền.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú từng chia sẻ: Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ.
Ông Tú ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh” thừa tiền. Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).
Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn dâng tồn tại một số vấn đề đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tuy có dấu hiệu tăng chậm lại trong năm 2022 nhưng vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế.