Ả Rập Xê-Út đang trong quá trình đàm phán với Tesla nhằm thành lập một cơ sở sản xuất xe điện mới, từ đó hiện thực hóa tham vọng đa dạng hóa nền kinh tế và thoát khỏi dầu mỏ, theo WSJ. Tuy nhiên, đàm phán vẫn đang ở giai đoạn đầu và có thể thất bại bất cứ lúc nào.
Được biết, Ả Rập Xê-Út đã thuyết phục Tesla bằng quyền mua một số lượng lớn kim loại và khoáng chất quý cần thiết cho xe điện từ một số khu vực, trong đó có Cộng hòa Dân chủ Congo. Đây là nhà sản xuất coban lớn nhất thế giới khi chiếm tới 70% sản lượng khai thác toàn cầu.
Nếu thành công, thỏa thuận với Ả Rập Xê-Út có thể giúp Tesla hiện thực hóa tham vọng bán 20 triệu xe điện mỗi năm vào năm 2030, tăng từ mức khoảng 1,3 triệu vào năm 2022. Hãng xe này được cho là phải cần khoảng 10 nhà máy để đạt được mục tiêu của mình. Tesla hiện đang sản xuất xe ở Mỹ, Trung Quốc và Đức; trong tương lai sẽ lên kế hoạch sản xuất ở Mexico .
Thực tế, Trung Quốc sở hữu hầu hết các mỏ coban (hay còn được gọi là kim cương xanh) ở Congo. Các công ty Mỹ không theo kịp và thậm chí còn bán mỏ cho các đối tác Trung Quốc. Kết quả, Trung Quốc kiểm soát 41% hoạt động khai thác coban trên thế giới và khai thác nhiều nhất lithium - nguyên liệu vô cùng quan trọng để sản xuất pin xe điện.
Như vậy, nếu Elon Musk đàm phán thành công, phương Tây có thể rút ngắn khoảng thời gian bắt kịp Trung Quốc trong công cuộc khai thác khoáng sản quý phục vụ quá trình phát triển xe điện.
“Làn sóng đầu tư đầu tiên của Trung Quốc đã diễn ra và điều đó là tiếng chuông cảnh báo đối với các công ty phương Tây”, Anthony Viljoen, giám đốc điều hành của Andrada, nói.
“Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với các nhà sản xuất ô tô Mỹ”, Yang Jing, Giám đốc nghiên cứu doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương tại Fitch cho biết. “Mỹ nhận ra Trung Quốc đang thống trị toàn bộ chuỗi cung ứng. Nếu họ chỉ bán xe điện mà không xây dựng chuỗi cung ứng cho riêng mình, sự phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc vẫn là rất lớn”.
Ngược lại, thỏa thuận với Elon Musk cũng sẽ giúp Ả Rập Xê-Út thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nước này hiện đang trong quá trình đàm phán với Mỹ để đảm bảo kim loại ở châu Phi có thể được dùng trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trước đó, vào năm 2018, PIF, do Thái tử Mohammed làm chủ tịch, đã mua 2 tỷ USD cổ phiếu Tesla. Cuối năm đó, Thống đốc PIF Yasir Al-Rumayyan cũng đã thảo luận về việc đầu tư cùng Elon Musk và đây chính là tiền đề cho những dòng tweet mà Musk đăng tải, rằng công ty ông được ‘đảm bảo nguồn tài chính’.
Cũng trong năm 2018, PIF đã đầu tư 1 tỷ USD vào Lucid, công ty do cựu giám đốc Tesla điều hành, với điều kiện nhà sản xuất ô tô này phải mở nhà máy ở Ả Rập Xê-Út. PIF kể từ đó nâng tỷ lệ sở hữu của mình trong công ty lên khoảng 60%; Lucid - hãng xe Mỹ ra đời từ 2007 chuyên về ô tô điện cũng động thổ xây dựng nhà máy tại đặc khu kinh tế của vương quốc.
Được biết trước đó, Ả rập Xê-Út đã thuê tập đoàn Boston tư vấn quá trình lựa chọn một nhà sản xuất xe điện mới. Người phát ngôn của quỹ đầu tư thuộc hoàng gia đã xác nhận rằng họ đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước vào dầu mỏ.
Theo: WSJ